Tiết lộ về lực lượng "đặc nhiệm" cứu hộ sập hầm thủy điện

Thiên Minh |

Tiểu đoàn 93 được coi là lực lượng “đặc nhiệm công binh”, vừa huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, vừa tham gia cứu nạn, cứu hộ, đặc biệt là khắc phục hậu quả sập đổ công trình.

12 nạn nhân trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo (Lâm Đồng) đã được giải cứu thành công chiều 19/12.

Chiến công này là thành tích chung của toàn thể lực lượng cứu hộ trên hiện trường, mà đặc biệt là sự đóng góp của bộ đội công binh.

Trong đó có nhóm “đặc nhiệm” là cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn công binh vật cản 93 trực tiếp tham gia đào ngách hầm đã cứu thoát các nạn nhân.

Công binh đặc nhiệm cơ động nhanh

Tiểu đoàn công binh vật cản 93 (Bộ tham mưu, Binh chủng Công binh) được thành lập ngày 15/10/1967, là lực lượng dự bị chiến lược của Bộ Quốc phòng, sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo đảm công binh khi có tình huống xảy ra.

Theo báo Quân đội Nhân dân, Tiểu đoàn còn làm nhiệm vụ bảo vệ phía Tây thủ đô Hà Nội; phòng chống khủng bố, chống bạo loạn lật đổ; phòng chống lụt bão, giảm nhẹ hậu quả thiên tai, sẵn sàng nổ phá đê để phân lũ, chậm lũ….

Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 (Tiểu đoàn công binh vật cản 93), kiểm tra quân tư trang trước khi hành quân cơ động thực hiện nhiệm vụ

Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 (Tiểu đoàn công binh vật cản 93), kiểm tra quân tư trang trước khi hành quân cơ động thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: QĐND

Những năm gần đây, Tiểu đoàn 93 nhận thêm một nhiệm vụ mới là huấn luyện lực lượng sẵn sàng tham gia thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp trong khối ASEAN, theo hiệp ước đã ký giữa các nước trong khối.

Có thể nói, những nhiệm vụ mà cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn công binh vật cản 93 đảm nhiệm là những công việc thầm lặng, song đầy rẫy những hiểm nguy đang rình rập.

Những chiến công đặc biệt

Trong kháng chiến chống Mỹ, Tiểu đoàn đã lập được nhiều chiến công xuất sắc. Riêng trong tháng 11/1967 đơn vị đã rà phá, gây nổ hơn 40 quả bom từ trường.

Từ phá bom ở miền Bắc, đơn vị được chi viện cho chiến trường miền Trung, miền Nam và đã trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Cửa Việt, thành cổ Quảng Trị.

Sau đó, Tiểu đoàn còn tham gia chiến dich Hồ Chí Minh lịch sử, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Rải hàng rào thép gai, trong huấn luyện thực hiện nhiệm vụ A2

Chiến sĩ Tiểu đoàn 93 rải hàng rào thép gai, trong huấn luyện thực hiện nhiệm vụ

Trong chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã sáng tạo nhiều cách phá bom, mìn như lưới phá bom từ trường, khóa mở bom từ xa, dùng mìn vùi phá mìn mạng nhện, cải tiến dây kéo bom từ trường, dùng nguồn điện trong bom để phá bom...

Tiểu đoàn 93 đã vinh dự được Bác Hồ và Bác Tôn tặng lẵng hoa.

Từ những năm 1990 đến nay, tiểu đoàn vừa huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tham gia cứu nạn, cứu hộ, đặc biệt là khắc phục hậu quả sập đổ công trình.

Đơn vị đã tham gia nhiều vụ tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả bom mìn như:

- Vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ (tháng 7/2007)

- Sập núi đá ở Bản Vẽ (12/2007)

- Sập mỏ đá Lèn Cờ, Yên Thành, Nghệ An (tháng 42011), Tương Dương, Nghệ An;

- Trục vớt xe khách bị lũ cuốn trôi trên sông Lam (tháng 10/2010);

- Sự cố cháy tòa nhà của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (tháng 12/2011);

- Sạt lở tại quốc lộ 6 thuộc địa bàn huyện Mai Châu, Hòa Bình (2/2012)…

- Tháng 7 năm nay, Tiểu đoàn 93 đã được huy động để cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả của vụ trực thăng quân sự rơi ở Hòa Lạc.

Ngoài ra, tiểu đoàn còn bảo đảm an toàn cho các hội nghị quan trọng được tổ chức tại Việt Nam.

Năm 1999, Tiểu đoàn được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới.

Năm 2011 được trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba.

Huấn luyện: Lái xe không chỉ biết cầm... vô lăng

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Cốc, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 93, “lực lượng, phương tiện của tiểu đoàn lúc nào cũng sẵn sàng, khi có lệnh là đi ngay”.

Trong huấn luyện, quan điểm xuyên suốt của Tiểu đoàn 93 là huấn luyện có trọng tâm, trọng điểm; huấn luyện toàn diện từ lý thuyết đến huấn luyện kỹ thuật, huấn luyện đội hình.

Tiểu đoàn đã tự xây dựng giáo án “Hành động của phân đội công binh trong tìm kiếm cứu nạn, khắc phục sập đổ công trình”.

Thực tế cho thấy, khi huấn luyện theo giáo án này, chất lượng thực hiện nhiệm vụ của các thành phần đã được nâng lên rất rõ rệt.

Huấn luyện, làm chủ thiết bị gắp mìn

Huấn luyện, làm chủ thiết bị gắp mìn. Ảnh: QĐND

Bên cạnh đó, một nội dung luôn được xác định trong Nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ hằng năm của Đảng ủy Tiểu đoàn 93 là:

“Ngoài thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, mỗi cán bộ, chiến sĩ còn phải đảm đương tốt nhiệm vụ của 2 đến 3 thành phần khác”.

Chẳng hạn, lái xe không chỉ biết cầm vô-lăng mà còn phải biết 4-5 nhiệm vụ khác để khi xuống xe là có thể thực hiện chức trách của người chiến sĩ công binh.

Họ không chỉ có nhiệm vụ đưa lực lượng, phương tiện đến hiện trường, mà tiếp đó còn phải vận hành trang thiết bị, tham gia cứu hộ cùng với bộ phận chuyên môn hoặc đảm đương nhiệm vụ của quân y, tham gia sơ cứu, vận chuyển nạn nhân.

Để cứu người, cứu tài sản tại các công trình sập đổ đạt kết quả cao nhất, cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn luôn coi trọng công tác huấn luyện nội dung này. Ảnh: Quang Tuấn

Tiểu đoàn 93 thường xuyên thực hành kìm kiếm cứu nạn... Ảnh: QĐND

Đặc biệt, trong huấn luyện nhiệm vụ phòng chống khủng bố, điều đầu tiên các chiến sĩ cần phải biết là khắc phục đạn, ngòi nổ, đồng thời luyện tập, nghiên cứu phương án hóa giải các cách tấn công, thủ đoạn của lực lượng khủng bố.

Trang bị phương tiện hiện đại

Là đơn vị đặc nhiệm, tiểu đoàn được trang bị nhiều loại phương tiện kỹ thuật đặc chủng.

Trong đó, có các phương tiện hiện đại như máy dò bom mìn, máy điện tử quang học, máy cắt bê tông, búa khoan phá bê tông, máy cưa xích Homelite…

Bảo dưỡng xe đặc chủng IMR-2M

Các chiến sĩ Tiểu đoàn 93 bảo dưỡng xe đặc chủng IMR-2M. Ảnh: QĐND

Hiện, tiểu đoàn đã có xe chuyên dụng chứa toàn bộ trang bị, khí tài, dụng cụ cho nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn (TKCN), sập đổ công trình.

Có thể kể đến bộ tìm kiếm SearchCam, bộ dò tìm tổng hợp SearchCam-giống như thiết bị siêu âm, dò tìm trong đống đổ nát, các loại kích thủy lực, tăng, cắt, ép, kìm.

Trong tương lai, đơn vị sẽ được trang bị tiếp những thiết bị hiện đại khác để đáp ứng yêu cầu ngày càng phức tạp bởi công tác TKCN trong tình huống sập đổ xảy ra muôn hình, muôn vẻ, phức tạp và đa dạng trên mọi lĩnh vực, không chỉ dừng ở mức sập đổ công trình.

Nhiều sáng chế bất ngờ

Làm nhiệm vụ kiêm nhiệm đặc biệt nên nhiều sáng kiến đã được cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 93 triển khai, mang lại hiệu quả khá rõ rệt.

Do chưa được biên chế xe xử lý bom nên khắc phục sự… thiếu thốn ấy, một chiếc “xe bom cải tiến” chế ra từ chiếc U-oát… xếp bao cát quanh thành xe và thực tế nó sẵn sàng tiếp nhận bom khi cần thiết.

Tìm kiếm cứu cứu nạn tại các công trình sập đổ là nhiệm vụ mà cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn công binh vật cản 93 luôn sẵn sàng phải đối mặt. Ảnh: Quang Tuấn

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 93 luyện tập cứu hộ cứu nạn tại công trình sập đổ. Ảnh: QĐND.

Một “sáng kiến” khác tuy không to tát, song cũng được thực tiễn kiểm nghiệm và cho thấy tính hiệu quả cao, đó là việc cho ra đời những chiếc thang dây, phục vụ cứu hộ, cứu nạn.

Trước đây, trong biên chế của tiểu đoàn chỉ có thang tre, thang sắt, với độ dài hạn chế và hay trơn trượt khi sử dụng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự an toàn cũng như hiệu quả cứu nạn.

Khắc phục tồn tại đó, đơn vị đã nghiên cứu, sản xuất thang dây với độ dài… tùy ý.

Chỉ cần một người ôm thang dây lên được vị trí đã định và thả thang dây xuống, lực lượng cứu hộ cứu nạn có thể dễ dàng leo lên, nhanh chóng tiếp cận các địa điểm có độ cao vượt trội mặt đất.

Phút thư giãn sau một ngày huấn luyện với cường độ cao

Phút thư giãn sau một ngày huấn luyện với cường độ cao của các chiến sĩ Tiểu đoàn 93. Ảnh: QĐND

 (Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại