Kế hoạch thử nghiệm tàu ngầm
Sáng ngày 4/4/2014, ông Nguyễn Quốc Hòa, chủ nhân của tàu ngầm Trường Sa cho biết con tàu đã ở trạng thái sẵn sàng cho cuộc thử nghiệm.
Sau lần di chuyển trên hồ nước hôm 28/3, ông Nguyễn Quốc Hòa đã kiểm tra được nhiều tính năng của con tàu mà trong bể không thể thử nghiệm được. Ông bật mí thêm, trong lần thử nghiệm đó, doanh nhân này đã thử nghiệm cả những trường hợp xử lý thoát hiểm khi tàu gặp sự cố.
Hiện tại, tàu hoàn toàn đủ khả năng để tiếp tục thử nghiệm trên biển và mọi khâu chuẩn bị cũng đã hoàn thành. Kế hoạch cho chuyến thử nghiệm này cũng đã được hoàn thiện.
Theo chia sẻ của ông Hòa, địa điểm sẽ được tiến hành tại vùng biển Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Vùng biển được lựa chọn có độ sâu từ 20 – 30m.
Đoàn thử nghiệm hôm đó sẽ gồm ba tàu, tàu ngầm Trường Sa và hai tàu cá. Hai tàu cá sẽ đóng vai trò tàu cảnh báo. Một tàu đi trước, một tàu đi sau. Hai tàu này đều được trang bị máy tầm ngư để có thể theo dõi được tàu ngầm Trường Sa đang ở đâu trong khi lặn xuống nước, di chuyển hay dừng lại…
“Khi tàu lặn sẽ chỉ như một con cá lớn và máy tầm ngư có thể theo dõi được điều này. Sẽ không có gì nguy hiểm với những tàu thuyền xung quanh. Bản thân tôi cũng đã lựa chọn vùng biển vắng để thử nghiệm.” – Ông Nguyễn Quốc Hòa nhận định.
Ngoài ra, chủ nhân tàu Trường Sa cũng đã lên sẵn những phương án dự phòng trong trường hợp tàu gặp sự cố.
“Tôi có tham khảo ý kiến của một số chuyên gia và có sự thay đổi nơi đặt bình oxy lỏng, bình dầu nguyên liệu để tăng tính an toàn cho tàu. Ngoài ra, con tàu còn được trang bị hệ thống xả khí để nổi nhanh chóng trong trường hợp tàu gặp trục trặc khi đang lặn. Tôi đã tính toán đầy đủ, để nếu xảy ra trường hợp xấu nhất thì cùng lắm mất tàu chứ không thể mất người.”
Ông Nguyễn Quốc Hòa cho biết: “Tại vùng nước sâu khoảng 20m, các thợ lặn vẫn hoạt động bình thường, với con tàu này, mọi vết hàn, độ dày lớp vỏ, các chốt, vít đều được tính toán để chịu được áp suất nước ở độ sâu lớn hơn. Vì thế, con tàu hoàn toàn có thể yên tâm thử nghiệm lần này.”
Về bản thân, ông Hòa vẫn giữ thói quen luyện tập bơi khoảng 1km/ngày, ông cho biết thể lực của ông hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của cuộc thử nghiệm.
Về việc xin phép thử nghiệm, ông Hòa cũng đã có sự chuẩn bị và tin rằng các cấp lãnh đạo của Thái Bình sẽ ủng hộ chiếc tàu Trường Sa.
Độ an toàn của AIP?
Sau khi di chuyển trên mặt nước hoàn hảo, có một số chuyên gia, kỹ sư đóng tàu đã lên tiếng lo ngại về vấn đề an toàn của hệ thống không khí tuần hoàn AIP, đặc biệt khi tàu sử dụng nguyên liệu là Oxy lỏng, trong không gian chật hẹp rất dễ gây cháy nổ.
Chia sẻ về những ý kiến này, ông Nguyễn Quốc Hòa bày tỏ trong quá trình nghiên cứu AIP, ông biết hệ thống này là một thứ đỏng đảnh và cũng rất nguy hiểm. Tuy nhiên, những nguy hiểm này không phải không có cách khắc phục:
“Tôi không biết các anh ấy (kỹ sư, chuyên gia góp ý kiến phản biện – PV) đã tham gia vận hành hệ thống AIP chưa hay chỉ đọc và thấy nói là nó nguy hiểm và không biết nguy hiểm ở đâu, thế nào. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt, khi người ta biết nó dễ cháy nổ thì phải có biện pháp phòng chống cháy nổ.
Đến ngay như thuốc nổ nguy hiểm như vậy nhưng người ta vẫn biết cách chế ngự nó. Đơn giản như cái ô tô, xăng là một thứ rất dễ cháy nổ, thậm chí còn dễ cháy nổ hơn rất nhiều lần so với oxy lỏng. Chẳng lẽ chúng ta không có biện pháp chế ngự nó cho cái ô tô?
Nếu như cứ sợ và lo lắng rất có thể sẽ không có bước tiến nào. Nhưng tôi cũng đã có sự tham vấn và tiếp thu ý kiến của nhiều chuyên gia, như trong việc bố trí lại vị trí đặt của bình oxy lỏng, bình dầu nhiên liệu… để đảm bảo tính an toàn nhất cho con tàu và người sử dụng”.