Tiềm năng hợp tác quốc phòng Việt - Nhật

Tuy mới gia nhập thị trường thương mại kỹ thuật quân sự quốc tế, nhưng Nhật Bản đã kiểm soát tới 46% thị trường thiết bị điện tử, xe quân dụng và 30% thị trường tàu thuyền. Công nghiệp lưỡng dụng cũng là thế mạnh của Nhật Bản mà Việt Nam có thể hợp tác.

Việt Nam và Nhật Bản vừa tiến hành đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng Quốc phòng lần thứ hai tại Tokyo tuần trước, trong đó thảo luận chi tiết 5 nội dung hợp tác như bản hợp tác quốc phòng hai bên đã ký kết từ 2011.

5 lĩnh vực thảo luận trao đổi hợp tác gồm: trao đổi thăm viếng làm việc, đào tạo, công nghiệp quốc phòng, hợp tác trên các diễn đàn đa phương, hợp tác nhân đạo và khắc phục hậu quả chiến tranh. Trong đó, công nghiệp quốc phòng là một trong những lĩnh vực quan trọng được hai bên đặc biệt quan tâm.

Nhìn từ khía cạnh hợp tác này, đâu là tiềm năng, lợi thế từ phía Nhật mà Việt Nam có thể tham khảo xúc tiến hợp tác?

Tiềm lực

Nhật Bản hiện có hơn 1.500 xí nghiệp sản xuất hàng quân sự, với 70.000 công nhân, chiếm 0,1% tổng số công nhân toàn quốc. Các sản phẩm quân sự của các công ty như Mitsui, Mitsubishi, Kawasaki, Toshiba, Komatsu, Oki, Nippon, Hitachi và Ishikawa được đánh giá mang chất lượng đẳng cấp quốc tế.

Đó là những sản phẩm như máy bay tiêm kích F-I, máy bay huấn luyện T-2, T-4, máy bay lên thẳng SH-60J; tên lửa đất đối hạm kiểu 88 (SSM-1), tên lửa hạm đối hạm kiểu 90, tên lửa chống tăng kiểu 87 (ATM-3), hệ thống tên lửa đa tác dụng kiểu 96, tên lửa đất đối không vác vai kiểu 91 (SAM-2), tên lửa đất đối không tầm thấp kiểu 81 (SAM-1CO); xe bọc thép kiểu 89, pháo tự hành 155 ly kiểu 75, ra đa 3 chiều kiểu cố định (J/ FPS-3), ra đa pháo binh (JTPS-P16); động cơ diezen dùng cho tàu quét mìn, thiết bị rải thuỷ lôi kiểu 94; hệ thống thông tin cấp sư đoàn và tàu chiến…

quốc phòng, Nhật Bản, tên lửa, quân đội, không quân, hải quân
Tên lửa đất đối hạm 88 (SSM-1) của Nhật. Ảnh: militaryspot

Hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin, máy tính, tin tức; hệ thống vệ tinh thông tin liên lạc, dẫn đường cho tàu thuyền, máy bay trinh sát và theo dõi mặt đất có độ chính xác cao; hệ thống hàng không, đặc biệt là những máy bay vừa có khả năng thám trắc mục tiêu vừa có khả năng kiểm soát, chỉ huy; hệ thống vũ khí có thiết bị điều khiển dẫn đường; đạn pháo dẫn đường chính xác; tàu thuyền và thám trắc dưới nước…

Tuy Nhật Bản mới gia nhập thị trường thương mại kỹ thuật quân sự quốc tế, nhưng họ đã kiểm soát tới 46% thị trường thiết bị điện tử, xe quân dụng và 30% thị trường tàu thuyền. Ngoài ra, công nghiệp lưỡng dụng cũng là thế mạnh của Nhật Bản mà Việt Nam có thể tham khảo hợp tác.

Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí

Từ cuối 2011, Nhật Bản nới lỏng chính sách cấm vận dựa trên “ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”, nhằm mở đường cho việc tăng ngân sách quốc phòng, hiện đại hoá quân đội, đặc biệt là không quân và hải quân, gia tăng sự can dự, đối phó với mọi thách thức tại khu vực, đồng thời thúc đẩy khả năng xuất khẩu vũ khí.

“Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” do nội các của ông Eisaku Sato lần đầu tiên đề ra vào năm 1967, nhưng có những hạn chế nhất định về xuất khẩu vũ khí, qua đó thể hiện ý muốn đóng góp cho hòa bình của Nhật Bản. Tuy nhiên, năm 1983, nguyên tắc này được nới lỏng khi “đồng ý chỉ cung cấp công nghệ vũ khí cho đồng minh Mỹ trong điều kiện nhất định”.

Năm 2004, “Hiệp hội chia sẻ bảo đảm an ninh và sức mạnh phòng vệ” đã có báo cáo trình Thủ tướng Nhật rằng, để bảo đảm “công nghệ lõi” cho an ninh Nhật, cần nghiên cứu sách lược để Nhật Bản tham gia hợp tác phát triển và sản xuất, vì vậy cần thiết phải sửa “ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”.

Giới chức quốc phòng Nhật khi đó đánh giá rằng, việc nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí là một quyết định quan trọng nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng và quân sự của nước này trong tương lai.

Theo đó, Nhật Bản đã thúc đẩy hợp tác, nghiên cứu phát triển công nghệ vũ khí với các quốc gia đồng minh: Mỹ, Australia, Hàn Quốc và NATO, qua đó giúp lực lượng hải quân, không quân đẩy nhanh tiến trình hiện đại hoá tiềm lực và cùng với các nước đối phó với mọi thách thức khu vực, đồng thời giúp Nhật thúc đẩy khả năng xuất khẩu vũ khí, trang thiết bị quân sự cho các nước trên thế giới, nhất là các nước ASEAN.

Biên độ nào cho hợp tác?

Nhật Bản đã định hướng phát triển khoa học công nghệ quốc phòng đáp ứng nhu cầu chuyển đổi phương châm chiến lược từ “có tính phòng ngự” sang “kết hợp giữa tiến công với phòng ngự”, với không gian tác chiến của quân đội Nhật được phép mở rộng ra ngoài lãnh thổ.

Theo giới phân tích, với sự hỗ trợ của máy bay tiếp dầu, không quân Nhật có thể tác chiến chiến lược trên phạm vi toàn cầu. Trong tương lai gần, có thể vượt qua quân đội Anh và Pháp.

Từ năm 1986 đến nay tỷ lệ chi phí cho nghiên cứu khoa học công nghệ quốc phòng trong chi phí quân sự của Nhật Bản tăng bình quân 3,58 - 4%/ năm. Theo đó, nước này thực hiện ưu đãi một số xí nghiệp công nghiệp quốc phòng tham gia mở rộng hợp tác quốc tế và sản xuất hàng lưỡng dụng, khiến tiềm năng hợp tác của Nhật Bản đối với Việt Nam là rất lớn.

Nhật Bản từng tỏ ý sẵn sàng tăng cường hợp tác chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực gìn giữ hòa bình, hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật, quản lý cũng như hợp tác hải quân, chống cướp biển… nhất là về hợp tác công nghiệp quốc phòng.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại