Chiến đấu cơ vừa được phục dựng này đã thực hiện một chuyến bay ngắn từ căn cứ Hải quân Kanoya thuộc đảo Kyushu miền Nam Nhật Bản rồi lại quay trở lại căn cứ nói trên.
Người lái chiếc Zero này là cựu phi công của Không quân Mỹ Skip Holm.
Tiêm kích Zero được coi là một trong những chiến đấu cơ mạnh nhất trong Thế chiến 2 sánh ngang với Spitfire của Anh.
Tầm hoạt động rộng của chiếc máy bay này cho phép Zero đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến Trân Châu Cảng ngày 7/12/1941. Hiện chỉ còn vài chiếc Zero còn hoạt động.
Chiếc máy bay mà phi công Holm lái được tìm thấy tại Papua New Guinea trong tình trạng bị rỉ sét vào những năm 70 của thế kỷ trước.
Tại thời điểm đó, chiếc máy bay này thuộc sở hữu của một người Mỹ và được doanh nhân người Nhật Masahiro Ishizuka mua lại và đem về Nhật Bản vào tháng 9/2015.
“Tôi muốn người dân Nhật Bản, đặc biệt là giới trẻ hiểu về chiếc chiến đấu cơ huyền thoại Zero trong khi những người già có thể nhớ về quá khứ.
Mỗi người trong số họ có thể có những suy nghĩ và cách nhìn nhận khác nhau về chiếc máy bay này, tuy nhiên, tôi chỉ muốn họ hiểu Nhật Bản đã phát triển công nghệ của mình đến mức nào”, ông Ishizuka nói.
Nhiều người dân Nhật Bản đã coi chiếc Zero là biểu tượng về sự phát triển công nghệ đồng thời là lời nhắc nhở về những đau thương trong chiến tranh của nước này.
Trong giai đoạn cuối của Thế chiến 2, những chiến đấu cơ này được sử dụng để thực hiện các phi vụ kamikaze- tức là tấn công cảm tử của các phi công Thần phong của Nhật Bản.
Các phi công Thần phong cũng đã từng cất cánh từ căn cứ Hải quân Kanoya nơi chiếc Zero do phi công Holm lái để thực hiện các vụ tấn công cảm tử của mình.
Trước khi được doanh nhân Nhật Bản Ishizuka mua lại, chiếc chiến đấu cơ này từng xuất hiện trong bộ phim “Trân Châu Cảng” và tham dự rất nhiều sự kiện khác nhau tại Mỹ.