Tiêm kích Su-30SM: "Quà quý" Ấn Độ tặng Nga, Việt Nam thì sao?

Bình Nguyên |

Trong một bài viết, nhà bình luận Konstantin Bogdanov (Nga) ví von Su-30SM như là món quà Ấn Độ dành tặng cho KQ Nga. Liệu Việt Nam có kết duyên với Su-30SM, để cùng hưởng quà quý?

Su-30SM - Món "quà quý" Ấn Độ dành tặng cho KQ Nga

Trong một bài viết đăng trên RIA Novosti, Konstantin Bogdanov - nhà bình luận quân sự nổi tiếng người Nga đã ví von Su-30SM như là món quà Ấn Độ dành tặng cho Không quân Nga.

Nhận định trên được ông Bogdanov đưa ra khi bình luận về việc BQP Nga chọn mua tiêm kích đa năng Su-30SM, một biến thể giống với Su-30MKI mà Nga đã xuất khẩu cho Ấn Độ từ hơn 10 năm trước và dường như đây là lựa chọn thực dụng nhưng hợp lý.

Theo chương trình mua sắm của BQP nước này, Không quân Nga sẽ được nhận ít nhất 60 chiếc Su-30SM, trong khi đó, Không quân Hải quân Nga cũng đã nhận những chiếc Su-30SM đầu tiên trong tổng số 50 chiếc đã được đặt mua và bàn giao từ nay tới năm 2020.

Điều thú vị đặc biệt nhất là ở chỗ, Irkut, vốn là đơn vị chuyên sản xuất và xuất khẩu dòng máy bay chiến đấu Su-30 có "cánh mũi" đi khắp thế giới lại đang chạy hết công suất để phục vụ các đơn hàng từ trong nước. Câu hỏi đặt ra là tại sao BQP Nga lại đặt mua Su-30?

Phải khẳng định rằng Su-30 là một họ máy bay chiến đấu hoàn toàn mới do Nga sản xuất (không nên nhầm lẫn với các loại máy bay do Liên Xô sản xuất trước đó) và được đánh giá là nổi tiếng nhất ở bên ngoài nước Nga.

Vào năm 1993, phiên bản xuất khẩu, định danh Su-30K đã được phát triển với kỳ vọng sẽ phá vỡ nhiều kỷ lục về tính năng cũng như đạt doanh số bán ra lên tới hàng trăm chiếc. Họ máy bay này liên tục được phát triển để rồi sau đó chia làm 2 dòng, gồm:

- Dòng Su-30 "Trung Quốc" với các biến thể Su-30MKK/MK2 được sản xuất bởi Nhà máy Komsomolsk-on-Amur (KNAAP) tại TP. Komsomolsk, bên sông Amur (Viễn Đông) và xuất khẩu tới Venezuela, Indonesia, Uganda, Việt Nam, tất nhiên, cả Trung Quốc.

- Dòng Su-30 "Ấn Độ" với định danh Su-30MKI được sản xuất bởi Nhà máy Irkut để xuất khẩu cho Ấn Độ và sau đó cũng được các nước khác như Algeria (Su-30MKA) và Malaysia (Su-30MKM).

Trong đó, Su-30MKI được đánh giá là hoàn hảo với thiết kế kiến trúc mở, cho phép dễ dàng tích hợp thêm các hệ thống mới vào các thiết bị điện tử và mang phóng được nhiều loại vũ khí có điều khiển chính xác hiện đại được cung cấp bởi nhiều nhà sản xuất khác nhau.

Hai "anh em" Su-30MKI và Su-30SM đều có khả năng đối không, đối hạm và đánh đất vượt trội.

Cụ thể, Su-30MKI được trang bị radar và hệ thống ngắm bắn quang học của Nga, hệ thống dẫn đường và hiển thị của Pháp, hệ thống điều khiển hỏa lực và tác chiến điện tử của Israel và các máy tính của Ấn Độ. Trong khi đó, Su30MK2 khó có thể làm được như vậy.

Lý giải đơn giản nhất về việc BQP Nga lựa chọn Su-30SM phát triển trên nền Su-30MKI là do Irkut, với dây chuyền công nghệ sẵn có, ngày càng được hoàn thiện qua hơn 10 năm cung cấp sản phẩm chủ lực này cho Ấn Độ.

Điều đó có nghĩa rằng sản phẩm có chất lượng tốt, giá thành hợp lý, thỏa mãn được yêu cầu của BQP Nga một cách hoàn hảo cả về tính năng lẫn tiến độ cung cấp.

Rõ ràng, các đơn hàng của BQP Nga đã thổi luồng sinh khí mới vào một dây chuyền đang chạy ngon lành, cho phép tối ưu hóa thêm công nghệ, sắm mới nhiều thiết bị hiện đại và tận dụng được nguồn nhân lực kỹ thuật cao có sẵn, giúp hạ đơn giá sản xuất.

Đây là cách tiếp cận tối ưu, đảm bảo các yếu tố nhanh - nhiều - tốt - rẻ, đáp ứng ngay lập tức nhu cầu phát triển của Quân đội Nga. Do vậy, nhà bình luận Konstantin Bogdanov (Nga) ví von Su-30SM như là món quà Ấn Độ dành tặng cho KQ Nga là hoàn toàn chính xác.

Dường như phương thức này cũng đang được áp dụng rộng rãi trong các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga.

Cụ thể ở đây là dòng máy bay huấn luyện chiến đấu Su-30M2 dành cho Không quân Nga với mục đích chuyển loại cho phi công tiêm kích Su-35S và gần đây nhất là tiêm kích trên hạm MiG-29K cho Ấn Độ đều hưởng lợi từ những phát triển từ cách làm của Su-30SM.

Tự thân cách tiếp cận này đã chứng minh tính logic hợp lý của nó. Vì thế, Quân đội Nga hy vọng phát huy được những kinh nghiệm kể trên nhằm hỗ trợ cho các mẫu máy bay mới vốn đang được triển khai và đã đạt được những thành công nhất định.

Không quân Nga hiện đang mong chờ những chiếc máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Sukhoi T-50 và Hải quân Nga cũng trông đợi những chiếc tàu ngầm phi hạt nhân lớp Lada.

Trong khi đó, Lục quân Nga "tẩy chay" các dòng xe tăng, xe bọc thép hiện có và thúc giục các nhà sản xuất sớm hoàn thiện các mẫu xe hoàn toàn mới, khi đó họ mới chính thức đặt mua.

Nói đúng ra, Lục quân Nga cũng muốn được như Không quân khi chọn mua được những vũ khí giá rẻ, sản xuất loạt lớn, có trang bị tốt và có cấu trúc mở để nâng cấp, thay đổi cấu hình dễ dàng giống như Su-30SM.

Su-30SM thừa hưởng rất nhiều điểm ưu việt của Su-30MKI.

Việt Nam có nên kết duyên cùng "món quà" Su-30SM?

Dù có nhiều thông tin đan xen lẫn nhau giữa việc Việt Nam có thể mua tiêm kích đa năng MiG-35 hay Su-30MKI, thậm chí cả các loại tiêm kích đa năng của phương Tây cũng được cho là những ứng viên tiềm năng, thì Su-30SM vẫn đang giữ được vị thế sáng giá nhất.

Với ngân sách có hạn, Việt Nam thường mua máy bay chiến đấu theo lô nhỏ từ 8-12 chiếc và lựa chọn phương thức thanh toán giao hàng tối ưu nhất nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực (cả phi công lẫn đội ngũ đảm bảo kỹ thuật) theo từng giai đoạn.

Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng
Đại tướng Phùng Quang Thanh
Việc đầu tư cho quốc phòng cũng phải căn cơ, từng bước, phù hợp với tình tình thực tiễn, khả năng của đất nước. Bây giờ chúng ta thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược, đó là xây dựng và bảo vệ đất nước. Tất nhiên không xem nhẹ nhiệm vụ nào, nhưng nếu tập trung, đầu tư quá nhiều cho nhiệm vụ bảo vệ đất nước thì sẽ thiếu đi nguồn lực cho việc xây dựng và phát triển đất nước. Chính việc đầu tư cho phát triển đất nước, thì sau này chúng ta sẽ có nguồn lực để đầu tư cho quốc phòng.

Trước mắt, nhu cầu về máy bay tiêm kích hạng trung như MiG-35 chưa thật sự cấp bách bởi lẽ số lượng Su-30MK2 hiện có đang phải đảm trách nhiệm vụ chi viện biển đảo rất nặng nề, nếu có thêm các máy bay tương tự, hiện đại hơn thì gánh nặng sẽ được san bớt.

Do vậy, các dòng máy bay tiêm kích đa năng có khả năng mang phóng vũ khí diệt hạm tầm trung xa sẽ được ưu tiên hơn trong tương lai gần và Su-30SM đã hội tụ đầy đủ các yếu tố "thuận lợi" như:

- Chỉ thông qua một đầu mối duy nhất là Nga, không phải mất nhiều thời gian để đàm phán với từng quốc gia cung cấp trang thiết bị, linh kiện, phụ tùng, vũ khí,... như trong trường hợp mua Su-30MKI từ Ấn Độ hoặc từ Nga.

- Có được một dòng máy bay tiêm kich đa năng thuộc loại hiện đại nhất thế giới với nhiều tính năng vượt trội. Chúng tôi sẽ phân tích sâu về vấn đề này trong các bài tiếp theo.

- Tận dụng được kinh nghiệm, kỹ năng siêu hạng của các phi công giáo viên bay hàng đầu tới từ Nga, giúp phi công Việt Nam nhanh chóng làm chủ vũ khí, trang bị mới hiện đại để góp phần tăng sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

- Hưởng lợi từ chính Su-30SM và Su-30MKI do chi phí nghiên cứu triển khai, khấu hao máy móc, chi phí nhân công đã được phân bổ cho các sản phẩm Su-30SM của Nga/Kazakhstan và Su-30MKI của Ấn Độ, giúp giá thành tương đối hợp lý .

- Hàng chính hãng với chế độ bảo hành, bảo dưỡng sửa chữa tương đối tốt như Su-30MK2 của Việt Nam hiện nay. Với số lượng máy bay hiện đại cùng xuất xứ từ Nga cho phép tối ưu hóa chi phí vận hành trên mỗi đầu máy bay.

Tóm lại, việc các máy bay MiG-21Bis và Su-22M/M4 sẽ "nghỉ hưu" trong vài năm tới, chắc chắn sẽ phải mua bổ sung để bù đắp sự thiếu hụt. Tất nhiên, không nhất thiết phải 1 đổi 1, bởi lẽ mỗi chiếc máy bay mới sẽ có khả năng chiến đấu gấp nhiều lần các máy bay cũ.

Rõ ràng, Su-30SM đang có lợi thế hơn so với các ứng viên khác để trở thành ngôi sao sáng nhất và có thể sớm xuất hiện tại Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại