Vào đầu những năm 90, Không quân Trung Quốc trở nên lép vế so với các cường quốc trong khu vực. Sự phát triển của chương trình tiêm kích nội địa J-10 giậm chân tại chỗ vì không nhận được sự trợ giúp công nghệ từ bên ngoài. Đặc biệt, sự ra đời của các tiêm kích thế 4 đời thứ 3 như F-16C/D block 50/52, F-15E , Su-27SM, MiG-29 SM càng làm cho sự tụt hậu về chất lượng của Không quân Trung Quốc trở nên xa hơn.
Tuy nhiên, việc Liên Xô sụp đổ đã mang lại “cơ hội ngàn vàng” cho Trung Quốc. Nước Nga đang lâm vào tình cảnh khó khăn và rất cần tiền để tái thiết đất nước.
Tiêm kích Su-27SK được Không quân Trung Quốc nhập khẩu từ Nga
Năm 1990, một phái đoàn quân sự cấp cao của Trung Quốc đã đến thăm Nga nhằm tìm kiếm cơ hội tái hợp tác quân sự. Khi được “mục sở thị" tiêm kích Su-27, họ đã hoàn toàn bị thuyết phục. Sau khi bàn bạc với lãnh đạo quân đội và chính phủ Trung Quốc, họ đã nhất quyết mua bằng được Su-27 để tăng cường sức mạnh.
Su-27 là một tiêm kích chiếm ưu thế trên không và đánh chặn tầm xa, tiêm kích này có tốc độ tối đa khoảng 2.500km/h. Su-27 được trang bị 10 giá treo dưới cánh thể mang theo tải trọng vũ khí tới 8 tấn, bao gồm các loại tên lửa không đối không tầm trung R-27, tên lửa không đối không tầm ngắn R-73, bom thông minh KAB-500/1500. Tạp chí Flight Global đã xếp hạng Su-27 là một trong những tiêm kích tốt nhất thế kỷ 20.
Trung Quốc đã ký kết hợp đồng mua 26 chiếc Su-27SK vào năm 1991 và trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên của loại tiêm kích này. Lô hàng thứ 2 bao gồm 22 chiếc được ký kết vào năm 1993, lô hàng thứ 3 bao gồm 28 chiếc được ký kết vào năm 1996. Tổng cộng Trung Quốc có 76 chiếc Su-27SK nhập khẩu trực tiếp từ Nga.
Cú lừa ngoạn mục
Sau khi đã đặt hàng số lượng khá lớn tiêm kích Su-27SK, năm 1995 Trung Quốc bắt đầu gạ gẫm Nga chuyển giao công nghệ để sản xuất Su-27SK tại nước này. Nhằm thuyết phục Nga, Bắc Kinh đã đặt lên bàn đàm phán số lượng chuyển giao công nghệ tới 200 chiếc, với tổng giá trị lên đến 2,5 tỷ USD, một số tiền nằm mơ cũng không thấy tại thời điểm đó.
Viện cớ Nga không chuyển giao công nghệ sản xuất động cơ phản lực cho mình nên Trung Quốc đã đơn phương chấm dứt hợp đồng và sao chép Su-27 thành J-11B.
Hợp đồng nhanh chóng được ký kết, phía Nga cũng cam kết sẽ giúp tăng dần tỷ lệ nội địa hóa. Tiêm kích Su-27SK sản xuất tại Trung Quốc được chỉ định là J-11 do công ty chế tạo máy bay Thẩm Dương đảm nhận. Chiếc tiêm kích J-11 đầu tiên sản xuất tại Trung Quốc được xuất xưởng vào tháng 12/1998.
Các thành phần chính của tiêm kích như động cơ, hệ thống điện tử, hệ thống điều khiển hỏa lực, radar được sản xuất tại Nga và chuyển đến Trung Quốc lắp ráp cùng một số bộ phận phụ do nước này sản xuất. Đến năm 2004, khi số lượng sản xuất được khoảng 100 chiếc thì Bắc Kinh bất ngờ tuyên bố ngưng hợp đồng và yêu cầu phía Nga ngừng chuyển giao linh kiện.
Lý do mà phía Trung Quốc đưa ra là Nga không chuyển giao công nghệ sản xuất động cơ, hệ thống điện tử cho phía họ. Thêm nữa là hệ thống điều khiển hỏa lực do Nga sản xuất không phù hợp với loại tên lửa mà Trung Quốc chế tạo nên Bắc Kinh bắt buộc phải nhập khẩu tên lửa từ Nga để trang bị cho J-11.
Một lý do khác được phía Trung Quốc đưa ra là J-11 chỉ đảm đương được nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, khả năng tấn công mặt đất quá yếu, không phù hợp với yêu cầu của họ. Mặc dù sau đó, Sukhoi đã giới thiệu cho Trung Quốc biến thể tiêm kích đa nhiệm Su-27SKM nhưng Bắc Kinh đã từ chối bởi những gì họ học được từ Nga đã đủ để sao chép thành một máy bay khác.
Dựa trên J-11, Trung Quốc đã sao chép thành một biến thể khác được chỉ định là J-11B. Điều này đã khiến ngành công nghiệp hàng không của Nga phải chịu những tổn thất nghiêm trọng. Thương vụ bán Su-27 cho Trung Quốc tưởng chừng "ngon ăn" đã trở thành "quả đắng" đối với Nga.
Những tưởng sao chép thành công Su-27Sk thành J-11B, Trung Quốc sẽ thoát khỏi cái bóng của Nga nhưng rốt cuộc họ vẫn phải nhờ vào Moscow để cung cấp động cơ.
So với Su-27SK, J-11B có những thay đổi trong trang bị như sau:
- Radar điều khiển hỏa lực xung Doppler Type 147X/KLJ-X do Trung Quốc sản xuất, có khả năng theo dõi từ 6-8 mục tiêu, tấn công 4 mục tiêu cùng lúc.
- Hệ thống kiểm soát bay “fly-by-wire” do Trung Quốc sản xuất.
- Hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu quang-điện sao chép từ hệ thống OEPS-27 của Nga.
- Buồng lái nhà kính với 4 màn hình hiển thị đa chức năng LCD cùng màn hình hiển thị HUD 3 chiều.
Tải trọng vũ khí của J-11B vẫn tương đương Su-27SK nhưng có thể sử dụng tên lửa do Trung Quốc sản xuất như tên lửakhông đối không tầm ngắn PL-8, tên lửa không đối không tầm trung PL-12, tên lửa chống bức xạ YJ-91, bom dẫn hướng laser LS-6.
Thông tin về loại động cơ trang bị cho J-11B không thực sự rõ ràng. Có thông tin cho rằng J-11B sử dụng động cơ WS-10A do Trung Quốc tự sản xuất nhưng cũng có nguồn nói WS-10A hoạt động không ổn định nên J-11B phải trang bị động cơ AL-31F của Nga.
Trong những năm gần đây Trung Quốc đã nhập khẩu từ Nga khoảng 1.000 động cơ phản lực AL-31F. Điều đó cho thấy động cơ nội địa WS-10A vẫn chưa thể đưa vào trang bị đại trà. Mặc dù đã phá hợp đồng với Nga để sao chép thành J-11B nhưng một lần nữa Trung Quốc phải phụ thuộc vào Nga để nhập khẩu động cơ cho tiêm kích này.
Tốc độ sản xuất của J-11B bị phụ thuộc vào việc cung cấp động cơ từ Nga, Bắc Kinh vẫn chưa thể nắm được thế chủ động. Một số nhà phân tích cho rằng, nếu Bắc Kinh đồng ý tiếp nhận biến thể đa nhiệm Su-27SKM để thực hiện nốt hợp đồng sản xuất 200 chiếc với Nga, họ có thể đã có được những công nghệ cần thiết để sản xuất động cơ phản lực trong nước.
Không thể tự chủ trong chế tạo động cơ máy bay, lòng tham vô đáy của Trung Quốc nhằm đốt cháy giai đoạn để chứng minh rằng họ có thể vượt mặt Nga đã bị siết lại. Công nghiệp hàng không quân sự Trung Quốc tiếp tục bị khống chế bằng nguồn cung động cơ phản lực từ Nga ít nhất trong vòng 10 năm tới.
Sau những nỗ lực sao chép động cơ phản lực AL-31F của Nga không thành công, gần đây Trung Quốc tiếp tục “giở chiêu” cũ khi ngỏ ý mời Nga hợp tác sản xuất động cơ phản lực cho tiêm kích tàng hình J-20.