Sức mạnh vượt trội của Gripen-E với hệ thống điện tử mới
Theo Defence Update, trong tháng 3/2015, tập đoàn SAAB đã phối hợp cùng Không quân Thụy Điển tiến hành thử nghiệm biến thể Gripen-E với hệ thống điện tử mới.
Cụ thể, tiêm kích Jas-39 Gripen-E được trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA) Raven cùng hệ thống tìm kiếm, chỉ thị mục tiêu hồng ngoại (IRST) Skyward G.
Radar Raven ES-05 hoạt động trên băng tần X, ăng ten chứa 1.000 phần tử có thể phát chùm tia điện tử ở nhiều hướng khác nhau, tại góc ±100o so với trục ngang của máy bay. Góc nhìn của radar khá lớn, cho phép điều khiển vũ khí tấn công ngược về phía sau.
Phạm vi tìm kiếm, số lượng mục tiêu có thể theo dõi và tấn công của radar vẫn đang được nhà sản xuất bảo mật. Tuy nhiên Selex ES là tập đoàn sản xuất các hệ thống điện tử hàng không hàng đầu thế giới nên radar Raven dự đoán sẽ có nhiều đặc tính vượt trội.
Trong khi đó, hệ thống IRST Skyward G mang lại cho Jas-39 khả năng tìm kiếm mục tiêu một cách bí mật. Hệ thống phát hiện được từ bên ngoài tầm nhìn các đối tượng như máy bay, tàu chiến... mà không cần sử dụng tới radar.
Một ưu điểm khác của Skyward G là nó nhận diện được các mục tiêu tàng hình thông qua việc phát hiện dấu hiệu nhiệt do động cơ để lại. Bên cạnh 2 hệ thống trên, Gripen-E còn được bổ sung hệ thống nhận dạng bạn-thù IFF mới.
Hệ thống cảm biến mới mang lại cho Gripen-E khả năng tác chiến vượt trội.
Hệ thống tác chiến điện tử BriteCloud của Gripen-E là một loại mồi bẫy có đường kính 55 mm, nó có 3 cánh ổn định sẽ bung ra sau khi phóng, tạo ra một xung radar mô phỏng để thu hút các loại tên lửa dẫn đường bằng radar.
Các kỹ sư lập trình cho BriteCloud với thuật toán tiên tiến nhằm tạo ra tín hiệu mô phỏng tối ưu để đánh lừa tên lửa đối không. Các thử nghiệm với hệ thống mồi bẫy mới cho kết quả rất khả quan, có thể đối phó hiệu quả với nhiều mối đe dọa khác nhau.
BriteCloud tương thích với các hệ thống phóng mồi bẫy đang có trên Gripen cũng như các máy bay chiến đấu khác, giúp phi công có thể tập trung vào nhiệm vụ.
Jas-39 vốn là một tiêm kích rất nhanh nhẹn, nay với hệ thống điện tử mới còn mang lại cho Gripen đặc tính kỹ chiến thuật vượt trội.
Tiêu chuẩn máy bay chiến đấu thế hệ 6
Nhà phân tích quốc phòng Bill Sweetman cho rằng, biến thể JAS-39 Gripen-E chính là tương lai của máy bay chiến đấu.
Lý do mà JAS-39 Gripen-E có thể nhận danh hiệu “máy bay chiến đấu thế hệ 6” bởi vì nó giải quyết được những vấn đề mà các nước khác đang đau đầu suy tính.
Đầu tiên là phần mềm đi kèm chạy trên nền của hệ thống System 21, được cập nhật khoảng 2 năm một lần, bắt đầu với mô hình A sau đó là B của JAS-39.
Gripen được thiết kế như một máy bay nhỏ với tải trọng vũ khí tương đối lớn, nó liên tục được “porting”(một thuật ngữ trong công nghệ phần mềm) lên các phiên bản mới nhất với khả năng tương thích tất cả hệ thống vũ khí từ mô hình C đến D và tiếp đến là mô hình E.
Thụy Điển là nước đầu tiên sử dụng công nghệ gallium nitride trong các hệ thống tác chiến điện tử. Đây là một công nghệ rất quan trọng, nó chiếm nhiều không gian hệ thống sử dụng cho nhiệm vụ nhận dạng và phân biệt bạn-thù.
Một hệ thống tham vấn IFF tốt là rất quan trọng trong các tình huống lộn xộn, nơi có các mục tiêu quân sự, dân sự, trung lập, các mục tiêu thân thiện trong cùng một vùng trời.
Khả năng phát triển công nghệ cảm biến của Thụy Điển là sự pha trộn giữa trong nước nhập khẩu. Các công nghệ kiểu “thu hoạch” chứ không phải phát minh trở nên rất quan trọng trong thời buổi toàn cầu hóa hiện nay.
Jas-39 không phải là máy bay chiến đấu nhanh nhất hay tàng hình nhất trên thế giới, đó không phải khiếm khuyết mà là một tính năng.
Gripen-E hội tụ đủ yếu tố của một "máy bay chiến đấu thế hệ 6” bởi nó phù hợp với hầu hết môi trường tác chiến hậu chiến tranh lạnh.