Tiêm kích F-15SE Mỹ “bại trận” trên đất Hàn Quốc

Hải Đăng |

(Soha.vn) - Hàn Quốc đã quyết định không lựa chọn máy bay chiến đấu F-15 Silent Eagle (do hãng Boeing sản xuất) cho gói thầu FX-III.

Hôm qua (24/8), hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin rằng các quan chức Bộ quốc phòng nước này đã quyết định không lựa chọn F-15SE cho gói thầu trị giá 8,3 tỷ won (7,2 tỷ USD), do lo ngại F-15SE thiếu khả năng tàng hình và không thật sự phù hợp với các cuộc xung đột tiềm năng có thể xảy ra trong tương lai.

Thay vào đó, trong một cuộc họp của Cơ quan Quản lý mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA), các quan chức đã quyết định mở lại gói thầu mua chiến đấu cơ để thay thế hai phi đội máy bay đã già nua F-4 và F-5 của Không quân Hàn Quốc.

	Tiêm kích F-15 Silent Eagle

Tiêm kích F-15 Silent Eagle

Gói thầu FX-III nhằm cung cấp 60 máy bay chiến đấu cho Hàn Quốc đã trở thành cuộc đua giữa 3 đối thủ là F-15SE của Boeing, F-35 Lightning II của Lockheed Martin và Eurofighter Typhoon của Tập đoàn hàng không vũ trụ quốc phòng Châu Âu (EADS). Hồ sơ dự thầu ban đầu của tất cả 3 công ty đều không đáp ứng được yêu cầu về chi phí theo quy định của chính phủ Hàn Quốc. Kết quả là nước này đã xúc tiến giai đoạn cuối cùng của gói thầu vào tháng trước.

Gần như ngay sau khi kết thúc giai đoạn thứ hai của gói thầu, các báo cáo cho thấy F-35 và Eurofighter đã bị loại khỏi cuộc đấu. Cụ thể, F-35 đã không đáp ứng được yêu cầu về giá cả của Hàn Quốc. Trong khi đó, mặc dù DAPA yêu cầu các nhà thầu báo giá cho 15 chiếc máy bay chiến đấu 2 ghế ngồi và 45 chiếc máy bay 1 ghế ngồi, nhưng EADS đã giảm số lượng máy bay 2 ghế ngồi xuống còn 6 chiếc, và báo giá dựa vào bảng Anh. Ứng viên sáng giá còn lại duy nhất chính là F-15SE.

Tuy nhiên, các tướng không quân về hưu của Hàn Quốc đã kịch liệt phản đối kế hoạch này của chính phủ, thậm chí còn viết thư lên Quốc hội, văn phòng Tổng thống và Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, đề nghị cân nhắc lại quy trình đánh giá trong quá trình mở thầu, chỉ trích rằng quy trình này đã đặt giá cả lên trên chất lượng, khiến 2 nhà thầu có mức giá cao hơn là Lockheed Martin với F-35 và EADS với Eurofighter bị loại. Điều này đã tạo thêm áp lực lên kế hoạch của chính phủ Hàn Quốc để đưa ra quyết định cuối cùng đối với F-15SE.

Quyết định khởi động lại gói thầu lần này của DAPA có vẻ sẽ làm dấy lên sự lo ngại rằng liệu Không quân Hàn Quốc có thể thay thế các phi đội F-4 và F-5 đúng như kế hoạch hay không. Trước đó, Seoul đã yêu cầu đơn vị trúng thầu phải đảm bảo hoàn tất quá trình bàn giao máy bay trong vòng 5 năm, bắt đầu từ năm 2017.

Quyết định từ bỏ tiêm kích F-15SE do lo ngại về khả năng của nó cũng sẽ làm dấy lên cuộc tranh cãi về việc Hàn Quốc nên sửa đổi tiêu chí chương trình đấu thầu để có thể đáp ứng được yêu cầu về quốc phòng trong khuôn khổ ngân sách cho phép. Hàn Quốc có thể sẽ phải giảm số lượng máy bay mà nước này đang có kế hoạch mua sắm hoặc sẽ phải đảm bảo một lượng ngân sách lớn hơn cho gói thầu này.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại