Tiêm kích F-15 Eagle do tập đoàn Boeing sản xuất và đưa vào sử dụng trong Không quân Mỹ hơn 40 năm qua, nhiều khả năng nó sẽ còn tiếp tục hoạt động trong nhiều năm nữa.
Thời gian gần đây F-15 liên tục được nâng cấp để đáp ứng các mối đe dọa mới. Tuy nhiên, sau 4 thập kỷ tung cánh, F-15 liệu còn thống trị bầu trời?
F-15 có thể đã cũ nhưng nó vẫn là một trong những máy bay chiếm ưu thế trên không tốt nhất, ngoại trừ tiêm kích tàng hình F-22 Raptor.
Nhà phân tích Dave Majumdar cho rằng, mối đe dọa lớn nhất hiện nay đối với Eagle là tiêm kích Su-35 Flanker-E của Nga. Indonesia thông báo quyết định mua Su-35 trong khi Trung Quốc đang thảo luận về hợp đồng.
Ai mạnh hơn?
Su-35 là một máy bay chiến đấu cực kỳ nguy hiểm, thông số kỹ thuật của nó thậm chí còn vượt trội biến thể nâng cấp mới nhất của F-15.
Xét về hiệu suất khí động học đơn thuần, F-15 có tốc độ tối đa nhanh hơn. Ngoài ra khi F-15 mang tải trọng vũ khí nhẹ, nó có thể bay siêu âm mà không cần dùng đến buồng đốt lần hai, cho phép tiết kiệm nhiên liệu.
Tuy nhiên, Su-35 có lợi thế tuyệt vời về khả năng cơ động ở tốc độ thấp nhờ động cơ kiểm soát vector lực đẩy, cho phép thực hiện các động tác nhào lộn mà những máy bay khác không thực hiện được.
Nhưng trong một kịch bản không chiến quần vòng nếu có giữa hai chiến đấu cơ này sẽ rất khó phân định thắng bại. Sự ra đời của hệ thống mũ bay tích hợp tương thích với tên lửa AIM-9X trên F-15, hay R-73 trên Su-35 khiến cơ hội tiêu diệt đối phương gần như nhau.
Su-35 (ở trên) nắm nhiều lợi thế hơn trong không chiến so với F-15 (ở dưới)
Ở phạm vi xa, F-15 có lợi thế về radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA). Các loại radar như: AN/APG-63 hay AN/APG-82 vượt trội so với radar quét mảng pha điện tử thụ đông N035 Irbis trên Su-35.
Tuy nhiên, chiến đấu cơ của Nga có sự hỗ trợ của hệ thống tìm kiếm mục tiêu hồng ngoại IRST mà F-15 chưa được trang bị.
Ngoài lợi thế về khả năng cơ động ở tốc độ thấp, Su-35 còn có ưu thế về hệ thống tác chiến điện tử hiện đại, có thể vô hiệu hóa tên lửa không đối không AIM-120. Các phi công Mỹ sẽ phải bắn nhiều tên lửa hơn để tiêu diệt Su-35.
Trong khi đó, Su-35 có khả năng mang tải trọng vũ khí rất lớn, hiện đại so với hệ thống điện tử lỗi thời của F-15. Đó là lý do tại sao Không quân Mỹ phải chi 7,6 tỷ USD để nâng cấp khả năng tác chiến điện tử cho toàn bộ phi đội F-15.
Nhưng khả năng xảy ra cuộc chạm trán giữa F-15 với Su-35 trong biên chế Không quân Nga hay Trung Quốc là rất thấp. Kịch bản không chiến nếu có, nhiều khả năng sẽ xảy ra từ một quốc gia thuộc thế giới thứ ba.
Trong trường hợp này, ưu thế về việc được đào tạo bài bản, kinh nghiệm trận mạc sẽ giúp F-15 chiếm ưu thế trước Su-35 trong tay quốc gia kém năng lực hơn so với Mỹ.
Bên cạnh đó, những chiếc Su-35 có thể không nhận được sự bảo trì và phụ tùng thay thế đầy đủ, dẫn đến năng lực chiến đấu kém. Lúc đó, cơ hội chiến thắng của F-15 trở nên thực tế hơn.
Mặt khác, đối thủ tiềm tàng ở thế giới thứ ba thường không có máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không (AWACS) hay hệ thống chỉ huy mặt đất đầy đủ như Nga và Trung Quốc.
Nhưng nếu đánh giá một cách tổng thể, Su-35 vẫn chiếm nhiều lợi thế hơn so với F-15.