Thủy thủ tàu ngầm Kilo được huấn luyện thoát hiểm như thế nào?

Tuân Việt |

(Soha.vn) - Huấn luyện kỹ năng chiến đấu giành lại sự sống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhất trong chương trình đào tạo thủy thủ tàu ngầm.

Ngày 7/11 vừa qua, tàu ngầm Kilo Hà Nội đã được phía Nga bàn giao cho Việt Nam. Đây sẽ là chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên gia nhập vào hạm đội tàu ngầm của Việt Nam, đánh dấu một bước chuyển lớn cho sức mạnh hải quân của đất nước. Tuy nhiên, để vận hành tàu ngầm một cách hiệu quả, cần chú trọng tới công tác huấn luyện thủy thủ tàu ngầm.

Hàng trăm thuỷ thủ trên thế giới đã thiệt mạng vì các vụ tai nạn liên quan đễn “cỗ quan tài sắt” tàu ngầm trong những thập kỷ gần đây. Chính vì vậy, việc huấn luyện cho các thủy thủ khả năng chiến đấu giành lại sự sống trên tàu ngầm, cũng như huấn luyện đội ngũ cứu hộ chuyên nghiệp đã trở thành vấn đề quan trọng nhất trong quá trình vận hành tàu ngầm của những quốc gia đang sở hữu loại phương tiện chiến đấu hiện đại này.

Bài viết dưới đây sẽ đem đến một cái nhìn toàn diện về cuộc đấu tranh sinh tồn của các thủy thủ trên những chiếc tàu ngầm của Hải quân Nga, trong đó có tàu ngầm Kilo, về cách mà họ được huấn luyện để thoát ra khỏi “cỗ quan tài sắt” khi nó bị chìm dưới đáy đại dương.

Thiết bị bảo vệ cá nhân

Đầu tiên, cần tìm hiểu về các loại “đồ nghề”, những thiết bị giúp cho thủy thủ có thể thoát ra khỏi tàu ngầm một cách an toàn nhất.

 
 
 
 	Mỗi thủy thủ đều được trang bị các thiết bị bảo hộ.

Mỗi thủy thủ đều được trang bị các thiết bị bảo hộ.

Thiết bị thở xách tay PDU

PDU là được thiết kế để bảo vệ cơ quan hô hấp khẩn cấp. Thiết bị này không thể làm việc dưới nước nhưng có thể giúp thủy thủ bảo vệ cơ quan hô hấp khỏi các loại khí độc hại.

Túi thở

IDA-59 (59M) là thiết bị thở cá nhân giúp thủy thủ lặn đến độ sâu 20m. Một thiết bị thở cá nhân khác là ISP-60 có thể giúp các thủy thủ thoát khỏi tàu ngầm bị chìm ở độ sâu 100m, và tới 120m nếu tàu ngầm được bổ sung một bình chứa khí hê-li.

 
 	Các thiết bị bảo hộ có thể giúp các thủy thủ duy trì sự sống khi tàu ngầm xảy ra tai nạn.

Các thiết bị bảo hộ có thể giúp các thủy thủ duy trì sự sống khi tàu ngầm xảy ra tai nạn.

Ngoài ra, mỗi thủy thủ còn được trang bị một bộ quần áo lặn (áo liền quần) SGR. Bộ quần áo làm bằng cao su với mặt nạ phòng vệ. Trên mũ bảo hiểm, ngay trên trán, là van cứu trợ. Cả IDA và SGR đều được cất trong một túi đặc biệt. Để chống chọi với cái lạnh dưới lòng biển, các thủy thủ còn được trang bị một bộ đồ lặn toàn thân bao gồm: áo săng đay, quần nịt, bít tất và găng tay.

Các thủy thủ thoát khỏi tàu ngầm từ đâu?

Khi tàu ngầm bị chìm do sự cố và không nổi lên được, thủy thủ có thể thoát ra khỏi tàu ở phía mũi (thông qua ông phóng lôi) và phía đuôi (thông qua nắp khoang sinh tồn). Cửa khoang sinh tồn được trang bị một phao sơn màu trắng và đỏ được nối với một sợi dây cáp gắn trong các hầm tàu. Ngoài ra, phao còn được gắn các đèn báo hiệu và phía dưới nắp phao có điện thoại để liên lạc với tàu thuyền.

Sở dĩ, thủy thủ có thể thoát ra ngoài qua ống phóng lôi vì đường kính ống phóng lôi thường từ 55-65cm và chiều dài từ 8-11m. Tuy nhiên, cũng có loại ống phóng lôi đường kính chỉ 40 cm, không đủ lớn để thủy thủ có thể thoát ra ngoài.

Bên trong ống phóng lôi có các rãnh chạy dọc theo chiều dài của ống cùng rất nhiều các chi tiết như móc và cần trục để thủy thủ có thể bám và trườn qua ống phóng này ra ngoài.

 
 
 	Thủy thủ có thể thoát ra khỏi tàu ngầm qua các ông phóng lôi.

Thủy thủ có thể thoát ra khỏi tàu ngầm qua các ông phóng lôi.

Ngoài ra, thiết bị này có một hệ thống thoát nước và van thông khí, thông qua đó nó được làm đầy nước và cũng có thể tiêu thoát nước. Nước được đổ đầy vào ống phóng từ một xi-téc (bể chứa) đặc biệt bằng máy áp suất không khí. Các van cân bằng áp suất ngoài nhiệm vụ làm cho áp suất bên trong của thiết bị phóng lôi với áp suất cân bằng nhau còn có tác dụng đóng và mở nắp từ bên trong. Điều này sẽ giúp cho thủy thủ tạo ra một các khóa tự động khi thoát ra khỏi tàu ngầm trong trường hợp tàu gặp nạn.

Các khoang của tàu ngầm còn được trang bị các cuộn dây lớn trên đó được quấn cáp phao tiêu với các nút phao hình cầu được đánh số (gọi là cạc-bin). Các cạc bin này được sắp xếp dọc theo sợi dây phao để thủy thủ bám vào khi thoát ra từ tàu ngầm, đồng thời cung cấp cho thủy thủ thông tin về độ sâu cũng như áp suất tại độ sâu tương ứng.

 
 	Nơi các thủy thủ có thể thoát ra khỏi tàu ngầm (nhìn từ bên ngoài).

Nơi các thủy thủ có thể thoát ra khỏi tàu ngầm (nhìn từ bên ngoài).

Làm thế nào để thoát khỏi tàu ngầm gặp nạn?

Có hai cách cơ bản để thoát khỏi tàu ngầm bị chìm đó là phương pháp khô và phương pháp ướt.

Phương pháp khô là phương pháp các nhân viên của lực lượng cứu hộ hải quân sử dụng thiết bị lặn hay tiềm thủy khí để giải cứu các thủy thủ khỏi tàu ngầm bị chìm. Trong trường hợp này, tiềm thủy khí sẽ theo dây phao cứu hộ tiếp cận và đậu ngay trên nắp khoang tàu ngầm gặp nạn. Sau khi thực hiện liên kết với tàu, nước được bơm ra khỏi tiềm thủy khí, cân bằng áp suất, mở nắp, và lần lượt đưa các thủy thủ từ tàu ngầm bị chìm vào tiềm thủy khí. Số lượng thủy thủ phụ thuộc thể tích của tiềm thủy khí.

Phương pháp này cho phép giải cứu ê-kíp ở độ sâu bằng độ lặn sau lớn nhất của tàu ngầm. Như vậy phương pháp khô giúp các thủy thủ thoát khỏi tàu ngầm một cách an toàn mà không phải tiếp xúc với nước.

 	Thiết bị cứu hộ tàu ngầm.

Thiết bị cứu hộ tàu ngầm.

Phương pháp ướt có thể hiểu là quá trình thoát khỏi tàu ngầm buộc các thủy thủ phải tiếp xúc với nước.

Có hai cách để thoát khỏi "cỗ quan tài sắt bị chìm" bằng phương pháp ướt là nổi lên tự nhiên và theo cáp phao tiêu.

Nổi lên tự nhiên được thực hiện trong trường hợp áp lực ở độ sâu tối đa của cửa thoát hiểm (100 mét) giữ được trong thời gian không quá 2 phút. Nếu vượt quá thời gian này - chỉ có cách là dùng dây phao. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp áp suất vượt quá tất cả các giá trị cho phép ghi trong bảng, việc giải cứu chỉ có thể thực hiện nhờ lực lượng cứu hộ.

Để có thể thực hiện phương pháp này, các thủy thủ phải mang các thiết bị lặn cá nhân như ISP-60 và IDA-59 theo đúng qui định, phải nắm rõ nguyên tắc hoạt động và thành thạo cách sử dụng các loại thiết bị này. Đây là điều vô cùng quan trọng vì chỉ cần thao tác sai nguyên tắc sẽ dẫn đến nguy hiểm khôn lường.

Sau khi thoát khỏi tàu ngầm, thủy thủ phải phát tín hiệu báo hiệu rằng mình đã ra ngoài an toàn đồng thời bám theo dây phao để bơi lên mặt nước.

 
 	Thoát khỏi tàu ngầm bằng dây phao.

Thoát khỏi tàu ngầm bằng dây phao.

Trong trường hợp thoát ra bằng ống phóng ngư lôi, van thông khí mở ra và nước được đẩy ra khỏi xi-téc làm đầy ống phóng ngư lôi, ống phóng sẽ được làm đầy nước đến 3/4, sau đó nước không được bơm vào thêm nữa. Khi này các van cân bằng áp suất thực hiện nhiệm vụ cân bằng áp suất bên trong với bên ngoài ống phóng lôi. Sau đó, tương tự như với việc thoát ra từ các của thoát hiểm phía trên tàu ngầm, các thủy thủ phải vặn các van ở thiết bị lặn cá nhân để cân bằng áp suất với bên ngoài. Sau khi mở nắp, thủy thủ từ từ ra khỏi ống phóng, bám vào cạc-bin của dây phao tiêu và thoát ra khỏi con tàu.

Huấn luyện tại trung tâm đào tạo

Trung tâm đào tạo thủy thủ tàu ngầm số 71 thuộc Hạm đội Phương Bắc là một trong những trung tâm đào tào lính tàu ngầm nổi tiếng của Hải quân Nga.

Trong quá trình đào tạo, các thủy thủ sẽ được huấn luyện trong một phòng bọc kim có kết cấu giống hệt như tàu ngầm thật.

 
 	Các thủy thủ sẽ được huấn luyện tại trung tâm mô phỏng giống hệt tàu ngầm thật.

Các thủy thủ sẽ được huấn luyện tại trung tâm mô phỏng giống hệt tàu ngầm thật.

Để mô phỏng hỏa hoạn trên tàu ngầm, lửa được tạo ra giống hệt như thực tế. Bên trong phòng kim loại (giống như tàu ngầm thực) bố trí một vòi phun nhiên liệu diesel. Nhiên liệu được đốt cháy sinh ra nhiệt, ánh sáng, khói và lấy đi oxy của các thủy thủ. Khi nghe còi báo động chữa cháy, các thủy thủ phải nhanh chóng mặc đồ bảo hộ, xác định vị trí nguồn lửa và tiến hành dập lửa bằng ống phun bọt.

Khi đối mặt với lửa, bất cứ ai cũng đều có tâm lý hoảng sợ. Người lính tàu ngầm đã được huấn luyện để có thể vượt qua rào cản vô hình đó.

 
 	Huấn luyện cứu hỏa trên tàu ngầm.

Huấn luyện cứu hỏa trên tàu ngầm.

Tiếp đó các thủy thủ sẽ được huấn luyện khả năng chịu đựng khi ở trong một phòng xông khói đen. Bài tập này rất cần thiết, bởi trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn, khi ngọn lửa bùng cháy, nhiệt lượng sinh ra vô cùng lớn kèm theo khói và mùi khét làm lượng oxy giảm đi đột ngột, khói làm mờ kính bảo hộ và các thủy thủ dường như không còn nhìn rõ mọi thứ. Sau khi ra khỏi phòng xông khói đen, mỗi thủy thủ đều phải trả lời rõ ràng các câu hỏi của huấn luyện viên về sức khỏe của mình.

Ngoài huấn luyện khả năng đối phó với hỏa hoạn, các thủy thủ còn được huấn luyện để đối phó với trường hợp tàu bị thủng và nước tràn vào từ bên ngoài. Trong bài huấn luyện này, nước được phun vào phòng (mô phỏng một khoang của tàu ngầm) qua một lỗ hổng đã được tạo ra trước đó. Khi có còi báo động, các thủy thủ trong phòng bị nước tràn vào lập tức phải tìm mọi cách để bịt lỗ hổng bằng một thanh giằng bằng gỗ và chất keo dán đặc biệt.

 
 	Mô phỏng trường hợp tàu bị thủng và nước trang vào khoang tàu.

Mô phỏng trường hợp tàu bị thủng và nước trang vào khoang tàu.

Nếu nước tràn vào quá nhiều, không thể bịt lỗ hổng, các thủy thủ nhanh chóng lao sang phòng bên cạnh đã được chuẩn bị sẵn (mô phỏng khoang tàu ngầm không bị thủng) và phải kịp thời đóng chặt cửa khoang để nước không tràn vào. Các thao tác phải thực hiện nhanh trong thời gian không quá một phút rưỡi.

Một bài tập nữa đó là bài tập thoát khỏi tàu ngầm. Trong bài tập này, trung tâm đào tạo được lắp đạt một cái ống đứng đặc biệt cao khoảng 15m để mô phỏng một tàu ngầm bị chìm và các thủy thủ sẽ được huấn luyện cách để thoát khỏi chiếc tàu ngầm bị chìm đó. Bên trong chiếc ống đặc biệt này, tất nhiên là tối om và chứa đầy nước.

 
 
 
 

Các thủy thủ phải trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ cá nhân như đã nói ở trên và đi lên mặt nước từ cái ống thẳng đứng này với dây phao tiêu. Trong quá trình tập luyện, lực lượng cứu hộ của trung tâm phải luôn sẵn sàng để giúp đỡ các thủy thủ thông qua kính hồng ngoại. Đây là một bài tập không hề dễ dàng và có thể nguy hiểm đến tính mạng của thủy thủ.

Trên đây chỉ là những thông tin rất cơ bản về chương trình đào tạo thủy thủ tàu ngầm nói chung và đào tạo khả năng chiến đấu sống còn trên tàu ngầm nói riêng của Hải quân Nga. Có lẽ, chỉ có những ai là lính tàu ngầm hoặc đã từng phục vụ trên tàu ngầm thì mới hiểu rõ, hiểu sâu về quá trình huấn luyện vô cùng gian nan và khắc nghiệt này.

Xem thêm:

Phần 1: Thủy thủ tàu ngầm Kilo được huấn luyện như thế nào?

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại