"Thần dược" cho mọi vấn đề kỹ thuật
Có lẽ ít có hợp chất nào mang nhiều huyền thoại như thủy ngân đỏ. Tùy vào thời gian và địa điểm của những lời đồn mà hợp chất này có thể có nhiều đặc tính và công năng khó tin.
Nó sản sinh ra năng lượng không kém gì bom hạt nhân hoặc có thể được dùng để làm giàu uranium mà không cần các máy siêu ly tâm phức tạp.
Nó cũng có thể là thành phần tạo nên lớp sơn hấp thụ radar tuyệt đối, hay dùng để tăng độ chính xác của những hệ thống dẫn đường.
Thủy ngân đỏ dường như là một loại “thần dược” có thể giúp giải quyết mọi vấn đề kỹ thuật dù là hóc búa nhất.
Với mức giá bán được đồn thổi dao động từ 100.000 đến 300.000 USD cho 1 kg, không khó hiểu vì sao thủy ngân đỏ dễ dàng tạo nên những cơn sốt tại nhiều nơi trên thế giới.
Như tại Ả Rập Saudi vào năm 2009, thủy ngân đỏ được cho rằng có tồn tại trong những máy may hiệu Singer. Kết quả là giá bán của những chiếc máy này bị đẩy lên mức không tưởng khi hàng ngàn người đổ xô săn lùng và tìm mua chúng.
Một số sẵn sàng trả đến 200.000 đồng riyal, tương đương 50.000 USD, cho một chiếc máy cũ, trong khi giá thông thường chỉ là 200 riyal. Tại thành phố Dhulum, it nhất 2 nhà may đã bị trộm đột nhập và nẫng đi số máy may có trong tiệm.
Kỳ lạ không kém là cách thức xác định xem bên trong máy có thủy ngân đỏ hay không. Theo lời đồn thổi, nếu điện thoại di động bị mất sóng khi đặt cạnh máy may là bằng chứng cho thấy có thủy ngân đỏ bên trong.
Tìm kho báu, triệu hồi quỷ dữ
Nhiều người dân tại khu vực Trung Đông tin rằng thủy ngân đỏ, ngoài là thành phần trong bom hạt nhân, còn có thể được dùng để tìm kho báu, luyện vàng, triệu hồi quỷ dữ…
Cơn sốt này khiến hàng nghìn nạn nhân mất sạch số tiền dành dụm của mình cho bọn lừa đảo. Theo tuyên bố chính thức của cảnh sát Ả Rập Saudi, lời đồn này được các băng đảng tội phạm tung ra.
Đôi lúc, những tin đồn kiểu này có thể để lại hậu quả tai hại hơn chỉ là về mặt tài chính. Tại một số khu vực ở phía nam Châu Phi, từng rộ lên tin đồn về việc có thủy ngân đỏ trong một số loại bom mìn.
Nhiều người dân nghèo do đó đã bất chấp nguy hiểm tìm thủy ngân đỏ trong các loại vật liệu nổ và trả giá bằng thương tật hay chính sinh mạng của mình.
Tin đồn kiểu này đặc biệt phổ biến tại những nước như Zimbabwe, Mozambique, Zambia và Angola. Không chỉ dân thường mới là nạn nhân của tin đồn thất thiệt.
Một nhóm binh sĩ Zimbabwe vừa bị kết án năm ngoái vì tội lén lút bán đạn dược của quân đội cho những người tìm thủy ngân đỏ.
Năm 2013, một vụ nổ lớn làm rung chuyển khu ngoại ô Chitungwiza tại thủ đô Harare của Zimbabwe khiến 6 người thiệt mạng, bao gồm 1 trẻ sơ sinh 7 tháng tuổi.
Một trong những nạn nhân trước đó đã đưa một quả mìn chống tăng cho một thầy lang để trích xuất lấy thủy ngân đỏ.
Quả mìn phát nổ khi thầy lang này nung nó trên lửa. Và đây chỉ là vụ tiêu biểu trong số nhiều vụ việc tương tự. Những tin đồn kiểu này được cho là do các tay buôn bán vũ khí dựng lên để tạo nhu cầu ảo.
Khi Wikileak công bố hàng loạt bức điện tín ngoại giao thì trong đó cũng có đề cập đến một số trường hợp có người vào các sứ quán, cơ sở lãnh sự của Mỹ và đề nghị bán plutonium và thủy ngân đỏ.
Tiêu biểu là tại Iraq, nơi nhiều người, kể cả các thành viên của chế độ Saddam, nói với các nhân viên ngoại giao Mỹ rằng họ muốn trao đổi thủy ngân đỏ lấy quốc tịch Mỹ.
Mối liên hệ với bom nhiệt hạch
Câu chuyện về thủy ngân đỏ đôi lúc cũng tìm được một nguồn ủng hộ rất đáng giá, đó là nhà vật lý người Mỹ Samuel Cohen, người được xem là cha đẻ của bom neutron.
Theo một bài viết của ông này vào năm 2003, thủy ngân đỏ được phát triển tại Nga. Và sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Boris Yeltsin đã bí mật cho phép bán chất này ra thị trường quốc tế với mức giá rất cao.
Ngay cả Mỹ cũng được cho là đã mua thủy ngân đỏ. Iraq dưới thời Tổng thống Saddam, theo Samuel Cohen, cũng rất quan tâm đến hợp chất này.
Cũng theo bài viết trên, thủy ngân đỏ là một loại chất nổ rất mạnh và có thể được dùng làm chất kích nổ trong bom nhiệt hạch.
Phản ứng kết hợp hạt nhân chỉ xảy ra trong điều kiện nhiệt độ và áp suất cực lớn. Vì vậy, vũ khí nhiệt hạch cần được kích hoạt bởi một vụ nổ hạt nhân nhỏ hơn trước, thông qua phản ứng phân rã hạt nhân.
Thủy ngân đỏ, theo lời ông Cohen, có thể thay thế “quả bom hạt nhân mồi” này.
Song cũng phải thấy rằng tuy Samuel Cohen là một người có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực đó nhưng lại có tính cách khá thất thường.
Ông từng tuyên bố vào năm 1979 rằng mình đã được Giáo hoàng tặng thưởng huân chương hòa bình vì có công phát minh ra bom neutron.
Như vậy trên thực tế thủy ngân đỏ có tồn tại hay không? Và nếu có thì bản chất của nó là gì?
Mời độc giả xem tiếp ở kỳ sau!