“Hệ thống phòng không S-400 sẽ mang lại cho Quân đội Trung Quốc (PLA) khả năng khống chế toàn bộ không phận Đài Loan”.
Đó là nhận định do chuyên gia Vasily Kashin tại Trung tâm phân tích Chiến lược và công nghệ (ở Moscow) đưa ra để phản bác quan điểm của chuyên gia J. Michael Cole thuộc quỹ Thinking Taiwan Foundation (Đài Loan).
J. Michael Cole: Đừng vội coi S-400 là "kẻ thay đổi cuộc chơi"
Trong bài viết của mình, đầu tiên, Cole đặt vấn đề liệu đạn tên lửa của S-400 (hệ thống phòng không Trung Quốc đã đặt mua từ Nga nhưng chưa tiếp nhận) có khả năng tấn công các mục tiêu cơ động khi đạt tới tầm bắn tối đa hay không?
Cole dẫn lại nhận định của chuyên gia Roger Cliff tại Viện Project 2049 (Washington) cho biết:
“Nếu khoàng cách lớn nhất tên lửa 48N6 có thể bay tới là 250km, cơ hội bắn hạ thành công mục tiêu ở khoàng cách đó rất thấp, trừ phi các mục tiêu đều bay thẳng và luôn ở một độ cao nhất định trong toàn bộ thời gian hành trình”.
Tiếp đó, theo Cole, do tên lửa S-400 Trung Quốc nhiều khả năng sẽ trang bị tên lửa 48N6 như hệ thống S-300 nên tầm bắn tối đa của nó chỉ là 250km.
Trong khi đó, để bao phủ không phận Đài Loan, hệ thống S-400 phải được trang bị tên lửa tầm siêu xa 40N6 (tầm bắn 400km) và phải được triển khai dọc bờ biển thuộc tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.
Tuy nhiên, cách bố trí này sẽ mang lại mối đe dọa đối với người dân Trung Quốc, cũng như máy bay quân sự hoạt động trong khu vực.
Hệ thống phòng không S-400
Theo Cole, S-400 có thể bắn nhầm các máy bay chiến đấu của Không quân Trung Quốc (PLAAF).
Để đảm bảo S-400 không bắn nhầm quân mình, Trung Quốc sẽ phải “tuân theo một hành lang ra vào được định trước” trong vùng tác chiến của tên lửa.
Ngoài ra, để đương đầu với chiến đấu cơ của không quân Đài Loan, máy bay của PLAAF cần phải được tự do cơ động.
Trong khi đó, điều này sẽ khiến radar Trung Quốc gặp nhiều khó khăn để nhận diện địch - ta.
Vasily Kashin: Chớ xem nhẹ sức mạnh của S-400
Trong bài viết do hãng tin Sputnik (Nga) đăng tải, chuyên gia Kashin đồng tình với chuyên gia Cole ở một số điểm, tuy nhiên, ông cho rằng không nên cường điệu hóa điểm yếu của S-400.
Kashin cho hay, gần như tất cả các hệ thống phòng không do Liên Xô/Nga chế tạo đều được thiết kế để tấn công các mục tiêu cơ động khi đạt tới tầm bắn tối đa.
Và trên thực tế, các hệ thống tên lửa đất đối không do Nga chế tạo thường có khả năng vượt trội hơn những thông số chính thức do các nhà thiết kế vũ khí cung cấp.
Kashin lấy dẫn chứng là vụ việc quân đội Ukraine vô tình bắn hạ máy bay chở khách Tu-154 của Nga năm 2001.
Trong trường hợp này, hệ thống phòng không S-200V của Ukraine có tầm bắn tối đa chỉ 240km, tuy nhiên, nó vẫn có khả năng tấn công một máy bay cách xa 270km.
Từ đó, Kashin cho rằng nếu Trung Quốc quyết định dùng vũ lực với Đài Loan thì khả năng của hệ thống S-400 không nên bị xem nhẹ.
Về giả thuyết thứ 2 do Cole đưa ra, Kashin cho rằng có rất ít khả năng PLAAF sẽ triển khai máy bay chiến đấu hoặc ném bom để tấn công các mục tiêu ở Đài Loan trong đợt tấn công đầu tiên.
Hầu hết các cơ sở quân sự của Đài Loan, bao gồm đường băng, sẽ bị tên lửa đạn đạo Trung Quốc “quét sạch”.
Theo Kashin, do Trung Quốc sẽ cần rất ít máy bay chiến đấu để tiêu diệt sinh lực Không quân Đài Loan nên nguy cơ S-400 bắn nhầm quân mình sẽ không trở thành vấn đề đáng ngại.
Tuy nhiên, Kashin cho rằng, để tăng tầm bắn của S-400, Trung Quốc cần mua đạn tên lửa 40N6E từ Nga.
Kashin đồng tình với Cole rằng, nếu chỉ trang bị đạn tên lửa 48N6E, 48N6E2 và 48N6E3, hệ thống phòng không S-400 của Trung Quốc không thể đạt tới tầm bắn tối đa vào khoảng 400km.
Kashin cho biết, 40N6E được thiết kế dành riêng cho hệ thống S-400 và Trung Quốc sẽ cần loại tên lửa này để khống chế không phận trên eo biển Đài Loan.
Sau các cuộc diễn tập do quân đội Nga tiến hành trong giai đoạn 2012-2015, tên lửa 40N6E đã chứng minh được khả năng của nó dành cho chiến trường tương lai.
Theo Kashin, Nga sẽ không muốn cung cấp tên lửa 40N6E cho bất cứ quốc gia nào khác.
Tuy nhiên, do Bắc Kinh đã trở thành một trong những đối tác an ninh quan trọng nhất của Moscow sau cuộc khủng hoảng Ukraine nên vẫn có cơ hội Trung Quốc được Nga cung cấp tên lửa này.
Với tên lửa 40N6, Trung Quốc có thể duy trì thế phong tỏa trên không đối với Đài Loan nếu cần thiết.