Thương vụ tàu sân bay Mistral - Đã có quyết định cuối cùng?

Bình Nguyên |

Những động thái mới đây của Nga và Pháp cho thấy có thể hai bên đã gần đi đến "quyết định cuối cùng" đối với 2 tàu sân bay trực thăng Mistral.

Nga có thực sự cần tàu Mistral?

Sở dĩ Nga vẫn chưa chính thức tuyên bố từ bỏ thương vụ tàu đổ bộ trực thăng Mistral đặt mua của Pháp bởi dường như họ còn cố mong chờ "một phép màu thần kỳ nào đó". Nguyên nhân có thể là do:

Thứ nhất, Học thuyết quân sự mới công bố vào cuối năm ngoái cho thấy ngoài trọng tâm đối phó với sự bành trướng thấy rõ của NATO tới sát biên giới và đe dọa nghiệm trọng an ninh của Nga, nước này còn tuyên bố sẽ mở rộng sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực.

Để học thuyết này thành hiện thực, Moscow cần các tàu đổ bộ cỡ lớn để đủ sức tung phóng sức mạnh tới những khu vực lợi ích. Nga đã tiến hành xây dựng chuỗi căn cứ hải quân, hậu cần dọc theo bờ Bắc Băng Dương với 10 trạm tìm kiếm cứu hộ và 16 cảng nước sâu.

Các tàu Mistral đặc biệt phù hợp với học thuyết của Nga bởi tính năng hoàn hảo của nó, có sức chứa lớn, hệ thống chỉ huy hiện đại, đồng bộ, đảm bảo đổ quân nhanh và phối hợp tác chiến hiệu quả cho nhiều loại vũ khí, phương tiện cùng lúc.

Thứ hai, Nga đã phát triển thành công và sản xuất loạt lớn dòng trực thăng chiến đấu trên hạm Ka-52K đầy uy lực, dự định sẽ trang bị cho các tàu Mistral, nay nếu không có tàu, những máy bay đó chưa biết sẽ "đi đâu, về đâu"!

Trong trường hợp Trung Quốc mua được 2 tàu trên, chưa chắc họ đã quan tâm đến Ka-52K bởi công nghiệp quốc phòng nước này đang phát triển nhiều loại trực thăng vũ trang cũng như máy bay chiến đấu cất hạ cánh trên đường băng ngắn phù hợp với Mistral.

Thứ ba, việc Nga bị "tuyệt giao" về hợp tác quân sự với phương Tây khiến nền công nghiệp quốc phòng gặp khó. Nếu phải gây dựng lại sức mạnh công nghiệp quốc phòng "từ A đến Z", Nga sẽ mất rất nhiều thời gian và cả tiền bạc.

Trong bối cảnh bị cấm vận, kinh tế suy thoái, giá dầu thô giảm mạnh làm cho ngân sách quốc phòng phải điều chỉnh theo hướng "tiết kiệm" thì việc Nga tự đóng những con tàu tương tự như Mistral trong một thời gian ngắn là không mấy khả thi.

Rõ ràng, không nhận được các tàu Mistral có thể sẽ khiến học thuyết quân sự mới của họ bị lung lay ít nhiều, nhưng không đồng nghĩa với việc Nga sẽ theo đuổi bằng được thương vụ đó.

Mô hình được cho là tàu đổ bộ thế hệ mới mà Nga dự định sẽ tự đóng trong nước để thay cho các tàu Mistral mà Pháp không chịu bàn giao.

Mô hình được cho là tàu đổ bộ thế hệ mới mà Nga dự định sẽ đóng trong nước để thay thế các tàu Mistral mà Pháp không chịu bàn giao.

Nói "KHÔNG"... hay là độc chiêu "rung cây"?

Ngày 16/6 vừa qua, RIA Novosti dẫn nguồn tin từ Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng Nga cho biết: Văn phòng Thiết kế Nevski đang bắt tay vào thiết kế tàu đổ bộ lớp Priboy mới nhằm thay thế các tàu đổ bộ trực thăng Mistral "khó" nhận được từ Pháp.

Như vậy, Nga đã thể hiện "tương đối rõ" quan điểm về số phận của 2 tàu nói trên là "Hãy giao tàu, còn không thì nước Pháp cứ giữ lấy chúng làm của để dành", bởi nền công nghiệp quốc phòng Nga đủ sức tạo ra những con tàu có tính năng tương đương.

Nga chưa chính thức nói "KHÔNG", nhưng động thái trên cho thấy dường như họ đã có quyết định cuối cùng và đã có sự chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, hoặc chí ít thì các động thái trên cũng là độc chiêu "rung cây" để "dọa" Pháp sớm giao tàu.

Tàu đổ bộ đa dụng lớp Priboy mới sẽ có lượng choán nước khoảng 14.000 tấn, chở được 500 lính thủy đánh bộ và 40 - 60 phương tiện cơ giới, 8 máy bay trực thăng Ka-27 hoặc Ka-52K, hỏa lực phòng không gồm các tổ hợp pháo/tên lửa phòng không Pantsir-M.

Dù choán nước nhỏ hơn, nhưng sức chứa và khả năng đổ bộ cũng như hỏa lực không thua kém Mistral là mấy. Có chăng chỉ là số lượng máy bay theo tàu ít hơn hẳn, khiến cho tàu lớp Priboy bị hạn chế nhiều ở khả năng đột kích thọc sâu bằng trực thăng.

Có lẽ đây là thông điệp mạnh mẽ nhất mà Nga muốn gửi tới Pháp là nếu cố tình dây dưa không chịu giao tàu, người Nga sẽ tự làm, dù phải mất khá nhiều thời gian. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi họ đã "học" được khá nhiều ở dự án Mistral.

Nga nắm tương đối rõ về thiết kế và quy trình đóng tàu kiểu module cũng như cách thức vận hành những con tàu đổ bộ trực thăng thuộc loại hiện đại nhất thế giới.

Xem ra, số phận thương vụ tàu đổ bộ trực thăng Mistral vốn gây nhiều tranh cãi giữa Nga và Pháp sắp được quyết định. Bởi lẽ, tàu đổ bộ thế hệ mới sẽ được khởi đóng vào năm 2016 và có thể đưa vào biên chế Hải quân Nga trước năm 2020.

Dù kết quả thế nào đi chăng nữa, chắn chắn người Nga sẽ không chịu ngồi yên mà sẽ tìm mọi cách để hiện thực hóa học thuyết quân sự mới của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại