Nga hết kiên nhẫn
Vài ngày qua, nhiều thông tin từ các quan chức giấu tên, các chính trị gia của cả Nga và Pháp đã bóng gió về một tối hậu thư mà Moscow dành cho Paris xung quanh hợp đồng về hai tàu đổ bộ trực thăng Mistral.
Và cho đến ngày 16/11/2014, tiếp tục một quan chức cấp cao của Nga giấu tên cho biết cụ thể về thời hạn chót để Pháp thực hiện hợp đồng.
Quan chức này cho biết: "Hai tuần, tính từ ngày 14/11/2014, nếu Pháp không bàn giao tàu Mistral đầu tiên cho chúng tôi, các biện pháp bồi thường theo cam kết của hợp đồng sẽ được thực thi. Hàng loạt các khả năng đã được chuẩn bị. Cơ hội cuối cùng cho Pháp sẽ chỉ hết tháng 11 mà thôi."
Vị quan chức này cũng cho biết thêm, Moscow đã được nhận lời mời từ chính phủ Pháp để tổ chức lễ bàn giao chiếc tàu đầu tiên vào ngày 14/11, tuy nhiên sau đó chính phủ Pháp đã hủy buổi lễ này mà không có "lời xin lỗi thỏa đáng."
Nga sẽ kiện Pháp ra tòa nếu không chịu bàn giao tàu Mistral cuối tháng 11 này
Hợp đồng này được ký kết từ tháng 6/2011, Pháp sẽ đóng mới cho Nga 2 tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral, trị giá 1,2 tỷ euro (tương đương 1,5 tỷ USD). Chiếc đầu tiên có tên Vladivostok sẽ bàn giao vào cuối năm 2014, chiếc thứ hai sẽ giao vào năm 2015.
Vị quan chức của Nga cho biết: "Dựa vào các điều khoản trong hợp đồng, Pháp đã có nhiều vi phạm và chúng tôi sẽ kiện họ lên những tòa án cần thiết để đảm bảo cho quyền lợi của chúng tôi."
Mistral là tàu đổ bộ trực thăng do Pháp nghiên cứu phát triển. Tàu lớp này có chiều dài 199 mét, rộng 32 mét, lượng giãn nước tối đa 21.000 tấn, có thể mang theo và 900 binh sĩ cùng máy bay trực thăng, xe bọc thép, xe tăng và các thiết bị hạng nặng khác.
Pháp tự buộc mình vào vai trò nước lớn
Thời gian qua, phía Moscow và nhiều nguồn tin khác cũng đã cáo buộc Mỹ là người trực tiếp đứng đằng sau và can thiệp vào việc ngăn cấm Pháp bàn giao những tàu đổ bộ này. Moscow còn cho rằng Mỹ đang lo ngại quân đội Nga sẽ tăng cường sức mạnh để can thiệp vào vấn đề Ukraine.
Đồng thời, cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng là nguyên nhân chính mà Washington đã ép buộc các đồng minh châu Âu của họ phải cắt đứt mọi mối quan hệ hợp tác quân sự với Nga.
Thậm chí, chính trị gia của Pháp còn đưa ra thông tin Mỹ đang ngày ngày "quấy rối" điện thoại đại sứ quán Pháp ở Mỹ về việc không thực hiện hợp đồng quan trọng này.
Tuy nhiên, Thủ tướng Pháp Manuel Valls hôm 14/11 cũng cho biết, việc bàn giao tàu "Mistral" là quyết định "của riêng Pháp", người Pháp không chấp nhận bất kỳ sự "can thiệp" nào từ nước thứ ba.
"Như tôi đã nói, thời điểm này chưa đủ chín muồi để thực hiện việc bàn giao tàu Mistral cho Nga ", ông Manuel Valls cho biết tại một cuộc họp báo.
Thủ tướng Manuel Valls nói, Pháp tôn trọng hợp đồng, tuy nhiên như một phần trách nhiệm của nước lớn, Pháp mong muốn Ukraine có được hòa bình.
Vì vai trò nước lớn, Pháp sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân?
Với sự leo thang căng thẳng của cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Pháp đã từng đe dọa sẽ hủy bỏ hợp đồng bàn giao tàu "Mistral" cho Nga. Nhưng sau đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande hồi tháng 5 đã hứa sẽ tiếp tục tuân thủ hợp đồng này.
Tuy nhiên, cái "trách nhiệm của nước lớn" mà Thủ tướng Valls đã nói đang hứa hẹn mang đến cho họ nhiều phiền phức:
Pháp sẽ phải bồi thường 3,5 tỷ USD thay vì nhận được 1,5 tỷ USD từ giá trị bán hai con tàu. Khoản tiền này là quá lớn so với một chính phủ đang đứng trước nguy cơ thâm hụt ngân sách.
Thứ hai, 1.000 lao động đang sống vào hợp đồng đóng 2 chiếc tàu sẽ đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Khi họ thất nghiệp, làn sóng biểu tình phản đối chính phủ sẽ diễn ra ồ ạt, dồn dập.
Chưa kể đến việc hợp đồng này còn kèm theo điều khoản Nga có khả năng sẽ mua thêm 2 tàu Mistral nữa nhưng được đóng ở Nga, với sự hỗ trợ của chuyên gia Pháp. Nếu điều này thành hiện thực, lợi ích của Pháp sẽ tăng đáng kể.
Thứ ba, nếu Pháp tính đến việc bán Mistral cho một quốc gia thứ ba để gỡ gạc lại phần nào thiệt hại, điều này cũng là không thể. Canada, Australia đã ngỏ lời với 2 tàu Mistral này, nhưng thực tế, 1/3 con tàu Mistral do Pháp đóng lại thuộc sở hữu của Nga.
Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin cho biết phần đuôi tàu này là sở hữu của Nga, nó được thiết kế riêng và có nhiều sản phẩm quốc phòng Nga ở đó. Phần thứ hai, tuyến cáp quang dọc con tàu cũng của Nga, và nếu Pháp muốn bán, họ phải trả lại Nga những thiết bị này, đồng nghĩa với việc tháo dỡ con tàu.
Điều thứ tư, quan trọng hơn tất cả là Pháp đang hướng đến thị trường vũ khí Ấn Độ, Trung Quốc... Nếu sự thất hứa với Nga được diễn ra, Pháp cũng đứng trước nguy cơ thất bại khi cạnh tranh với các quốc gia khác khi đấu thầu các gói vũ khí của các thị trường kể trên.
Pháp đang là một trong những quốc gia của EU đi đầu trong việc trừng phạt kinh tế Nga xung quanh khủng hoảng ở Ukraine. Tuy nhiên, chưa biết Ukraine có thể mang lại cho Pháp những lợi ích gì, nhưng trước mắt, với Mistral, Paris sẽ thiệt hại nặng nề về cả kinh tế và uy tín.