Đây được xem là giải pháp giúp quân đội các nước có nhu cầu sử dụng UAV nhưng đang phải đối mặt với những khó khăn tài chính có thể linh hoạt hơn khi lựa chọn hướng phân bổ ngân sách.
Bộ Quốc phòng Mỹ đang phải đối mặt với những khó khăn lớn khi ngân sách dành cho quốc phòng buộc phải giảm đi 1.000 tỷ USD trong một thập kỷ tới. Một nửa trong số đó (500 tỷ USD) sẽ tự động bị cắt giảm đồng loạt, trừ khi Quốc hội và Nhà trắng thông qua một kế hoạch chi tiêu khác.
Năm 2013, Lầu Năm Góc đã buộc phải cắt giảm mức chi tiêu hơn 37 tỷ USD kể từ khi quyết định cắt giảm tự động có hiệu lực vào tháng 3.
Ông Bill Irby, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của AAI cho biết, công ty này đưa ra hình thức “trả phí cho từng nhiệm vụ” (tức là thuê UAV cho từng nhiệm vụ đơn lẻ) để giúp tháo gỡ khó khăn tài chính cho Quân đội, xuất phát từ mối quan hệ đối tác với Chính phủ Mỹ và họ có thể mường tượng được viễn cảnh tươi sáng của phương thức kinh doanh mới này.
AAI là công ty đã chế tạo mẫu UAV phóng từ bệ phóng RQ-7B Shadow và loại UAV có kích thước tương đương máy bay thông thường Aerosonde, cung cấp cho bộ binh Mỹ.
Không chỉ có AAI, cả hãng Boeing cũng đang triển khai dịch vụ cho thuê tương tự với mẫu UAV ScanEagle của mình. Đây là một trong những dịch vụ nằm trong kế hoạch tiếp cận các khách hàng tiềm năng có mặt tại triển lãm Paris Air Show 2013 bằng việc đưa ra nhiều tùy chọn về giá cả.
Điều này thể hiện sự linh hoạt của các nhà cung cấp trong việc khai thác thị trường UAV nói riêng và trang bị quốc phòng nói chung.
Theo các số liệu được Dyke Weatherington, Giám đốc phụ trách mảng Thiết bị Tác chiến không người lái, tình báo, giám sát và do thám của Lầu Năm Góc, công bố trong một hội nghị diễn ra hồi đầu năm tại Washington D.C, Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên kế hoạch chi 20,6 tỷ USD cho các tổ hợp không người lái trong giai đoạn từ nay đến hết năm tài khóa 2016, giảm 7,1 tỷ USD so với khoản chi tương ứng trong 4 năm vừa qua.
Giá thành để mua đứt 1 chiếc UAV giao động từ 800.000 USD cho chiếc Shadow đến 220 triệu USD cho chiếc UAV tầm cao RQ-4 Global Hawk của hãng Northrop Grumman. Giá này chưa bao gồm các khoản phí bổ sung như trang bị các bệ phóng, trạm kiểm soát mặt đất, phụ tùng, các trang bị khác.
Theo ông Bill Irby, ý tưởng cho thuê UAV để thực hiện từng nhiệm vụ đơn lẻ thay vì bán cả tổ hợp sẽ thu hút được sự quan tâm của các khách hàng đang phải chịu cảnh “thắt lưng buộc bụng” bởi chi phí bỏ ra sẽ ở mức dễ chấp nhận hơn. Trả phí dịch vụ cho từng phi vụ sẽ giúp Chính phủ tiết kiệm được ngân sách cho các kế hoạch khác thay vì chỉ có thể mua và phát triển UAV.
Tại triển lãm Paris Air Show 2013 tổ chức tại sân bay Le Bourget ở vùng ngoại ô đông-bắc Paris, Công ty AAI đã lên kế hoạch chào hàng RQ-7 Shadow 200, biến thể mới nhất của chiếc UAV Shadow M2, với tầm hoạt động cao và xa hơn so với phiên bản trước và một trạm kiểm soát mặt đất có thể kết nối với các UAV khác như MQ-1C Gray Eagle, được phát triển dựa trên chiếc UAV Predator của General Atomics Aeronautical Systems.
Cùng với các nhà thầu quốc phòng và đại diện Chính phủ Mỹ, Hiệp hội Các tổ hợp Phương tiện Không người lái Quốc tế (AUVSI) cũng tham gia triển lãm lần này. Đây là tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất UAV, có trụ sở tại Arlington, Virginia (Mỹ). Năm nay, AUVSI không đăng ký gian hàng nào mặc dù các thành viên thuộc hiệp hội vẫn tiến hành chào hàng các sản phẩm tại sự kiện quan trọng này.
Trong khi đó, hãng Northrop Grumman đã quyết định không tham gia triển lãm, đồng nghĩa với việc những người tham dự không được chiêm ngưỡng chiếc Global Hawk hay tìm hiểu thêm về X-47B, chiếc UAV đầu tiên có thể cất-hạ cánh trên tàu sân bay.