Với tư cách là bên tham gia chủ yếu trong cuộc đối đầu trên Biển Đông, Trung Quốc và Philippines trong những năm vừa qua liên tục có các hành động đối đầu gây căng thẳng trong khu vực như việc Trung Quốc bao vây ở bãi Cỏ Mây (khu vực thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng Philippines chiếm đóng phi pháp), hải quân Philippines bắt tàu cá Trung Quốc...
Trước một đối thủ lớn như Trung Quốc, cho tới thời điểm hiện tại, sức mạnh quân sự của Philippines và sự phát triển của lực lượng này luôn là vấn đề vừa thu hút sự chú ý của dư luận. Vậy tương quan lực lượng hải quân giữa Trung Quốc và Philippines hiện nay như thế nào?
Theo một bản báo cáo của Viện Hải quân Mỹ, Hải quân Trung Quốc hiện có 77 tàu chiến mặt nước, hơn 60 tàu ngầm, 55 tàu đổ bộ và khoảng 85 tàu chiến nhỏ có trang bị tên lửa. (Trong ảnh: tàu chiến của Hạm đội Nam Hải)
Trong khi đó, Hải quân Philippines biên chế khoảng 100 tàu các loại nhưng chiếm số đông đều là tàu chiến “cao tuổi”, hỏa lực yếu ớt (không có tàu tên lửa). (Trong ảnh: Tàu chiến của hải quân Philippines)
Với Trung Quốc, lực lượng nòng cốt để giúp họ thực hiện âm mưu bá quyền ở Biển Đông là Hạm đội Nam Hải. Hiện nay, trong biên chế của Hạm đội Nam Hải có 11 tàu khu trục, hiện đại nhất là 2 tàu khu trục Type 052C, đây được coi là các tàu khu trục Aegis phiên bản Trung Quốc. Trong khi đó, hải quân Philippines không có tàu khu trục nào. (Trong ảnh: Tàu khu trục Type 052C số hiệu 170 của hạm đội Nam Hải).
Về khinh hạm, hiện nay Hạm đội Nam Hải có 18 tàu, chưa xét đến các tàu hiện đại như Type 054A, các tàu thế hệ cũ như Type 053H1G và Type 053H3 đang có trong biên chế hạm đội Nam Hải đã vượt trội hoàn toàn về hỏa lực so với các tàu của Philippines. Type 053H3 có lượng giãn nước khoảng 2.250 tấn, được trang bị 1 pháo hạm nòng đôi 100mm, 8 tên lửa chống hạm YJ-83, 8 tên lửa phòng không HQ-7. (Trong ảnh: Khinh hạm Type 053H3)
Trong số 3 tàu khinh hạm của mình, hải quân Philippines có 2 tàu lớp Hamilton, mặc dù có lượng giãn nước hơn 3.250 tấn nhưng hỏa lực mạnh nhất của tàu chỉ là pháo hạm OTO Melara 76mm. (Trong ảnh: Khinh hạm lớp Hamilton của hải quân Philippines.)
Tình trạng đội tàu hộ tống của hải quân Philippines còn "thảm" hơn khi mà đa phần trong số đó là các tàu chiến từ thời chiến tranh thế giới lần thứ 2, trang bị hỏa lực là pháo hạm điều khiển bằng tay. (Trong ảnh: Tàu hộ tống lớp Jacinto của Hải quân Philippines)
Về tàu đổ bộ, Lực lượng tàu vận tải đổ bộ của Hạm đội Nam Hải cũng được ưu tiên trang bị 2 tàu đổ bộ hiện đại nhất Trung Quốc lớp Ngọc Chiêu Type 071 với lượng giãn nước tới 20.000 tấn. Ngoài ra còn có 10 tàu đổ bộ Type 072II lượng giãn nước 4.800 tấn và 4 tàu đổ bộ hạng trung Type 073 giãn nước từ 8.000-1.000 tấn (Trong ảnh: Tàu đổ bộ Type 071)
Trong khi đó, Hải quân Philippines vẫn còn duy trì các tàu đổ bộ tăng (LST) được Mỹ đóng từ thế chiến II. (Trong ảnh: Tàu đổ bộ BRP Benguet (LT-507).
Trong lực lượng tàu ngầm của Hạm đội Nam Hải hiện nay có khoảng 8 tàu ngầm thế hệ cũ lớp Minh. Chưa kể đến các thế hệ tàu ngầm hiện đại hơn thì những tàu lớp Minh này vẫn đủ sức đe dọa hạm đội hải quân Philippines do hiện nay khả năng chống ngầm của lực lượng này chỉ là con số 0. (Trong ảnh: Tàu ngầm lớp Minh).
Ngoài ra, Trung Quốc hiện đang duy trì tàu sân bay Liêu Ninh. Từng có thông tin Philippines dự định mua lại một chiếc tàu sân bay đã nghỉ hưu Principe de Asturias của Tây Ban Nha để tăng cường tiềm lực hải quân, tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, Tây Ban Nha đã quyết định bán chiếc tàu sân bay này cho Angola. (Trong ảnh: Tàu sân bay Principe de Asturias)
Hiện nay, Philippines đang thực hiện chương trình hiện đại hóa toàn diện quân đội trong đó có lực lượng hải quân. Một phần trong chương trình đó là việc mua sắm các tàu khinh hạm mới có trang bị tên lửa, tuy nhiên việc mua sắm các tàu này hiện vẫn dậm chân tại chỗ và chưa có bước tiến triển mới. Từng có thông tin Philippines muốn mua khinh hạm tên lửa Maestrale của Italia. (Trong ảnh: Khinh hạm Maestrale với lượng giãn nước 3.100 tấn)
Philippines cũng dự định lắp tên lửa chống hạm Harpoon lên tàu chiến lớp Hamilton mua của Mỹ, nhưng cũng giống như dự định lắp tên lửa Harpoon lên tàu chiến "siêu cổ" BRP Rajah Humabon (PF-11) cách đây hơn 10 năm, kế hoạch này vẫn chưa thực hiện. (Trong ảnh: Tàu BRP Rajah Humabon)
Philippines còn dự định mua 2 tàu đổ bộ cỡ lớn của công ty PT PAL (Indonesia). Đối với một quốc gia bao quanh là biển và vô số đảo, tàu đổ bộ rất cần thiết với hải quân Philippines. Tuy nhiên, sở hữu tàu đổ bộ nhưng đội tàu hộ tống quá yếu thì các tàu đổ bộ này cũng chỉ là món mồi ngon cho đối phương. (Trong ảnh: Mô hình tàu đổ bộ do công ty PT PAL sản xuất)
Thiết nghĩ Philippines nên học tập theo hướng phát triển đội tàu mặt nước của Việt Nam, đó là đi từ các tàu nhỏ, trang bị hỏa lực mạnh, tốc độ cao lên dần các tàu chiến có lượng giãn nước lớn hơn, xây dựng lực lượng tên lửa bờ và sau đó là lực lượng tàu ngầm. Như vậy, sẽ có thể phát triển lực lượng hải quân kiện toàn hơn.