Máy bay tiêm kích MiG-23
MiG-23 Flogger là loại tiêm kích siêu âm cánh cụp cánh xòe thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 10/6/1967, nó được coi là máy bay phản lực chiến đấu thế hệ thứ ba cùng với MiG-25 Foxbat.
MiG-23 là chiếc tiêm kích đầu tiên của Liên Xô thoát ra khỏi khái niệm "đánh chặn" truyền thống khi được trang bị radar phát hiện, theo dõi, ngắm bắn và tiêu diệt mục tiêu ở ngoài tầm nhìn và đã có khả năng quần vòng tìm kiếm mục tiêu trên không.
Tiêm kích MiG-23 của Không quân Liên Xô
Thông tin đầu tiên cho rằng Việt Nam có MiG-23 xuất hiện trên tạp chí quốc phòng Jane’s (Anh). Theo đó, trong hai năm 1985 và 1986 Việt Nam đã được Liên Xô viện trợ 30 chiếc MiG-23ML để thay thế số MiG-19 (J-6) đã hết hạn sử dụng.
Ngoài ra trong khoảng thời gian 1987 - 1988, khi xung đột nổ ra giữa quân đội Lào và Thái Lan tại khu vực biên giới hai nước đã có một số máy bay quân sự của Thái Lan bị bắn rơi.
Đặc biệt sau khi một chiếc F-5E của Thái Lan bị hạ vào ngày 4/2/1988, họ đã vu cáo rằng đó là do MiG-23 của Việt Nam bắn rơi nhằm mục đích xin Mỹ viện trợ F-16.
Tuy nhiên, các nguồn tin trên không đưa ra được bằng chứng nào thuyết phục về sự hiện diện của MiG-23 trong trang bị của Quân đội Việt Nam.
Tiêm kích MiG-23 của Liên Xô tại sân bay Cam Ranh
Vậy vì sao nước ngoài lại cho rằng Không quân Việt Nam được trang bị tiêm kích cánh cụp cánh xòe MiG-23?
Có lẽ họ đã nhầm những chiếc MiG-23 của Liên Xô đóng tại Cam Ranh là của Việt Nam, do trong khoảng thời gian này Liên Xô luôn triển khai tại đây ít nhất một phi đội MiG-23.
Hình ảnh những dãy dài máy bay tiêm kích cánh cụp cánh xòe MiG-23 đỗ trên sân bay Cam Ranh qua ảnh chụp vệ tinh bị nhầm lẫn là của Việt Nam xem chừng là lời giải thích hợp lý nhất.
Hệ thống tên lửa phòng không SA-6
2K12 Kub (SA-6 Gainful) là hệ thống tên lửa phòng không di động tầm ngắn được đưa vào trang bị từ năm 1967 với mục đích tiêu diệt các mục tiêu bay thấp và trung bình.
Được thiết kế với vai trò hệ thống phòng không chiến thuật chiến trường, chuyên bảo vệ đội hình tiến quân của các sư đoàn cơ giới nên radar LONG TRACK, xe tiếp đạn và xe bệ phóng của SA-6 đều đặt trên khung xe kéo pháo bánh xích hạng nặng AT-T có tính việt dã cao.
Tương tự như MiG-23, nước ngoài cũng đã đưa một số thông tin về việc lực lượng phòng không Việt Nam được trang bị hệ thống tên lửa phòng không di động SA-6, trong đó có thể kể đến Ausairpower, một trang tin quốc phòng uy tín của Australia.
Tuy vậy, thông tin về SA-6 của Việt Nam thực sự là một ẩn số lớn, đến nay vẫn chưa có bất kỳ bức ảnh nào về SA-6 tại Việt Nam được công bố.
Nghi ngờ việc Việt Nam đã có SA-6 lại càng lớn hơn khi những hình ảnh về hệ thống tên lửa phòng không tầm xa cực kỳ hiện đại S-300PMU1 đã được công khai rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài ra, việc Việt Nam cải tiến tổ hợp tên lửa phòng không S-125-2TM, quan tâm đến các tổ hợp tên lửa phòng không di động tối tân hơn nhiều như Buk, SPYDER… cũng đã không còn là điều gì bí mật.
Do vậy, thật khó tin rằng Việt Nam có SA-6, khi mà không hề có thông tin hay hình ảnh gì cho thấy sự hiện diện của nó ở đây.
Sau khi xem xét một số khả năng, có lẽ thông tin về việc Việt Nam có hệ thống tên lửa phòng không SA-6 trong biên chế cũng chỉ là một huyền thoại tương tự như trường hợp MiG-23 trước kia.