Theo nguồn tin trên, số lượng đầu đạn hạt nhân mang tính huỷ diệt của Trung Quốc đã vượt Anh, Ấn Độ và Pakistan, nhảy lên vị trí thứ 4 của thế giới, chỉ đứng sau Nga, Mỹ và Pháp.
Theo nội dung bài viết, hiện nay Trung Quốc đang sở hữu khoảng 250 đầu đạn hạt nhân, chỉ đứng sau Nga (8.000 đầu đạn), Mỹ (7.300 đầu đạn), Pháp (300 đầu đạn). Nước này đã vượt qua Anh (225 đầu đạn), Pakistan (120 đầu đạn), Ấn Độ (110 đầu đạn), vươn lên xếp thứ 4 thế giới.
Để đạt được thành tích đáng nể này, Trung Quốc đã nhận được sự giúp đỡ cực kỳ quan trọng từ các nhà khoa học quân sự dưới thời Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cổng sản Liên Xô trước đây - Stalin, sau đó là Khrushchev.
Đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc
Sau khi Liên Xô giải thể, về lĩnh vực bom nguyên tử, Trung Quốc hầu như cũng đã được trang bị đầy đủ về mặt công nghệ chế tạo. Thời kỳ đầu thành lập nước Trung Quốc mới, giới lãnh đạo quyết tâm bằng mọi giá phải sở hữu bằng được loại bom này.
Nhưng “tình hữu nghị thế kỷ” giữa Trung Quốc và Liên Xô chỉ kéo dài đến năm 1960, sau đó quan hệ của hai nước bị rạn nứt hoàn toàn. Liên Xô lúc đó đã dừng mọi viện trợ, bao gồm cả viện trợ về ngành công nghiệp quốc phòng. Nhưng với sự giúp đỡ của Liên Xô trước đó, Bắc Kinh đã gây dựng được nền tảng vững chắc cho sự phát triển vũ khí hạt nhân của mình trong tương lai.
Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ - Chu Ân Lai tuyên bố, chỉ cần 8 năm nữa, Bắc Kinh sẽ tự nghiên cứu được bom nguyên tử cho mình. Kết quả chưa đến 8 năm, vào ngày 16/10/1964, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công một quả bom nguyên tử tại căn cứ thử nghiệm Lop No. Đánh dấu mang tính lịch sử đưa Trung Quốc gia nhập vào câu lạc bộ hạt nhân thế giới.
Tuy nhiên việc Bắc Kinh thực hiện một bước “đại nhảy vọt” (theo cách nói của Nga) về nghiên cứu và chế tạo vũ khí hạt nhân lại được Tờ "Học giả ngoại giao" Nhật Bản ngày 16/10 nhận địnnh: Quy mô, sức mạnh kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc có hạn.
Theo nội dung bài viết, hiện Trung Quốc chỉ có khoảng 250 đầu đạn hạt nhân. Trong tổng số 250 đầu đạn hạt nhân này, chỉ có số ít có thể tấn công lãnh thổ Mỹ, số còn lại chỉ có thể dùng để đe dọa khu vực.
Bắc Kinh thường bị coi là đang áp dụng một loại "chiến lược đe dọa tối thiểu", tức là dựa vào khả năng tấn công hạt nhân lần thứ hai để đáp trả. Do năng lực kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có hạn, phản kích hạt nhân sẽ chủ yếu nhằm vào các đô thị của đối phương.
Dù đưa ra nhận định trên nhưng tờ Học giả ngoại giao cũng phải thừa nhận chính sách hạt nhân của Trung Quốc vẫn luôn tăng cường quy mô và thực lực kho vũ khí hạt nhân một cách chậm chạp nhưng vững chắc. Trung Quốc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân tập trung vào bảo đảm sự sống sót, tin cậy và khả năng sát thương của tấn công hạt nhân lần hai.
Chẳng hạn tăng số lượng, phát triển tên lửa nhiên liệu rắn, tên lửa bắn từ tàu ngầm. Ngoài ra, Trung Quốc còn đang đạt tiến triển ở lĩnh vực liên quan, bao gồm nâng cao độ chính xác của tên lửa. Vì vậy, đến nay, Trung Quốc đã triển khai lực lượng hạt nhân ngày càng hiện đại.