Thừa nhận cay đắng của Bộ Quốc phòng Mỹ về F-35

An Nhiên |

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ, việc sản xuất động cơ cho tiêm kích F-35 vẫn tiếp tục gặp phải nhiều vấn đề mới.

Theo trang thông tin Defense Aerospace, vấn đề mới được phát hiện là phần turbine và hệ thống điều khiển điện tử của động cơ F-35 không đạt chất lượng yêu cầu. Do đó, nhà sản xuất đã phải loại bỏ các thành phần bị nghi ngờ ra khỏi thiết bị.

Bản báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng nhấn mạnh rằng công ty Pratt & Whitney, đơn vị sản xuất động cơ F-35 “đã áp dụng các biện pháp để kiểm duyệt chất lượng trong các khâu sản xuất”.


Máy bay chiến đấu F-35 của Không quân Mỹ

Máy bay chiến đấu F-35 của Không quân Mỹ

Tuy nhiên, theo Defense Aerospace, điều đó là chưa đủ. Hiện công ty nhiều khả năng sẽ trở thành nhà sản xuất duy nhất động cơ cho F-35 này đang tiếp tục chịu nhiều sức ép của Bộ Quốc phòng để đảm bảo chất lượng thực hiện hợp đồng đã được ký kết.

Lầu Năm góc dự định chi 49 tỷ USD để mua 2.457 động cơ trang bị cho F-35. Hiện tại Quốc hội Mỹ đã duyệt chi 6,7 tỷ USD để mua 63 động cơ cho F-35 vào năm 2017.

Vấn đề về các vết nứt của turbine trong động cơ dành cho F-35 đã được phát hiện từ năm 2013 nhưng khi đó nhà sản xuất tuyên bố rằng đó chỉ là hiện tượng hiếm gặp.

Trước đó, do việc sản xuất F-35 gặp hết vấn đề này đến vấn đề khác nên giới chức quân sự Mỹ quan ngại rằng, việc thiết kế thế hệ tiếp theo có thể cũng sẽ gặp nhiều vấn đề tương tự.

Chương trình thiết kế và chế tạo máy bay ném bom-tiêm kích thế hệ mới nhất F-35 là một trong những chương trình đắt đỏ nhất trong lịch sử quốc phòng Mỹ nhưng dường như đây lại là chương trình “có nhiều vấn đề” nhất.

Hôm 4/2, Lầu Năm Góc cũng công bố một bản báo cáo trong đó cay đắng thừa nhận F-35 vẫn mắc hàng loạt lỗi nghiêm trọng.

Theo đó, trong quá trình thử nghiệm F-35 trên diện rộng nhằm đo tính năng an toàn của máy bay này, các kỹ sư đã phát hiện nhiều sai sót và vấn đề như lỗi phần mềm, sự cố kỹ thuật và chi phí sản xuất quá tốn kém.

Ngoài ra, các kỹ sư cũng nhận thấy nhóm phi công sở hữu cân nặng dưới 62 kg có nguy cơ dễ bị tử nạn khi lái thiết bị này.

Đặc biệt, phiên bản F-35 dùng trong Lực lượng Lính thủy đánh bộ cũng có nhiều sai sót và có khả năng chiến đấu hạn chế.

Trong khi đó, phiên bản đang chế tạo cho Không quân cũng "thừa hưởng nhiều lỗi" từ phiên bản gốc nên có thể làm trì hoãn ngày ra mắt của biến thể này, vốn dự kiến vào cuối năm 2016.

Năm ngoái, Tư lệnh chỉ huy chiến đấu không quân Mỹ, tướng Herbert Carlisle thừa nhận trên tạp chí National Interest, tiêm kích F-35 không phải là một mẫu máy bay linh hoạt và không được thiết kế để dành cho cận chiến.

F-35 bị liệt vào danh sách các máy bay tiêm kích không thành công nhất do tạp chí chuyên về chính trị-quân sự The National Interest lập ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại