Tờ The Moscow Times đăng bài viết cho hay:
Theo một báo cáo về ngành công nghiệp quốc phòng quốc tế công bố mới đây, doanh số xuất khẩu vũ khí Nga đạt con số kỷ lục 10 tỷ USD trong năm ngoái.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, giá dầu giảm mạnh, kinh tế suy giảm, các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow cùng một số nguyên nhân khác có nguy cơ làm chệch hướng đà tăng trưởng xuất khẩu vũ khí của quốc gia này.
2015: Kim ngạch xuất khẩu vũ khí Nga có thể sụt giảm
Kim ngạch xuất khẩu vũ khí Nga, quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, đã ghi nhận mức tăng 9% trong năm ngoái so với năm 2013.
Số liệu chính thức của Nga về giá trị xuất khẩu vũ khí năm 2014 cao hơn một chút, đạt 13 tỷ USD, tiếp tục xu hướng tăng trong cả một thập kỷ.
Tuy nhiên, công ty nghiên cứu quân sự của Mỹ (IHS) đã loại trừ các thỏa thuận vũ khí giá trị nhỏ, thay vào đó chỉ tập trung vào trang thiết bị lớn hơn và giá trị thực tế của các khí tài đã được bàn giao cho khách hàng.
Tính toán của IHS cũng chỉ bao gồm các sản phẩm cuối cùng, bỏ qua các thành phần phụ được sử dụng trong việc chế tạo thiết bị.
Ông Ben Moores - chuyên gia phân tích cấp cao của IHS cho hay, Nga đã tụt lại phía sau mức tăng trưởng 13,4% trong năm ngoái của ngành công nghiệp quốc phòng toàn cầu.
Mức tăng này có được do các nền kinh tế mới nổi có nhu cầu lớn chưa từng có về máy bay quân sự, cũng như do những diễn biến căng thẳng khu vực tại Trung Đông và châu Á - Thái Bình Dương.
Xuất khẩu trực thăng và máy bay có cánh cố định đóng góp đáng kể vào giá trị xuất khẩu vũ khí của Nga, với sự đóng góp lần lượt là 2,2 tỷ USD và 4,4 tỷ USD vào tổng giá trị xuất khẩu vũ khí Nga.
Tập đoàn sản xuất Máy bay Thống nhất (UAC) và công ty sản xuất trực thăng Nga đã bảo vệ vị trí của mình trong danh sách 10 công ty xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.
Cụ thể, công ty sản xuất trực thăng Nga là nhà xuất khẩu trực thăng lớn nhất thế giới trong năm 2014.
Năm 2014, công ty sản xuất trực thăng Nga vẫn bảo vệ vị trí của mình trong danh sách 10 công ty xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, những thành tích như vậy có thể chấm dứt trong năm nay.
Còn Tập đoàn Đóng tàu Thống nhất của Nga là hãng xuất khẩu thân tàu lớn nhất thế giới, với giá trị xuất khẩu tàu ngầm đạt 900 triệu USD và tàu mặt nước 400 triệu USD.
Tuy nhiên, những thành tích này có thể chấm dứt trong năm nay. Tuyên bố của IHS có đoạn viết:
"Xuất khẩu công nghiệp của Nga hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Tình trạng suy giảm giá trị xuất khẩu vũ khí Nga được dự báo diễn ra trong năm nay do Moscow đối mặt với các lệnh trừng phạt".
Chuyên gia phân tích Ben Moores tiết lộ, các chương trình bàn giao máy bay và trực thăng cho Mexico, Trung Quốc, Afghanistan, Venezuela và Yemen đã kết thúc vào năm ngoái.
Theo đó, ông dự đoán, giá trị xuất khẩu sang các thị trường này sẽ giảm 7%, xuống còn 9,3 tỷ USD trong năm 2015.
Trong khi đó, chuyên gia Moores cho biết thêm, UralVagonZavod - hãng sản xuất xe bọc thép lớn nhất của Nga - lại tiếp tục chứng kiến thị phần của hãng trên thị trường toàn cầu giảm sút và hiện là một trong những hãng xuất khẩu xe bọc thép yếu nhất thế giới.
Tuy nhiên, ông Ruslan Pukhov, Giám đốc phụ trách quốc phòng Nga thuộc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (CAST) cho biết:
Số liệu này sẽ không khiến Moscow quan ngại bởi các chuyên gia phân tích Nga kỳ vọng xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm nay.
Một loạt những trở ngại
Thời điểm này Nga phải đối mặt với nhiều bất lợi.
Kinh tế Nga được dự báo sẽ sụt giảm mạnh mẽ trong năm nay, trong bối cảnh giá dầu xuống thấp và các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã khiến thu nhập giảm mạnh.
Chi tiêu công có nguy cơ phải cắt giảm đáng kể, mặc dù chi tiêu quốc phòng vẫn được duy trì ở mức cao.
Chuyên gia Pukhov nhận định: "Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và ngân sách quốc phòng được giữ nguyên, các hợp đồng xuất khẩu vũ khí có ý nghĩa vô cùng quan trọng".
Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến các công ty quốc phòng Nga bị loại ra khỏi thị trường châu Âu và Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, các đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong năm ngoái là là những quốc gia không thuộc phương Tây - những nước có truyền thống hoặc có quyền lợi đặc biệt trong việc mua trang thiết bị quân sự Nga.
Ấn Độ là khách hàng lớn thứ 2 của Nga, sau Trung Quốc.
Theo IHS, đối tác xuất khẩu lớn nhất của Nga là Trung Quốc, với việc Nga bán 2,3 tỷ USD trang thiết bị quân sự cho quốc gia này trong năm ngoái.
Còn Ấn Độ đứng ở vị trí thứ hai, với việc chi 1,7 tỷ USD mua vũ khí Nga, trong khi đó Venezuela và Việt Nam cùng chi 1 tỷ USD mua vũ khí Nga.
Tuy nhiên, Nga khó đảm bảo được lượng hàng lớn từ các quốc gia này trong thời gian tới, vì các chương trình nghị sự và ưu tiên chi tiêu của mỗi quốc gia này có thể khiến họ phải cắt giảm các đơn đặt hàng vũ khí Nga.
Theo chuyên gia Siemon Wezeman thuộc Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI):
Ấn Độ sẽ có vai trò lớn quyết định số phận xuất khẩu vũ khí của Nga trong dài hạn khi họ đưa ra quyết định mua thêm chiến đấu cơ, máy bay vận tải và thậm chí là tàu ngầm từ quốc gia nào.
Chuyên gia Siemon Wezeman cho rằng: "Nếu Ấn Độ quyết định mua số lượng lớn vũ khí Nga trong thời gian tới, thì xuất khẩu vũ khí Nga mới được đảm bảo. Ngược lại, xuất khẩu vũ khí Nga sẽ trong tình trạng khó khăn".
Ngoài Ấn Độ, IHS còn dự báo rằng, việc giá dầu giảm gần 50% kể từ mùa hè năm ngoái sẽ tác động đến xuất khẩu vũ khí Nga trong năm 2015 do các quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ, chẳng hạn như Iran và Venezuela, cắt giảm đơn đặt hàng mua vũ khí.
IHS nhận định, việc Trung Quốc không còn phụ thuộc vào công nghệ quốc phòng của Nga, thay vào đó hướng đến các sản phẩm tự chế, cũng sẽ tác động đến doanh số xuất khẩu của Nga.
Bắc Kinh đã thực hiện các bước đi thúc đẩy kế hoạch tự sản xuất máy bay, tàu ngầm cũng như các hệ thống phòng không, tuy nhiên Bắc Kinh vẫn chưa hoàn toàn "đoạn tuyệt" với Moscow.
Xuất khẩu vũ khí Nga cũng bị tác động mạnh mẽ bởi lệnh cấm vận vũ khí do phương Tây áp đặt với Moscow hồi năm ngoái.
Vũ khí và các thiết bị điện tử của phương Tây được sử dụng trong các phiên bản xuất khẩu của phần lớn khí tài Nga, như máy bay chiến đấu, cùng với sự chậm trễ phát sinh từ khâu thay thế nhập khẩu có thể dẫn đến tình trạng Nga mất các đơn đặt hàng.
Theo chuyên gia Wezeman, may mắn cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga là chính phủ nước này không thực hiện chính sách cắt giảm chi tiêu quốc phòng nhằm thực hiện chương trình tái vũ trang quy mô lớn cho quân đội.
Tính riêng trong năm nay, chi tiêu quân sự được cho là sẽ đạt mức cao kỷ lục 3,3 nghìn tỷ rúp (tương đương 54,5 tỷ USD), và ngân sách chi cho việc mua trang thiết bị đặc biệt tăng lên đáng kể, qua đó có thể đủ để bù bắp tình trạng giảm sút các đơn hàng từ bên ngoài.
Tuy nhiên, ông cho rằng, nếu kinh tế Nga tiếp tục xấu đi, thì "ngân sách mua sắm vũ khí trong nước nhiều nguy cơ sẽ bị cắt giảm và bị cắt giảm nhanh nhất.
Như vậy, giá trị xuất khẩu và các đơn đặt hàng trong nước bị suy giảm, kéo theo tác động thực sự đến ngành công nghiệp quốc phòng Nga".