Ngày 5/3, hãng tin RT của Nga cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã cấp phép cho tàu chiến của Hải quân Mỹ vượt qua eo biển Bosphorus để tiến vào Biển Đen. Quyết định này của Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra khi căng thẳng tại Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mặc dù Mỹ khẳng định con tàu đi theo lộ trình đã định sẵn từ trước để tham gia huấn luyện nhưng xét trong tình hình hiện nay, động thái này của Mỹ không hề đơn giản.
Là phần đất phía đông của Châu Âu và phần phía tây của Châu Á, lại giáp với Biển Đen, Địa Trung Hải nên Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí chiến lược về quốc phòng và an ninh. Nếu có bất kỳ kế hoạch nào đối với Ukraine, Mỹ sẽ phải vượt qua eo biển Dardanelles và Bosphorus (Thổ Nhĩ Kỳ) để vào Biển Đen. Đây là con đường hiệu quả nhất để tiến hành can thiệp quân sự vào Crimea.
Với tư cách là một thành viên của NATO, đồng minh của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ khó tránh bị lôi vào cuộc chiến nếu Mỹ quyết định hành động quân sự để chặn Nga ở Ukraine. Vậy quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mạnh đến đâu, sự tham gia của họ vào sự kiện xung đột chính trị tại Ukraine có giúp Mỹ thay đổi cán cân quyền lực ở Biển Đen?
Lục quân khá mạnh
Là một nước thuộc khối NATO nên lục quân Thổ Nhĩ Kỳ được trang bị các phương tiện chiến đấu đặc trưng của NATO. Lực lượng tăng thiết giáp của Thổ Nhĩ Kỳ khá mạnh với tổng số khoảng 2.710 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lưc, trong đó đáng chú ý là 354 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard-2A4, 227 chiếc Leopard-1A3 cùng 170 chiếc Leopard-1A1 do Đức sản xuất.
Xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A4 nắm đấm hỏa lực mạnh nhất của lục quân Thổ Nhĩ Kỳ.
Tăng thiết giáp nước này còn có 753 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực M60A3 của Mỹ cùng 758 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực M48A5T5. Xe chiến đấu bộ binh các loại khoảng 7.860 chiếc trong đó các loại hiện đại như: 1.480 chiếc ACV-300 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, 2.813 chiếc M113 của Mỹ sản xuất. Ankara còn có số lượng khá lớn xe thiết giáp BTR-60PB 323 chiếc, BTR-80 535 chiếc.
Pháo binh các loại khoảng 2.757 khẩu, trong đó đáng chú ý là pháo tự hành Panter 155mm do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất khoảng 225 khẩu, “vua chiến trường” M107 175mm 36 khẩu, 240 khẩu pháo tự hành T-155 Fırtına 155mm biến thể xuất khẩu cho Thổ Nhĩ Kỳ của K-9 Thunder do Hàn Quốc sản xuất.
Lực lượng pháo phản lực bắn loạt của Ankara khá mạnh với 12 hệ thống M270 của Mỹ, 80 hệ thống T-300 Kasirga biến thể xuất khẩu cho Thổ Nhĩ Kỳ của pháo phản lực bắn loạt WS-1 do Trung Quốc sản xuất, biến thể này sử dụng đạn tên lửa cỡ nòng 302mm với tầm bắn khoảng 180km.130 hệ thống pháo phản lực T-122 Sakarya do nước này sản xuất có tầm bắn khoảng 40km.
Đặc biệt, Ankara sở hữu khoảng 100 tên lửa đạn đạo chiến thuật J-600T hợp tác sản xuất cùng với Trung Quốc, loại tên lửa này có tầm bắn từ 150-300km tùy biến thể. Một biến thể khác có tầm bắn 900km cũng đang được phát triển.
Không quân - trợ thủ đắc lực cho kế hoạch của Mỹ
Không quân Thổ Nhĩ Kỳ có thể coi là trợ thủ đắc lực nhất cho một kế hoạch nếu có của Washington nhằm vào Crimea. Ankara có tổng cộng khoảng 736 máy bay các loại, mạnh nhất không quân nước này là 196 chiếc tiêm kích F-16C cùng 44 chiếc F-16D.
Phi đội F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia khá nhiều chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu, tiêm kích này cũng được sử dụng khá rộng rãi trong cuộc xung đột với người Kurd ly khai ở miền Bắc Iraq. 50 chiếc tiêm kích F-4 và trinh sát RF-4E những tiêm kích này đã được nâng cấp để sử dụng đến năm 2020.
Thổ Nhĩ Kỳ có phi đội tiếp nhiên liệu trên không khá mạnh với 7 chiếc KC-135 Stratotanker, họ cũng đã đưa vào vận hành một chiếc máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không Boeing 737 AEW&C. Lực lượng máy bay này sẽ hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động chiến đấu của phi đội F-16 và F-4.
Tuy nhiên, ngoại trừ F-16C/D, lực lượng máy bay còn lại của họ khá yếu và thường không đủ sức để thực hiện các nhiệm vụ không chiến với những tiêm kích hiện đại. Mặc khác, phi đội 240 chiếc F-16 không thấm vào đâu so với lực lượng không quân hùng hậu của Nga.
Lực lượng phòng không mặt đất của Ankara rất yếu, họ không có lấy một hệ thống tên lửa phòng không tầm trung nào chứ chưa nói gì đền tầm xa. Tên lửa phòng không chủ lực của họ là FIM-92 Stinger, một số được gắn trên xe thiết giáp M113, số còn lại vác vai sử dụng. Trong cuộc xung đột tại Syria, họ phải nhờ đến NATO triển hệ thống phòng không Patriot để đề phòng một cuộc không kích từ Damascus.
Nếu Ankara quyết cho Washington mượn lãnh thổ của mình để làm bàn đạp thì chắc chặn họ phải yêu cầu Mỹ điều động thêm số lượng lớn tên lửa phòng không Patriot đến đây, nếu không khó lòng mà yên trước một cuộc không kích đáp trả từ Moscow.
Hải quân - đối thủ đáng gờm của Nga
Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ được trang bị khá mạnh họ lại kiểm soát lối ra vào biển Đen nên đây được xem là một lợi thế rất lớn của Ankara. Lực lượng mạnh nhất của hải quân nước này là 8 khinh hạm mang tên lửa điều khiển lớp Gabya. Đây là một biến thể hiện đại hóa sâu rộng của khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry của Mỹ.
Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ là một đối thủ đáng gờm đối với hạm đội biển Đen của Nga.
Gabya được trang bị hỏa lực khá mạnh với tên lửa chống hạm Harpoon, tên lửa phòng không tầm trung RIM-162ESSM tầm bắn 50km, đây có thể coi là lực lượng bổ sung cho năng lực phòng không mặt đất yếu kém của họ.
Loại tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ là 4 chiếc khinh hạm Barbaros do Đức sản xuất. Loại tàu chiến này cũng được trang bị hỏa lực khá mạnh với tên lửa chống hạm Harpoon và tên lửa phòng không tầm trung RIM-162ESSM.
Ngoài ra, hải quân nước này còn có sự phục vụ của 2 tàu chiến ven biển lớp Ada, loại tàu này có thiết kế tương tự như tàu chiến ven biển LCS của Mỹ. Đây là một loại tàu chiến hiện đại nằm trong kế hoạch hiện đại hóa lực lượng Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, nó được trang bị tên lửa chống hạm Harpoon, tên lửa phòng không tầm trung RIM-162ESSM.
Hạm đội tàu ngầm của Ankara có khoảng 14 chiếc các loại trong đó có 6 chiếc tàu ngầm điện-diesel Type-209/1.200, 4 chiếc Type-209T1/1.400, 4 chiếc Type-209T2/1.400 do Đức sản xuất. Có thể nói, Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ là một đối thủ đáng gờm đối với hạm đội biển Đen, Nga chưa tính đến sự góp mặt của Hải quân Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ đang nắm trong tay nhiều lợi thế, có thể nói rằng ở thời điểm hiện tại họ chính là nhân tố then chốt để quyết định cán cân sức mạnh tại biển Đen. Tuy nhiên, Ankara lại bị kẹp giữa hai ông lớn Nga-Mỹ. Mỹ là đồng minh của họ, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lại phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga (với khoảng 67% lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga).
Liệu những gì mà Washington mang lại cho họ có đủ lớn để họ đánh đổi cuộc chơi với Moscow?