“Hợp đồng (với Trung Quốc) chưa được ký kết. Nếu các công ty của Mỹ và châu Âu đưa ra những đề nghị tốt hơn, chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán với họ”, tờ Turkish trích dẫn phát biểu của ông Ahmet Davutoglu, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
Các đồng minh NATO, đặc biệt là Mỹ vô cùng giận dữ khi Thổ Nhĩ Kỳ tháng trước tuyên bố nước này đang tiến hành đàm phán với Tập đoàn Xuất nhập khẩu máy chính xác (CPMIEC) của Trung Quốc để mua phiên bản xuất khẩu của hệ thống phòng thủ tên lửa HQ-9.
Mỹ cho biết họ rất quan ngại về hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa HQ-9 ước tính 4 tỷ USD giữa Ankara và Bắc Kinh. Trong vòng 1 thập kỷ qua, Mỹ đã ngăn chặn các công ty của Trung Quốc bằng hàng loạt lệnh cấm bán vũ khí và công nghệ cho Iran và Syria.
Tập đoàn CPMIEC với hệ thống phòng thủ tên lửa HQ-9 đã đánh bại các đối thủ Raytheon và Lockheed Martin (Mỹ), Rosoboronexport (Nga) và liên doanh Eurosam (Pháp-Italia) trong gói thầu cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Davutoglu cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã loại công ty của Nga, nhưng vẫn có thể đàm phán với hai đối tác còn lại. “Nếu các đề nghi được đưa ra phù hợp với chúng tôi, các cơ quan liên quan sẽ đánh giá chúng”, ông Davutoglu khẳng định.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trước đó đã lên tiếng bảo vệ quyết định đàm phán mua hệ thống tên lửa phòng không của Trung Quốc, ông nói: “Không ai có quyên can thiệp vào những quyết định độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ.”