Thiếu Nga, vệ tinh quân sự của Mỹ chỉ có thể “đắp chiếu”

Đức Dũng |

Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây đã công khai thừa nhận rằng Mỹ sẽ không thể đưa các vệ tinh quân sự lên vũ trụ nếu như thiếu các động cơ tên lửa của Nga.

Chính quyền Mỹ lần đầu tiên đã công khai thừa nhận rằng nếu không có được các động cơ tên lửa của Nga, Mỹ sẽ không thể phóng các vệ tinh quân sự với mục đích bảo vệ an ninh quốc gia lên quỹ đạo.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh các cuộc tranh cãi xung quanh sự cần thiết phải mua động cơ tên lửa RD-180 để trang bị cho tầng đầu tiên của tên lửa vẫn đang tiếp diễn ở Mỹ.

Trong số những người phản đối mạnh mẽ nhất việc mua động cơ tên lửa RD-180 của Nga có thượng nghị sỹ John McCain, người ủng hộ mạnh mẽ các lệnh cấm vận chống Nga.

Ông McCain cũng là chính trị gia Mỹ trong nhiều năm qua đã yêu cầu thực hiện các biện pháp để an ninh quốc gia Mỹ không phụ thuộc vào Nga.

Những người ủng hộ quan điểm này của ông John McCain cho rằng việc nhập động cơ tên lửa từ Nga sẽ làm cản trở đến quá trình cạnh tranh của các công ty Mỹ.

Trong khi đó, những người phản đối ý kiến của ông McCain cho rằng nếu thiếu động cơ tên lửa của Nga, việc Mỹ đưa các thiết bị quân sự lên vũ trụ là điều không thể.

Quan điểm Mỹ chưa thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào tên lửa Nga một lần nữa được một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ đưa ra trong ngày thứ Tư (17/2) vừa qua.

Tư lệnh Trung tâm các hệ thống vũ trụ-tên lửa thuộc Không quân Mỹ, trung tướng Samuel Greaves, tuyên bố:

“Nếu như những người này tiếp tục phản đối, nếu như Bộ Tài chính nói rằng có vấn đề trong quan hệ với họ (với phía Nga) thì chúng tôi sẽ phải làm việc với Quốc hội để giải quyết vấn đề.

Nếu như chúng tôi không được phép sử dụng các động cơ tên lửa của Nga thì các thiết bị của Mỹ sẽ vẫn nằm trên mặt đất”.

Bên cạnh đó, trung tướng Sameul Greaves cũng nêu rõ hậu quả Mỹ sẽ phải đối mặt nếu như từ chối sử dụng các động cơ tên lửa của Nga.

“Việc tiếp cận vũ trụ một cách có đảm bảo đòi hỏi phải có công nghệ phóng đầy đủ chứ không chỉ ở động cơ. Việc động cơ và tên lửa cùng phối hợp hoạt động là điều cần thiết.

Nói một cách đơn giản, nếu thay thế động cơ tên lửa RD-180 chúng ta sẽ phải nhận các tên lửa có thể mang được khối lượng ít hơn với chi phí nhiều hơn”- ông Samuel Greaves tuyên bố.

Theo Greaves, trong năm nay, Bộ Quốc phòng Mỹ đang cố gắng thuyết phục Quốc hội Mỹ ủng hộ việc thiết kế các hệ thống phóng thương mại mới, cũng như thiết kế các động cơ tên lửa riêng của mình nhưng đây chỉ là một phần của vấn đề.

Trong tương lai gần và trung hạn, Mỹ vẫn chưa thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào động cơ RD-180 của Nga.

Được biết, động cơ tên lửa RD-180 do tổ hợp công nghiệp-quốc phòng “Energomash” của Nga chế tạo và được phía Mỹ mua thường xuyên từ những năm 1990.

Động cơ tên lửa RD-180 của công ty “Energomash”
Động cơ tên lửa RD-180 của công ty “Energomash”

Đối với Nga, việc cung cấp động cơ tên lửa này cho Mỹ là một lĩnh vực đem lại khá nhiều lợi nhuận. Trong khi đó, đối với Mỹ, việc mua động cơ này của Nga lại là con đường duy nhất để phóng các loại tên lửa hạng nặng lên vũ trụ.

Các vệ tinh quân sự của Mỹ thời gian qua chủ yếu được đưa lên vũ trụ bằng tên lửa Atlas V sử dụng động cơ RD-180 của Nga. Do đó, nếu từ chối sử dụng động cơ RD-180, các vệ tinh quân sự của Mỹ sẽ không thể đưa được lên vũ trụ.

Theo giới phân tích, sở dĩ thượng nghị sỹ John McCain quyết liệt phản đối mua động cơ tên lửa RD-180 của Nga là do công ty “RD-Amros”, đối tác cung cấp động cơ tên lửa này cho Mỹ, đang chịu sự quản lý của Phó Thủ tướng Nga phụ trách mảng công nghiệp-quốc phòng Dmitri Rogozin và Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghệ Nga Rostex, hai nhân vật đang nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ.

Tuy nhiên, theo đại diện “RD-Amros”, hai quan chức này của Nga không làm việc cho “RD-Amros” cũng như “Energomash”.

Do đó, quan điểm phản đối của ông McCain được cho là không có căn cứ và chỉ đem lại thiệt hại cho phía Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại