Thiết giáp hạm Yamato – Sai lầm đắt giá của Hải quân Nhật Bản

Nhật Huy |

Với chi phí gấp gần 4 lần chi phí một tàu sân bay, những thiết giáp hạm như Yamato đã khiến nền công nghiệp quốc phòng Nhật Bản kiệt quệ.

Yamato là thiết giáp hạm lớn nhất từng được chế tạo, được trang bị lớp giáp bảo vệ vững chắc nhất và những khẩu đại pháo có hỏa lực mạnh nhất.

Nhưng siêu thiết giáp hạm này, và những con tàu khác cùng loại, gần như không có vai trò gì trên thực tế chiến trường mà chỉ góp phần khiến nền công nghiệp quốc phòng Nhật kiệt quệ với chi phí gấp 4 lần chi phí của 1 tàu sân bay.

Hình 01 – Thiết giáp hạm Yamato trong lần chạy thử năm 1941
Hình 01 – Thiết giáp hạm Yamato trong lần chạy thử năm 1941

Thông số vượt trội về mọi mặt

Công tác thiết kế được bắt đầu từ năm 1932 và bản thiết kế hoàn chỉnh đầu tiên hoàn thành vào tháng 3/1935. Song con tàu còn phải trải qua 22 lần chỉnh sửa nữa trước khi được chính thức chấp thuận vào năm 1937.

Tình báo nhiều quốc gia cho rằng mẫu chiến hạm này sẽ có lượng giãn nước vào khoảng 40.000 tấn, được trang bị pháo cỡ nòng 410 mm. Nhưng trên thực tế các con số này lần lượt là 70.000 tấn và 460 mm.

Những thiết giáp hạm của Mỹ được thiết kế để có thể di chuyển qua kênh đào Panama, vì vậy chúng bị giới hạn về kích thước tối đa.

Hải quân Nhật khi đó tin rằng kích thước khổng lồ của loại thiết giáp hạm mới sẽ giúp tạo ưu thế tuyệt đối trước đối thủ, thậm chí buộc người Mỹ phải từ bỏ ý định tham chiến và để nước Nhật độc chiếm khu vực Tây Thái Bình Dương.

Các thông số của Yamato, và 2 con tàu cùng lớp là Musashi và Shinano, đều cực kỳ ấn tượng. Bên trong con tàu được chia thành 1.147 ngăn không thấm nước, phần lớn trong đó nằm dưới boong tàu bọc thép.

Mặt boong có thể chịu được bom 500 kg thả từ độ cao hơn 3 km. Trong khi đó, phần thân tàu có thể chịu được đạn pháo cỡ 18 inch (457 mm) từ khoảng cách 16 hải lý.

Để cung cấp sức đẩy cho chiến hạm khổng lồ này, các kỹ sư Nhật dự kiến sử dụng kết hợp động cơ turbin hơi, với công suất 75.000 mã lực và động cơ diesel công suất 60.000 mã lực.

Phương án này tăng trọng lượng thêm 2.500 tấn so với phương án chỉ dùng động cơ turbin, nhưng có lợi thế tiết kiệm nhiên liệu. Tuy nhiên, loại động cơ diesel mới này sau đó bị phát hiện có lỗi thiết kế nghiêm trọng.

Trên tàu Yamato, động cơ sẽ được bọc trong lớp thép bảo vệ dày đến hơn 20 cm và việc sửa chữa nếu có sẽ cực kỳ tốn kém và mất thời gian.

Vì vậy, quyết định cuối cùng là chỉ sử dụng động cơ turbin hơi với tổng công suất 150.000 mã lực. Sự thay đổi này kéo dài thời gian hoàn thiện thiết kế từ giữa năm 1936 sang đầu năm 1937.

Nhưng ấn tượng hơn nữa là 3 tháp pháo khổng lồ, gồm tổng cộng 9 đại pháo cỡ 460 mm, lớn nhất trong Thế chiến thứ 2.

Mỗi tháp pháo nặng 2.500 tấn, mỗi viên đạn nặng 1.460 kg với tầm bắn hiệu quả 25 km, tầm bắn tối đa 42 km.

Tháp pháo phía sau của Yamato trong quá trình cân chỉnh
Tháp pháo phía sau của Yamato trong quá trình cân chỉnh

Chi phí khổng lồ

Những con số khổng lồ này khiến việc chế tạo con tàu trở nên rất tốn kém. Một con tàu chở hàng được hoán cải chỉ để dùng cho việc chuyên chở và lắp ráp các tháp pháo. Công tác bảo mật cũng được ưu tiên rất cao và càng làm tăng chi phí.

Các xưởng tàu dùng cho chương trình này tại Kure và Nagasaki được đều che chắn bởi một bức tường lớn làm bằng lưới.

Ngành đánh cá trong khu vực bị ảnh hưởng nặng vì nguyên vật liệu dùng cho việc sản xuất lưới đánh cá đều dùng cho việc xây dựng bức tường này. Tại Kure, người ta thậm chí còn san phẳng một ngọn đồi gần xưởng đóng tàu để ngăn chặn các hoạt động do thám.

Những giờ phút cuối cùng của Yamato trước khi bị đánh chìm
Những giờ phút cuối cùng của Yamato trước khi bị đánh chìm

Tất cả những yếu tố trên khiến Nhật phải tiêu tốn một nguồn lực khổng lồ sản xuất những siêu thiết giáp hạm này.

Chỉ có 3 chiếc được chế tạo, trong đó chiếc Shinano được hoán cải thành tàu sân bay, với chi phí mỗi chiếc khi đó lên đến khoảng 250 triệu Yên, để so sánh thì chi phí của một tàu sân bay chỉ từ 50 đến 60 triệu Yên.

Và mặc dù rất đắt đỏ, chúng lại đóng góp rất ít cho hải quân Nhật trong suốt cuộc chiến. Chiếc Yamato đóng vai trò kỳ hạm của Đô đốc Yamamoto trong trận chiến Midway tháng 6/1942 nhưng không thể làm gì để ngăn việc 4 tàu sân bay Nhật bị đánh chìm.

Yamato và Musashi tham gia trận chiến tại Vịnh Leyte tháng 10/1944, trong đó Musashi bị đánh chìm còn Yamato hư hỏng nặng.

Con tàu này bị đánh chìm ngày 7/4/1945 khi đang trên đường đến hỗ trợ lực lượng phòng thủ ở Okinawa. Còn chiếc Shinano cũng bị tàu ngầm Mỹ bắn chìm tháng 11/1944 khi đang chạy thử.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại