Các thiết bị nhìn đêm càng ngày càng phổ biến và hiện đại hơn, giúp ích rất nhiều cho người lính bộ binh trong tác chiến đêm. Tuy nhiên kỹ năng của người lính vẫn đóng vai trò quan trọng nhất. Chương trình huấn luyện chuyên biệt cho tác chiến đêm của bộ binh Mỹ giúp người lính có thể tận dụng tối đa hiệu quả của các thiết bị kỹ thuật. Chương trình này được xây dựng với tiêu chí sát với thực tế nhất có thể.
Mục tiêu di động
Một trong những yêu cầu quan trọng nhất và thách thức lớn nhất là mô phỏng các mục tiêu di động. Trong thực tế, tất nhiên đối phương không bao giờ đứng yên mà luôn di chuyển, ẩn nấp, tận dụng địa hình địa vật. Công nghệ robot được sử dụng để mô phỏng yếu tố này trong huấn luyện.
Quân đội Mỹ bắt đầu sử dụng robot làm mục tiêu mô phỏng từ 3 năm trước. Các robot khi đó dựa trên công nghệ xe Segway, xe 2 bánh tự cân bằng. Phần di chuyển bên dưới được bọc thép có thể chịu được đạn cỡ 5.56mm và 7.62mm.
Phần bên trên là một hình nhân có kích thước giống người thật. Những robot này có thể di chuyển với tốc độ và đường đi được lập trình trước để mô phỏng cách di chuyển của thường dân hay đối phương. Khi bị bắn trúng, hình nhân sẽ tự đổ xuống. Chúng cũng có thể được lập trình để di chuyển cùng nhau, khi robot đi đầu bị bắn trúng, nhưng robot còn lại sẽ tự động tản ra. Ngoài bộ định vị GPS, mỗi robot còn được trang bị một cảm biến quét laser để phát hiện và tự tránh chướng ngại vật.
Do những robot này chỉ có 2 bánh nên chúng chủ yếu được dùng cho huấn luyện tác chiến trong môi trường đô thị. Thế hệ mới vừa được đưa vào sử dụng sử dụng 4 bánh xe để có thể di chuyển trên nhiều địa hình phức tạp hơn. Pin của robot cho phép nó hoạt động trong khoảng 8 tiếng. Mỗi hình nhân cũng có thể chịu được vài trăm phát đạn trước khi phải được thay thế.
Bộ 3 thiết bị tác chiến đêm
Công nghệ kính nhìn đêm cho bộ binh hiện nay mặc dù đã rất phát triển, nhưng vẫn có hạn chế khi hình ảnh tạo ra không có độ sâu như nhìn bằng mắt thường, khiến người lính gặp khó khăn trong việc ước lượng khoảng cách thực tế tới mục tiêu, ảnh hưởng đến độ chính xác của hoả lực. Do đó, trong tác chiến, bộ binh Mỹ sẽ kết hợp kính nhìn đêm với 2 loại thiết bị nữa là đèn pin hồng ngoại và đèn chiếu laser.
Đèn chiếu laser về cơ bản tương tự như các loại bút laser dùng cho trình chiếu. Mắt thường chỉ có thấy được một chấm sáng, nhưng qua kính nhìn đêm, cả tia laser được thấy rõ như một vạch chỉ đường, cho phép người lính thấy hướng mũi súng mình. Còn đèn pin hồng ngoại phát ra ánh sáng ở dải quang phổ cận hồng ngoại, mà mắt thường không thấy được, nhưng lại thấy được qua kính nhìn đêm.
Theo đó, đèn pin sẽ được căn chỉnh sao cho vùng sáng của nó sẽ bao trùm 1 mục tiêu cao 1,8m, chiều cao của 1 người, ở khoảng cách 100m, là khoảng cách lý tưởng trong tác chiến đêm. Còn đèn laser được căn chỉnh để tia laser nằm ngay giữa vùng sáng đó.