Từ Vĩnh Yên đến Đường 9 - Nam Lào
18 giờ 33 phút ngày 13.7.1960, tại ga Vĩnh Yên, chiếc xe tăng T-34 mang số hiệu 114 dưới sự điều khiển của Trung sĩ Đào Văn Bàn đã rời toa tàu, lăn những vết xích đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam, đánh dấu một thời khắc trọng đại.
Đó là thời khắc bộ đội Tăng - Thiết giáp (TTG) Việt Nam chính thức tiếp nhận vũ khí trang bị để sẵn sàng lên đường chiến đấu.
Tuy nhiên, phải đến cuối năm 1970, Tiểu đoàn xe tăng 397 thuộc Trung đoàn 202 trang bị xe T-34 mới được đưa vào nam Quân khu 4 để chuẩn bị tham gia chiến dịch phản công “Đường 9- Nam Lào” cùng các Tiểu đoàn 297 (trang bị T-54/59) và 198 (trang bị PT-76).
Theo kế hoạch, Tiểu đoàn 397 có nhiệm vụ đón lõng ở bắc Sê Pôn để sẵn sàng đánh địch khi chúng đột nhập đến đây. Tuy nhiên, lực lượng xung kích của địch đã bị ta chặn đánh quyết liệt buộc phải dừng lại ở Bản Đông và sau đó quay đầu rút chạy.
Lúc này, Đại đội 3 của tiểu đoàn nhận lệnh phối thuộc thuộc cho Sư đoàn bộ binh 324 tiêu diệt Lữ đoàn Thủy quân lục chiến 147 đang bảo vệ mặt nam tại điểm cao 550 cách Bản Đông chừng 15 km về phía nam.
Mất 6 đêm hành quân theo đường quân sự làm gấp dưới hỏa lực ngăn chặn ác liệt của không quân địch, Đại đội đã đưa được 10/11 xe vượt hơn 100 km đến vị trí tập kết. 16 giờ ngày 22.3.1971, xe tăng bắt đầu xuất kích.
Phải vượt qua bãi bom B-52 mà địch vừa mới rải thảm xuống ngay trước đó, nên 18h30 đại đội mới tới được vị trí triển khai.
Lúc này trời bắt đầu tối, cây cối rậm rạp, quan sát hết sức khó khăn song toàn đại đội vẫn dũng mãnh xung phong, dẫn dắt bộ binh lên đánh chiếm từng phân khu của cứ điểm. Bọn địch thấy xe tăng bất ngờ xuất hiện nên nhanh chóng tan rã và bỏ chạy.
Đến 23h30, Lữ đoàn Thủy quân lục chiến 147 coi như bị xóa sổ, ta hoàn toàn làm chủ cứ điểm.
Lần đầu tiên xuất trận, những “Con báo châu Á” già nua đã lập công xuất sắc, Đại đội xe tăng 3 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì và được tuyên dương Anh hùng LLVTND ngày 23.9.1973.
Sau trận đánh này, trong Binh chủng TTG xuất hiện câu ca dao:
“Bà già đã lập được công
Thanh niên trai tráng chúng mình tính sao?”.
Câu ca dao rất giản dị song có tác dụng khích lệ tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ rất cao.
Những "Bà già K2" T-34 đã tham gia nhiều trận đánh và lập nên nhiều chiến công oanh liệt.
Từ Cánh Đồng Chum
Cánh Đồng Chum là một địa bàn có ý nghĩa chiến lược nên là nơi thường xuyên xảy ra tranh chấp giữa các bên ở Lào.
Mùa mưa năm 1971, sau thất bại của cuộc hành quân “Lam Sơn 719”, quan thầy Mỹ một mặt tăng cường ném bom ngăn chặn, một mặt hối thúc chính quyền tay sai tại Lào mở các cuộc hành quân lấn chiếm 2 địa bàn quan trọng là Cánh Đồng Chum và cao nguyên Bô-lô-ven.
Mục đích chính là làm bàn đạp tiến công hòng cắt đứt hệ thống đường tiếp vận của ta. Lực lượng tiến công Cánh Đồng Chum gồm 27 tiểu đoàn quân phái hữu của Lào và lính đánh thuê Thái Lan.
Về phía ta đã tích cực ngăn chặn và buộc địch phải chuyển vào phòng ngự ở trung tâm Cánh Đồng Chum.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho cách mạng Lào phát triển Bộ chỉ huy tối cao Quân giải phóng nhân dân Lào và Bộ Tư lệnh mặt trận 31 Quân tình nguyện Việt Nam quyết định mở chiến dịch “Z”. Ý đồ chính nhằm quét sạch quân địch ra khỏi địa bàn này.
Lực lượng sử dụng gồm các Sư đoàn BB 312, 316 được tăng cường các phân đội binh chủng, trong đó có Tiểu đoàn TTG 195. Lúc này Tiểu đoàn 195 thuộc Trung đoàn 202, có 2 đại đội 9 và 18, trang bị 18 xe T-34, 3 xe PT-76 và 4 xe thiết giáp K-63.
Rạng sáng ngày 18.12.1971 chiến dịch “Z” bắt đầu. Theo đúng kế hoạch, các phân đội xe tăng đã khắc phục mọi khó khăn về đường cơ động cũng như kỹ thuật để tham gia đánh địch.
Trên cả hai hướng, xe tăng đã dẫn dắt, chi viện bộ binh tiêu diệt từng cụm địch, làm chủ hết cứ điểm này sang cứ điểm khác.
Đặc biệt, trận đánh vào trung tâm Cánh Đồng Chum tối ngày 19.12, Đại đội 18 sau khi vượt ngầm Na Nu đã cho toàn bộ xe trong đại đội bật đèn pha xung phong vừa để quan sát mục tiêu, vừa uy hiếp quân địch.
Đến 18 giờ ngày 20.12.1971, quân địch trên toàn mặt trận đã bị tổn thất nặng nề, quân ta cơ bản làm chủ Cánh Đồng Chum. Trận này, TTG, đặc biệt là các xe tăng T-34 lại lập công xuất sắc.
Không chỉ như vậy, trong đợt 2 của chiến dịch, do dốc cao, đường trơn, lực bám của xích kém, các “lão bà” không thể vượt dốc cao 1.800 mét đột nhập vào “thánh địa” Sảm Thông - Long Chẹng được.
Tiểu đoàn 195 đã thiết lập trận địa bắn trực tiếp cho 3 xe T-34 tại Sa Nốc để chi viện cho bộ binh tiến công địch ở các điểm cao 1476, 1468.
Với 55 phát đạn pháo 85 mm trúng đích, các xe tăng T-34 đã phá hủy nhiều công sự, trận địa của địch, tạo điều kiện cho bộ binh xóa sổ sào huyệt “bất khả xâm phạm” của tướng phỉ Vàng Pao.
Về Quảng Trị
Tại Quảng Trị, lực lượng xe tăng tham gia cuộc Tổng tiến công năm 1972 gồm 2 trung đoàn 202 và 203, song số lượng “Con báo châu Á” không nhiều, chỉ có chưa đày 10 xe được biên chế vào Đại đội 7, Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 203.
Đơn vị chỉ tham gia chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng từ tháng 6.1972 với nhiệm vụ ngăn chặn địch lấn chiếm khu vực La Vang, Thượng Nguyên, lập trận địa bắn ở Như Lệ... nhằm chi viện cho Thành Cổ.
Trong đó nổi bật là trận đánh ngày 17.8.1972, chỉ 1 xe T-34 số 164 đã đánh tan 1 đại đội địch ở La Vang, diệt 37 tên.
Để chuẩn bị lực lượng cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, ngày 17.9.1974, Lữ đoàn xe tăng 203 rút Tiểu đoàn 1 từ Cửa Việt về tập trung huấn luyện.
Đồng thời điều Đại đội 7 của Tiểu đoàn 3 trang bị 6 xe T-34 tăng cường cho tỉnh đội Quảng Trị phòng ngự Cảng Cửa Việt.
Chiều ngày 19.3.1975, phát hiện thấy địch có dấu hiệu rút chạy, Đại đội xe tăng 7 chủ động đề nghị cấp trên cho đi chi viện bộ đội địa phương Quảng Trị đánh địch. Được cấp trên đồng ý, Đại đội bí mật cơ động vào tập kết ở Phương Lang Đông.
Ngày 23.3, Đại đội đã phối hợp với Tiểu đoàn bộ binh 3 của Quảng Trị đánh tan Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến 8 và giải phóng quận lỵ Mai Lĩnh, bắn cháy 2 xe tăng và diệt nhiều tên địch.
Trong các ngày 24 và 25.3, Đại đội 7 tiếp tục cùng bộ binh tiến công quận lỵ Hướng Điền và truy kích địch đến Bắc Thuận An, góp phần giải phóng tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 25.3.1975.
Đến lúc này, cả đại đội chỉ còn 1 xe duy nhất. Đây cũng là trận đánh cuối cùng của các “Bà già K2- Con báo châu Á” tại chiến trường Việt Nam.
Thế mới biết, trang bị vũ khí dù có lạc hậu, cũ kỹ song nếu được trao vào tay những con người có ý chí quyết tâm cao và biết sử dụng một cách thông minh sáng tạo vẫn có thể làm nên những chiến thắng oanh liệt.