Theo kịch bản của buổi thao diễn, các tổ lái xe tăng thi đấu ở Alabino trải qua các tiết mục đua tốc độ, bắn mục tiêu và vượt chướng ngại vật để các thành viên tổ lái phô diễn hết tài năng điều khiển xe tăng.
Tổ lái tăng T-72 nâng cấp đã hoàn thành xuất sắc bài tập từ đua tốc độ đến bắn mục tiêu và vượt hào nước chống tăng dễ dàng với chiếc tăng nặng 42 tấn này trong điều kiện thời tiết không thuận lợi với băng tuyết trên trường bắn còn nhiều, mặt đất sình lầy.
Trong khi đó, tổ lái chiếc tăng T-80 vào phút cuối đã không thể vượt qua được hào nước và bị chết máy đúng lúc lên dốc và phải nhờ xe tăng cứu hộ đến kéo lên. Như vậy tổ lái tăng T-80 không hoàn thành bài tập theo đúng thời gian quy định.
Việc T-80 bất ngờ chết máy khi cố vượt hào nước được một số chuyên gia lý giải có liên quan đến vấn đề động cơ turbine khí của dòng tăng này.
Cụ thể, động cơ turbine khí về cơ bản là giống động cơ của các máy bay phản lực. Điểm khác là luồng phản lực được chuyển thành chuyển động quay thông qua một turbine.
So với các động cơ đốt trong chạy bằng xăng hay diesel, động cơ turbine có cung cấp công suất cao hơn, trong khi lại nhỏ gọn hơn. Đó là lí do vì sao nó thường được trang bị cho trực thăng hoặc tàu quân sự.
Tuy vậy, loại động cơ này có mức độ tiêu thụ nhiên liệu rất cao. Ngoài ra, nó cũng hút một lượng khí rất lớn trong quá trình hoạt động, do đó dễ bị hư hỏng hơn do bụi.
Trong quá trình phát triển T-80, các nguyên mẫu động cơ turbine có mức tiêu thụ nhiên liệu cao gấp từ 1,6 đến 1,8 lần của T-64, trong khi tuổi thọ và độ tin cậy thấp hơn.
Vì vậy đến tháng 11/1975, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Liên Xô lúc đó, nguyên soái Andrei Grechko, quyết định không sử dụng loại động cơ này cho T-80.
Tuy nhiên Grechko qua đời năm 1976 và người lên thay, Dmitriy Ustinov, lại là người ủng hộ ý tưởng sử dụng đại trà động cơ turbine cho các phương tiện quân sự. Do đó T-80 cuối cùng vẫn sử dụng động cơ turbine thay vì diesel.
Điều này khiến cho cả chi phí mua mới và chí phí vận hành của T-80 bị đội lên so với đối thủ. Ước tính giá thành của động cơ T-80 khi đó lên đến 104.000 rúp, trong khi động cơ của T-72 chỉ có 9.600 rúp.
Chỉ đến sau khi Ustinov qua đời thì phiên bản T-80 sử dụng động cơ diesel mới được đưa vào sản xuất. Tuy nhiên sự thay đổi này đến quá trễ khi Liên Xô sụp đổ chỉ vài năm sau đó.
Đa số T-80 phiên bản diesel vẫn còn nằm tại Ukraine vào thời điểm đó, và được nước này phát triển thành xe tăng T-84 Oplot này nay.
Và đây có thể chính là nguyên nhân khiến T-80 không còn được quân đội Nga mua mới từ sau năm 1995. Thay vào đó, họ chọn T-90 là xe tăng chính của mình.
Xe tăng T-72 đua tài với T-80