Vừa qua, trang mạng livefistdefence (Ấn Độ) đã đăng tải loạt ảnh về trực thăng Mi-26 của Không quân Ấn Độ lần đầu hạ cánh xuống thị trấn Kedarnath, thuộc bang Uttarakhand ở miền Bắc nước này, nơi có đường biên giới với Tây Tạng, Trung Quốc.
Việc Ấn Độ đưa trực thăng Mi-26 tới khu vực này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi hiện tại, khu vực này - nơi Quân đoàn sơn cước của Ấn Độ đang đi vào giai đoạn hoàn thiện lực lượng - đã được tăng thêm phương tiện vận tải chiến lược chiếm ưu thế trước Trung Quốc.
Hồi tháng 8/2013, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã quyết định thành lập Quân đoàn sơn cước đầu tiên.
Tạp chí The Diplomat cho biết, quân đoàn Ấn Độ quyết định thành lập mang tên Quân đoàn Tấn công miền núi, với quân số từ 40.000 - 50.000 người sẽ được triển khai dọc giới tuyến với Trung Quốc chậm nhất vào cuối năm 2016.
Quân đoàn sẽ được trang bị xe tăng, pháo hạng nhẹ, trực thăng vũ trang và được yểm trợ bởi chiến đấu cơ Su-30 cùng các máy bay vận tải C-17, C-130J của Không quân.
Theo kế hoạch, tiến trình thành lập quân đoàn này sẽ mất hơn 7 năm và tốn khoảng 640 tỷ rupee, gần bằng một nửa ngân sách quốc phòng của năm tài chính 2013-2014.
Một quan chức cấp cao Ấn Độ cho biết, một khi đi vào hoạt động đầy đủ, quân đoàn sơn cước sẽ tăng khả năng chiến đấu dọc ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) giáp Trung Quốc và có khả năng ngăn chặn bất cứ cuộc “phiêu lưu quân sự” nào của Trung Quốc.
Nguồn tin trên cho biết thêm, lực lượng mới sẽ đặt trụ sở tại Panagarh, bang Tây Bengal, với các binh sĩ được huấn luyện chuyên về chiến tranh trên địa hình núi non.
Hiện nay, lực lượng vận tải chiến lược của Ấn Độ có cả máy bay vận tải C-130J Super Hercules, C-17 Globemaster của Mỹ và IL-76 của Nga.
Với phi đội máy bay vận tải khủng, Ấn Độ có thể nhanh chóng bốc các sư đoàn hạng nặng với đầy đủ vũ khí, trang bị lên biên giới trong vòng vài giờ. Đây chính là lợi thế lớn của quân đội Ấn Độ, so với quân đội Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ.
Trong khi đó, Trung Quốc chỉ có số lượng ít các máy bay vận tải IL-76 đã cũ của Nga, năng lực vận chuyển có hạn. Đại bộ phận các hoạt động di chuyển vũ khí, trang bị hạng nặng của họ lên biên giới Trung - Ấn đều phải thông qua tuyến vận tải đường sắt xuyên Tây Tạng, mất rất nhiều thời gian so với người Ấn. Trong bài: Máy bay C-130J hạ cánh xuống sân bay chiến lược của Ấn Độ giáp với Trung Quốc.