Delta được các nhà khoa học Nga nghiên cứu và phát triển từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Trải qua quá trình phục vụ trong các hạm đội của Liên bang Xô Viết và Nga, nó đã được nâng cấp và cải tiến khá nhiều về động cơ, lò phản ứng hạt nhân và cả vũ trang.
Delta bao gồm 4 phiên bản, phiên bản Delta I được cả thế giới biết đến vào năm 1973. Sự ra đời của Delta dường như là một kế hoạch bí mật mà hầu như ít được giới quân sự biết đến, ẩn chứa những toan tính riêng của các nhà lãnh đạo Liên bang Xô Viết.
Ngay từ khi được biên chế vào Hạm đội Phương Bắc, nó đã minh chứng được những khả năng mà không một tàu ngầm hạt nhân tấn công nào của phía NATO và Mỹ có thể có được như khả năng mang được tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) R-29 với tầm bắn xa 7.700km; lò phản ứng hạt nhân có thể cung cấp năng lượng liên tục cho Delta I trong 9 năm mà không cần tiếp nhiên liệu…
Những điều này đã làm cho Delta I chiếm vị trí số một trong thế giới tàu ngầm hạt nhân. Delta I đã khiến cho cả thế giới nể sợ Liên bang Xô Viết, đặc biệt là Hoa Kỳ, bởi người Mỹ chưa bao giờ chịu thua ai trên mọi lĩnh vực. Sau khi người Mỹ biết đến sự tồn tại của Delta I, hàng loạt các tàu ngầm hạt nhân tấn công đã ra đời tạo nên 1 cuộc chạy đua tàu ngầm hạt nhân giữa 2 siêu cường trong thời kỳ chiến tranh lạnh.
Delta I là tên của NATO định danh cho lớp tàu này, nó được biết đến với cái tên Projeckt 667B “Murena”. Murena là một loại cá chính sống ở vùng biển Địa Trung Hải, có những cái gai độc chết người, cùng những chiếc răng sắc nhọn có độc, sẵn sàng kết liễu mọi kẻ liều lĩnh đối đầu với nó. Delta I như một con cá chình hung hãn, sẵn sàng tấn công tiêu diệt mọi kẻ địch dám đối đầu với nó.
Trong suốt một thời gian dài, Delta I được goi như thần biển Poseidon của người Nga, nhưng không lâu sau, nó đã để lộ những sơ hở chết người và đó là lý do người Nga muốn nó trở nên bất khả chiến bại với một loạt các phiên bản nâng cấp của lớp tàu ngầm hạt nhân tấn công này.
Tiếp sau sự thành công của Delta I các phiên bản nâng cấp Delta II (1978), Delta III (1982) và Delta IV (1986) lần lượt với cái tên Projeckt 667BN “Murena-M”, Projeckt 667BRD “Kalmar” và Projeckt 667BRDM “Delfin”. Cùng với đó là sự ra đời của một loạt các biến thể ICBM được trang bị cho lớp tàu này như R-29(được NATO định danh là SS-N-8 “Sawfly”), R-29D, R-29R(SS-N-18 “Stingray”) và R-29RM(SS-N-22 “Skiff”).
Thiết kế ban đầu của Delta I có thể mang được 12 tên tửa, cơ cấu phóng thẳng đứng từ các hầm chứa trên tàu với các đầu nổ thường hoặc đầu đạn hạt nhân 200kiloton. Các phiên bản Delta III và Delta IV được nâng cấp và cải tiến với khả năng mang được đến 16 tên lửa R-29RM với đầu nổ thường hoặc đầu đầu đạn hạt nhân 300kiloton.
Delta I
Sự ra đời của Delta I xuất phát từ sự phát triển mạnh mẽ từ phía các đồng minh của Hoa Kỳ như Anh, Pháp và Tây Đức với các lớp tàu chiến mới có khả năng đe dọa quyền lợi của Liên bang Xô Viết. Bên cạnh đó là một số vụ xâm nhập của các tàu ngầm của người Mỹ. Các lãnh đạo Liên bang Xô Viết đã đề ra nhiều biện pháp nhằm cải thiện tình hình và giải pháp được đưa ra lúc bấy giờ là tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Delta.
Ngay từ khi nghiên cứu, các nhà quân sự, kỹ sư và khoa học đã đề xuất trang bị những hệ thống bậc nhất cho lớp tàu ngầm hạt nhân tấn công này như thiết bị Sonar tầm xa mới có khả năng phát hiện các tàu của kẻ thù trong phạm vi 200 km. Ngoài ra, các nhà khoa học Nga đã phát triển công nghệ định vị kiểm soát sóng âm tương tự từ phía NATO nhưng có chức năng và độ nhạy bén gấp đôi so với hệ thống Sonar SOSUS. Cùng với đó là cải tiến độ chính xác của các ICBM nhờ những thiết bị mới nhất của họ là hệ thống định vị Tobol-M và hệ thống dịnh vị vệ tinh Cyclone-B. Chính những điều này đã biến Delta I trông như một kẻ gác biển từ ngoài khơi của Liên bang Xô Viết.
Thế nhưng, với bản tính không bao giờ chịu thua ai của người Mỹ, 3 năm sau, họ đã cho ra đời tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Ohio với những tính năng không hề kém Delta I. Có thể nói rằng Delta I là lớp tàu đầu tiên có khả năng bắn tên lửa thường hoặc ICBM từ độ sâu 100m dưới mặt nước, một trong những điều mà ngay cả các tàu ngầm hạt nhân tấn công của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa còn chưa làm được, kể cả lớp tàu Han và lớp Shang của họ.
Từ khi Delta I ra đời, đã có rất nhiều câu chuyện xung quanh lớp tàu ngầm hạt nhân này. Đáng chú ý là vào ngày 22 tháng 12 năm 1972, chiếc Delta I đầu tiên đã được biên chế trong Hạm đội Sao Đỏ (tiền thân của Hạm đội phương Bắc) ngày nay với cái tên K-279. Thế nhưng, 1 năm sau người Mỹ và cả thế giới mới biết đến sự hiện diện của Delta I.
Có rất nhiều tài liệu được ghi chép lại rằng, dự án Delta I được khá ít người biết đến, trừ một vài tướng lĩnh cao cấp, hội đồng bộ trưởng nhà nước và một số lãnh đạo. Đây được coi như là một trong những thất bại của người Mỹ trong lĩnh vực tình báo quân sự và cũng là minh chứng cho hoạt động tình báo yếu kém của Hoa Kỳ và NATO trong thập nên 70.
K-279 cũng từng gặp sự cố. Năm 1978, nó từng gặp một tai nạn ở rìa Bắc Cực, khi đang làm nhiệm vụ theo dõi và quan sát một số tàu của NATO. K-279 đột ngột mất áp suất trong khoang, chiếc tàu bỗng nhiên chìm dần mà không kiểm soát. Rất may sau một tiếng đồng hồ vật lộn với hệ thống máy, K-279 đã lấy lại được ổn đinh, nguyên nhân ban đầu là do sự cố từ buồng mày. Đây cũng là một trong những yếu điểm đầu tiên của Delta I bộc lộ ra ngoài. Về sau, các lớp Delta II, Delta III và Delta IV được nâng cấp khá nhiều về hệ thống máy móc và thiết bị thủy lực của tàu.
Tuy nhiên, K-279 lập được khá nhiều chiến tích, điển hình là vào năm 1980, nhờ hệ thống Sonar mạnh mẽ, nó đã phát hiện được tàu USS Augusta của Hải quân Hoa Kỳ từ khoảng cách 80 hải lý, khiến giới quân sự Mỹ không thể tin vào mắt của mình, bởi các tàu của họ chỉ có thể phát hiện đối phương trong phạm vị 50 hải lý trở lại mà thôi. Nhờ đó, K-279 đã ngăn chặn được chiếc tàu ngầm này khi nó đang cố gắng xâm nhập vùng biển quốc gia.
K-279 được “nghỉ hưu” vào năm 1992, và sau đó nó được tháo dỡ hoàn toàn tại Zvezdochka.
Delta IV
Delta IV là phiên bản cái tiến, nâng cấp cuối cùng của tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Delta nổi danh trong giới hải quân. Vì thế, đương nhiên là nó sở hữu khá nhiều thiết bị hiện đại như lò phản ứng VM-4 với khả năng hoạt động liên tục trong 15 năm mà không cần nạp nhiên liệu.
Sau sự cố với K-84( một chiếc thuộc lớp Delta III) bị cháy khoang chứa lò phản ứng hạt nhân, Delta IV đã được gia cố toàn bộ khoang chứa lò phản ứng hạt nhân với các thiết bị chống cháy và hệ thống kiểm soát nhiệt độ. Nó còn được trang bị lớp vỏ dày gấp đôi so với Delta III với lớp ngói có khả năng hấp thụ sóng sonar.
Delta IV được đánh giá là phiên bản nâng cấp tổng hợp giữa 2 loại là Delta III và Typhoon. Với động cơ GT3A-365 cùng hệ thống vũ khí mới với tên lửa R-29RMU “Sineva” có khả năng mang được cả đầu đạn MRV với 4 đầu đạn tầm bắn thuộc vào hàng cực xa 11.500 km.
Delta phục vụ trong hải quân Liên bang Xô Viết và Hải quân Nga từ 1972 cho đến nay. Hiện nay chỉ còn lại 4 chiếc thuộc lớp Delta III và 6 chiếc Delta IV còn hoạt động. Quân số Delta chỉ còn lại 10 chiếc, cùng sát cánh với nó là các tàu thuộc lớp Typhoon, Borei, và Oscar II. Tuy nhiên, nó vẫn thể hiện là một trong những tàu ngầm hạt nhân tấn công hiện đại bậc nhất trên thế giới hiện nay với những khả năng vượt trội của mình.