Hãng tin Sputnik (Nga) đăng bài viết cho hay:
Trong bối cảnh vừa phải chống chọi sự "bành trướng" của NATO ở Đông Âu, vừa phải giám sát chặt chẽ lợi ích quốc gia ở Trung Đông, Nga cũng đang củng cố sự hiện diện quân sự của mình tại khu vực Thái Bình Dương.
Đây là nơi có những lợi ích địa chính trị của Moscow và Bắc Kinh chồng chéo.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, đối với Nga và Trung Quốc, chính sách xoay trục sang Đông Á và châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ tạo ra một thách thức nghiêm trọng.
Trong lúc này, Moscow và Bắc Kinh lại đang có những tranh chấp lãnh hải đối với Tokyo và cả 2 quốc gia đều xem việc cân bằng sức mạnh ở bán đảo Triều Tiên như một sự đảm bảo cho ổn định trong khu vực.
Cho tới nay, Moscow đã tiến hành nâng cấp và hiện đại hóa các đơn vị thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, tổ chức tập trận hải quân chung thường xuyên với Trung Quốc trong 5 năm trở lại đây.
Thêm vào đó, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga còn tham gia các hoạt động chống cướp biển đa quốc gia ngoài khơi vùng đông bắc châu Phi và mở rộng các hoạt động ở Bắc Cực.
Tàu đổ bộ lớp Dyugon
Theo các nhà phân tích quân sự, trong 2 năm qua, Hạm đội Thái Bình Dương đã tiếp nhận các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Borei, tàu đổ bộ lớp Dyugon.
Hạm đội lớn thứ 2 của Hải quân Nga còn được bổ sung các tàu hộ tống lớp Steregushchy và tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Yasen, trong khuôn khổ chương trình tái trang bị hải quân kéo dài 20 năm.
Đáng nói là, tới năm 2020, Nga dự kiến sẽ đưa 8 tàu ngầm hạt nhân lớp Borei vào hoạt động, trong khi các tàu ngầm hạt nhân “Vladimir Monomakh" và "Alexander Nevskiy” sẽ gia nhập lực lượng hải quân của Nga hoạt động tại Viễn Đông trong năm nay.
Mỗi tàu ngầm lớp Borei có thể mang tới 16 tên lửa đạn đạo Bulava.
Tên lửa này được cho là có khả năng vượt qua các hệ thống phòng thủ của Mỹ, biến Hạm đội Thái Bình Dương thành một “lá chắn” hiệu quả của Nga ở Viễn Đông và củng cố khả năng tấn công trả đũa của nước này.
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Bulava.
Năm 2014, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu từng tuyên bố một kế hoạch tham vọng để mở rộng sự hiện diện hải quân của Nga ngoài khu vực, thiết lập cho Nga quyền lui tới các cảng nước ngoài.
Đáng chú ý là, trong chuyến thăm tới Mỹ Latinh vào tháng 2/2015, ông Shoigu đã ký một số thỏa thuận quan trọng nhằm củng cố hợp tác quân sự giữa Nga và Venezuela, Cuba, Nicaragua. Trong đó có những thỏa thuận cho phép tàu chiến Nga cập cảng của các nước này.
Theo các chuyên gia, những chuyến thăm hải quân của Nga tới các cảng nước ngoài đã tăng lên đáng kể trong 3 năm qua, bao gồm các cảng ở Việt Nam, Seychelles và Singapore.
Các chuyên gia nhận định, quá trình từng bước mở rộng năng lực hải quân của Nga cho thấy quốc gia này đang có ý định giành lại vị thế toàn cầu với tư cách một lực lượng hải quân có tầm ảnh hưởng lớn.
Nó đánh dấu sự trở lại vị thế địa chính trị vốn có của Nga với sự hỗ trợ của một quân đội mạnh mẽ.