Tham vọng Liêu Ninh bành trướng Biển Đông: 15 người bỏ mạng

Tàu sân bay Liêu Ninh được coi như một "nấc thang mới" của hải quân Trung Quốc để tạo thanh thế của mình trên biển Đông. Đằng sau con tàu được coi là số một ấy, người dân Trung Quốc đã phải chịu sự hi sinh và mất mát để đánh đổi từ con tàu hỏng thành một "ngôi sao trên biển".

Tàu sân bay Liêu Ninh, thuộc lớp Varyag được Ukraine thi công từ những năm 80 thế kỷ trước. Được Trung Quốc mua lại năm 1998, khi đó chiếc Liêu Ninh là một “xác rỗng” đúng nghĩa. Dự án bị bỏ giữa chừng năm 1992 khi mới hoàn thành xong phần vỏ. Từ con tàu hoen gỉ và không đèn điện, hải quân Trung Quốc đã bắt đầu tham gia vào cải tạo con tàu này trở thành tàu sân bay với hi vọng đây sẽ trở thành thế mạnh quân sự của hải quân Trung Quốc trong tương lai.

Không những cử chuyên gia đi học về kỹ thuật đóng tàu ở Nga, cũng như các nước phát triển khác. Trung Quốc đã làm tất cả những gì có thể để định hình được "con hổ dưới biển" này. Tuy nhiên, một bí mất mà không được công khai trong dư luận chính là sự ra đi của 15 sinh mạng trong quá trình làm việc sửa chữa con tàu.

Tàu Liêu Ninh ngày mới đưa về từ Ukraina
Tàu Liêu Ninh ngày mới đưa về từ Ukraina

Báo NLĐ dẫn nguồn tin từ tờ Thanh niên nhật báo của Trung Quốc, tiến độ làm việc quá khắc nghiệt đã khiến 1 nhà thiết kế tàu sân bay và 14 công nhân khác tử vong trong quá trình tân trang tàu sân bay Liêu Ninh.

Nếu là Mỹ, thời gian thông thường để đóng một tàu sân bay là 3 – 5 năm, nhưng Trung Quốc định hoàn tất trong khoảng 30 tháng, theo Want China Times. Tuy nhiên, do những tháng mùa đông quá giá rét ở Đại Liên – nơi đặt con tàu - khiến công nhân không thể làm việc. Vì vậy, thay vì giãn tiến độ, họ buộc phải tăng tốc.

Bài báo dẫn lời kỹ sư cấp cao Wang Zhiguo, thuộc Viện 701 của Công ty Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc, nhớ lại: “Không khí cực kỳ căng thẳng. Chúng tôi phải làm việc và chiến đấu cùng một lúc”. Kỹ sư Wang nói con tàu không thể hoàn thành sớm như thế nếu không có sự hy sinh của những người đã ra đi. “Mỗi khi nghĩ đến họ, tôi cảm thấy buồn, tưởng như họ còn đang ở quanh tôi” – ông nói.

Trong số 15 người quá cố, chỉ có một trường hợp được thông tin rộng rãi. Đó là ông La Dương, tổng giám đốc Công ty Chiến đấu cơ Thẩm Dương và là người đã thiết kế chiến đấu cơ J-15 trở thành máy bay đầu tiên cất cánh được từ tàu Liêu Ninh. Ông qua đời vì đau tim ở tuổi 51 vào tháng 11 năm ngoái, không lâu sau khi ông chứng kiến cuộc diễn tập cất cánh trên.  Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) thông báo cái chết của ông La trong tin đầu tiên vào buổi chiều 25/11, một hình thức tôn vinh trang trọng. Chính phủ Trung Quốc gọi ông là một "anh hùng".

Trong số 15 người thiệt mạng, chỉ có ông La Dương được báo tin rộng rãi
Trong số 15 người thiệt mạng, chỉ có ông La Dương được báo tin rộng rãi

Có nhiều ý kiến ủng hộ tiến độ đóng tàu Liêu Ninh và cho rằng phải chấp nhận mất mát để “tiếp tục giấc mơ Trung Quốc”. Song, không ít cư dân mạng tỏ ra bất mãn. Họ cho rằng các quan chức hải quân muốn tâng công và làm vừa lòng cấp trên mà không quan tâm đến tính mạng công nhân.

Quân đội Trung Quốc tự hào về Liêu Ninh bao nhiêu thì thế giới lại chê Liêu Ninh bấy nhiêu. Nga và Mỹ đều cho rằng con tàu chắp vá Liêu Ninh chỉ là "con hổ giấy", "lá bài gió" điều này cũng khiến chính cư dân Trung Quốc tỏ ra không hài lòng vì sự đánh đổi này với gia đình những nạn nhân phải thiệt mạng là quá lớn.

Một cư dân mạng viết trên Yahoo!News: “Tàu sân bay kiểu thế chỉ là công cụ để khoe khoang về sức mạnh quân đội của chúng ta thôi. Nếu chiến đấu với các máy bay Mỹ trong thực tế thì nó sẽ chìm trước khi nhận mặt được kẻ thù”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại