Tên lửa diệt hạm khiến nhiều quốc gia "thèm khát"
Tạp chí quốc phòng IHS Jane's dẫn một số nguồn tin cho biết, tên lửa chống hạm NSM (Naval Strike Missile) và tên lửa phòng không VL MICA có thể sẽ được lựa chọn trang bị cho các khinh hạm Gowind của Hải quân Hoàng gia Malaysia.
Malaysia lựa chọn NSM ngoài lý do muốn đa dạng hóa nguồn cung vũ khí thì còn một nguyên nhân khác, mang tính chất quyết định đó là họ cho rằng loại tên lửa đối hạm này của Na Uy có nhiều tính năng ưu việt hơn hẳn Exocet Block 3 của Pháp.
Trước đó, tên lửa NSM cũng đã thử nghiệm thành công trên tàu chiến ven bờ USS Coronado (LCS-4) của Hải quân Mỹ và rất có thể trong tương lai sẽ trở thành vũ khí tấn công chủ lực của lớp chiến hạm này.
Vậy vì sao tên lửa Naval Strike Missile lại "mê hoặc" được nhiều quốc gia đến vậy.
Tính năng ưu việt của tên lửa NSM
Tên lửa NSM do Kongsberg Defence & Aerospace, Na Uy phát triển, hiện là tên lửa chống hạm tấn công chính xác thế hệ 5 duy nhất trên thế giới.
NSM có chiều dài 3,96 mét, bay bám biển ở tốc độ cận âm, mang theo đầu đạn HE nặng 125 kg, trọng lượng chiến đấu 410 kg, tầm bắn tối đa 185 km.
NSM được trang bị công nghệ dẫn hướng rất hiện đại, giai đoạn đầu là chế độ bay quán tính có tham chiếu GPS, giai đoạn cuối tên lửa khóa mục tiêu bằng đầu dò hồng ngoại và camera chuyên dụng, cho phép phân biệt các mục tiêu trong môi trường lộn xộn.
Tên lửa có thể tự động bỏ qua các mục tiêu dân sự như tàu cá, tàu hàng... để lựa chọn một chiến hạm của đối phương và tấn công phá hủy chúng.
Bên cạnh tầm bắn xa, độ chính xác cao và uy lực lớn, điểm đặc biệt nhất của NSM khiến nó vượt trội tất cả những tên lửa đối hạm hiện nay đó là có khả năng tàng hình cực cao.
Như đã biết, tên lửa hành trình đối hạm cận âm vẫn được các quốc gia thuộc khối NATO ưu tiên phát triển vì cho rằng có nhiều ưu điểm hơn hẳn các loại tên lửa siêu âm như Moskit hay Yakhont của Nga.
Tốc độ cận âm cho phép chúng duy trì quỹ đạo bay thấp trong gần như suốt hành trình, thay vì phải dùng chế độ cao-thấp để đạt tầm bắn tối đa như tên lửa siêu âm.
Ngoài ra, tốc độ vừa phải cũng giúp tên lửa cận âm thực hiện được những thao tác vận động phức tạp thay vì một đường bay gần như thẳng tắp của tên lửa siêu âm.
Theo các thông tin được công bố, một tên lửa cận âm như Uran hay Exocet chỉ có thể bị phát hiện từ cự ly 15 km so với trên 30 km của tên lửa siêu âm như Moskit, nhưng đối với NSM, khoảng cách này còn thấp hơn rất nhiều.
Điểm độc đáo nhất của NSM đó là loại tên lửa này được trang bị lớp "vỏ nhựa" làm từ vật liệu composite có độ bền cao.
Lớp vỏ đặc biệt này giúp NSM gần như vô hình tuyệt đối trước radar của đối phương, cả loại sử dụng sóng dài lẫn sóng ngắn. Bên cạnh đó vật liệu composite còn có độ bộc lộ hồng ngoại cực thấp, giúp vô hiệu hóa cả những khí tài trinh sát ảnh nhiệt.
Hiện tại gần như chưa có phương tiện trinh sát hay cảnh giới nào đủ nhạy để có thể dẫn đường các loại vũ khí tấn công chính xác tiêu diệt tên lửa NSM.
Để chống lại nó, chiến hạm gần như chỉ có một phương thức phòng thủ duy nhất đó là dựa vào các khí tài quang học vốn có tầm hoạt động ngắn và độ tin cậy còn nhiều hạn chế.
Thực tế chiến trường cho thấy những chiến hạm như USS Stask của Mỹ hay INS Harnit của Israel cho tới khi bị trúng tên lửa Exocet và C-802, hệ thống phòng thủ của tàu đều không đưa ra được bất kỳ một phản ứng nào.
Trong khi đó, những loại tên lửa trên có diện tích phản xạ radar và độ bộc lộ hồng ngoại còn lớn hơn NSM rất nhiều, do vậy thật khó tin rằng các hệ thống phòng thủ của chiến hạm hiện nay đủ khả năng chặn được NSM.
Có thể nói, sự ra đời của tên lửa Naval Strike Missile đã thay đổi hoàn toàn "luật chơi" trong hải chiến.
Sau mìn chống bộ binh, trong tương lai rất có thể cả tên lửa đối hạm cũng sẽ được trang bị lớp "vỏ nhựa" tương tự như NSM để tăng khả năng tàng hình trước các phương tiện trinh sát của đối phương.