Theo đó, vào ngày 3/6 vừa qua, tên lửa đẩy Trường Chinh 2F cải tiến cùng tàu vũ trụ đã được đưa đến vị trí phóng với sứ mệnh đưa tàu Thần Châu 10 mang theo ba phi hành gia bay vào không gian trong tháng 6 để kết nối với mô-đun trên quỹ đạo đầu tiên của họ là Thiên Cung 1.
Truyền thông TQ đưa tin, tàu Thần Châu 10 dự kiến sẽ rời bệ phóng tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc (ở vùng sa mạc Gobi thuộc tây bắc Trung Quốc) vào giữa tháng 6 này.
Hiện tàu Thần Châu 10 đã đã bước vào giai đoạn chuẩn bị cuối cùng, còn tên lửa đẩy Trường Chinh-2F cải tiến thì đã sẵn sàng và được chuyển vào bệ phóng.
Đây được xem là một sự kiện quan trọng mở ra trang mới trong kỉ nguyên chinh phục vũ trụ của TQ.
Hình ảnh tên lửa đẩy Trường Chinh 2F cải tiến cùng tàu vũ trụ được đưa đến vị trí phóng.
Được biết một phần trong kế hoạch đưa người vào vũ trụ lần này của TQ là các phi hành gia sẽ có một buổi dạy học cho các sinh viên trên mặt đất thông qua video trực tuyến và thực hiện các thí nghiệm khoa học trong không gian.
Trung Quốc hiện có tham vọng lớn trong chương trình không gian của mình nhằm đuổi kịp Mỹ và Nga. Theo tuyên bố của Bắc Kinh thì đến năm 2020, nước này sẽ đưa người đặt chân lên mặt trăng và xây dựng một trạm vũ trụ riêng trên quỹ đạo.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục đạt được những bước tiến lớn để cụ thể hóa tham vọng không gian trên. Với chuyến bay này, Trung Quốc trở thành một trong ba nước (cùng với Mỹ, Nga) có khả năng tự đưa người vào vũ trụ và thực hiện việc đi bộ ngoài khoảng không vũ trụ.
Những thành công trên đã chứng tỏ Trung Quốc hoàn toàn nắm được công nghệ lắp ghép trên quỹ đạo để có thể thực hiện những chuyến bay vận chuyển người và hàng hóa trong không gian. Đồng thời biến tham vọng xây dựng một trạm vũ trụ riêng cho mình vào năm 2020 hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.
Ngoài ra, trong hai năm 2007 và 2010, Trung Quốc cũng hai lần phóng tàu thăm dò Hằng Nga đến quỹ đạo mặt trăng để chuẩn bị cho việc đưa tàu đáp xuống bề mặt chị Hằng và tiếp theo là đưa người đặt chân lên vệ tinh tự nhiên của Trái đất trước năm 2020.
Những thành công của Bắc Kinh trong việc chinh phục vũ trụ luôn được các cường quốc là Nga và Mỹ theo dõi sát sao, và hiện tại Washington vẫn tỏ ra nghi ngờ với kế hoạch nâng tầm hiểu biết về vũ trụ của TQ.
Bằng chứng là trên trang defencetalk cũng có chung nhận định trên khi đặt câu hỏi về sự phát triển “đáng ngờ“ của TQ trong việc chinh phục vũ trụ và một câu hỏi được đặt ra là TQ tự lực tiến bước hay đang sống nhờ sự giúp đỡ hoặc đánh cắp công nghệ từ bên ngoài?