Với đường bờ biển dài trên 3.200 km, trải dài từ Móng Cái tới Hà Tiên, cùng vùng biển mặt nước có diện tích rộng hơn 1 triệu km2 trên Biển Đông, việc bảo đảm bảo vệ vững chắc toàn bộ khu vực đường biển, lãnh hải, các đảo và quần đảo... là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất, được Hải quân Việt Nam ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh tình hình an ninh trong khu vực luôn biến động khó lường như hiện nay.
Việt Nam đang có những lá chắn nào để bảo vệ chủ quyền lãnh hải?
Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh hải và biển đảo của Tổ quốc, trong những năm qua, Hải quân Việt Nam không ngừng xây dựng lực lượng ngày càng lớn mạnh, thể hiện bằng việc đưa vào trang bị nhiều hệ thống vũ khí tiên tiến của Nga như 2 tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9, 2 tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển mạnh nhất thế giới K-300P Bastion trang bị tên lửa hành trình siêu thanh Yakhont, tiếp nhận thêm các chiến đấu cơ đa năng tiên tiến Su-30MK2V... Các hệ thống vũ khí mới giúp khả năng chiến đấu của Hải quân Việt Nam đã tăng lên đáng kể.
Hải quân Việt Nam được trang bị 2 tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion-P thuộc thế hệ mới nhất và tối tân nhất của Nga
Hiện nay, Hải quân Việt Nam cũng đang vận hành và triển khai một số lượng đầy đủ nhiều hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển ở các thế hệ khác nhau. Trong đó, các tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển 4K51 Rubezh có khả năng bảo vệ vùng biển gần bờ với cự li bắn 80km; Tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển 4K44B Redut với tầm bắn lên tới 500km, có khả năng tấn công mọi mục tiêu thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Hai loại hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Rubezh và Redut đều được phát triển từ thời Liên Xô, đạn tên lửa có độ chính xác không cao và tốc độ bay cận âm nên gặp nhiều khó khăn, dễ bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng thủ trên tàu chiến của đối phương.
Để khắc phục những nhược điểm này, Hải quân Việt Nam đã đặt mua và đưa vào trang bị 2 tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion-P thuộc thế hệ mới nhất và tối tân nhất của Nga hiện nay. Các tổ hợp Bastion-P trang bị loại tên lửa hành trình siêu âm Yakhont có tầm bắn xa lên tới 300km với độ chính xác rất cao, có khả năng tấn công và phá hủy nhóm tàu chiến, kể cả tàu sân bay của đối phương trên Biển Đông.
Câu hỏi đặt ra là: Hai tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion-P đã đủ để đáp ứng yêu cầu bảo vệ toàn bộ lãnh hải Việt Nam hay chưa? Trong trường hợp cần trang bị thêm những tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển mới, vừa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ lẫn cả chi phí giá thành và năng lực trong nước thì Việt Nam có những lựa chọn nào?
Theo ý kiến đánh giá của một số chuyên gia quân sự trong và ngoài nước, hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển tầm trung Bal-E do công ty thành viên OAO KBM thuộc Tập đoàn Tên lửa Chiến thuật KTRV của Nga phát triển có thể là một ứng viên tiềm năng.
Bal-E - tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển lý tưởng!
Theo thông cáo báo chí của KTRV, trong năm 2012, tập đoàn này đã chuẩn bị và tiến hành trình diễn tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Bal-E, cùng tên lửa chống tàu X-35E (Kh-35E) cho Việt Nam
Nhiệm vụ xây dựng các hệ thống phòng thủ các khu vực bờ biển quan trọng, công trình hải cảng, căn cứ hải quân... yêu cầu phải có các hệ thống vũ khí phòng thủ hiệu quả. Nắm được nhu cầu đó, KTRV quyết định chọn Việt Nam là khách hàng đầu tiên có thể mua hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bal-E với tên lửa Kh-35, có tầm bắn xa 130km.
"Trong năm qua, đã cung cấp cho khách hàng nước ngoài (Việt Nam) những đánh giá về giá cả của hệ thống" - KTRV cho hay.
Đánh giá của KTRV cho rằng, các tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển tầm trung Bal-E có khả năng hỗ trợ đắc lực cho 2 tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion-P tầm xa mà Hải quân Việt Nam đang sử dụng trong khi giá thành lại thấp hơn. Bal-E được cho là một sự lựa chọn hợp lý bởi 4 điểm sau đây:
Một là, Việt Nam đã có một thời gian dài sử dụng và vận hành loại đạn tên lửa hành trình chống tàu Kh-35 Uran-E do Nga sản xuất, trang bị trên các tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 và tàu tên lửa cao tốc Project 1241.8 Molniya. Vì vậy, ta có thể giải quyết được các nhiệm vụ chiến thuật-chiến dịch với chi phí tối thiểu nhờ xây dựng một hệ thống khai thác và sửa chữa tên lửa duy nhất, bởi loại đạn tên lửa Kh-35E trang bị cho tổ hợp Bal-E đã không còn xa lạ đối với Hải quân Việt Nam.
Hai là, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Tập đoàn Tên lửa Chiến thuật KTRV của Nga đã có truyền thống từ lâu. Trong những năm qua, Việt Nam không ngừng đặt mua thêm các lô đạn tên lửa chống hạm 3M-24E Uran của KTRV để trang bị và dự trữ vũ khí cho các tàu tên lửa Gepard, Molniya cũng như đang tích hợp tên lửa này lên 2 chiếc tàu tên lửa Molniya nội địa M1 và M2 đầu tiên do nhà máy đóng tàu Ba Son ở TP. Hồ Chí Minh xây dựng.
Ba là, Việt Nam và KTRV đang cùng nhau hợp tác phát triển một phiên bản tên lửa hành trình chống tàu Kh-35EV có tầm bắn xa lên tới 260km. Dự kiến sau vài năm nữa, khi dự án này hoàn thành, Việt Nam sẽ có thể tự sản xuất được đạn tên lửa Kh-35EV theo dây chuyền công nghệ mà phía Nga chuyển giao. Vì vậy, việc "chuẩn hóa" đạn tên lửa cho các hệ thống vũ khí trên biển, trên bờ của Hải quân Việt Nam sẽ nằm trong tầm tay.
Đây là một trong những điểm quan trọng nhất, bởi nếu một cuộc xung đột tiềm năng xảy ra trong tương lai, cơ số đạn có đủ để chiến đấu hay không là một trong những yêu cầu đặc biệt quan trọng, nhưng khi đó Việt Nam đã tự lực sản xuất được đạn tên lửa để đủ đảm bảo cung cấp cho các đơn vị tên lửa chiến đấu.
Bốn là, với việc tiếp nhận 2 tàu ngầm Kilo 636 đầu tiên vào cuối năm nay cùng việc hoàn thiện khu vực cầu cảng, căn cứ cho tàu ngầm. Việt Nam cần xây dựng một hệ thống cảnh báo, giám sát và vũ khí đủ mạnh để bảo vệ cho căn cứ tàu ngầm. Trong khi các tổ hợp Bal-E hoàn toàn có thể bảo vệ được căn cứ tàu ngầm từ xa.
Bal-E có khả năng cơ động cao, hỏa lực mạnh và độ chính xác cao, có thể tác chiến trong điều kiện thời tiết tốt hoặc phức tạp, cả ngày và đêm, với khả năng dẫn tên lửa hoàn toàn tự hoạt sau khi phóng trong điều kiện có sự đối kháng hoả lực và vô tuyến điện tử của đối phương. Vì thế, tổ hợp tên lửa Bal-E sẽ giúp cho năng lực phòng thủ của Hải quân Việt Nam tăng lên gấp bội.
Tên lửa chống hạm Kh-35E (3M-24E) của Bal-E là tên lửa có điều khiển tiêu chuẩn, còn được sử dụng cho các hệ thống tên lửa hạm-đối-hạm Uran-E, trang bị cho máy bay chiến thuật và máy bay hải quân, cũng như máy bay tuần tra-tìm cứu và trực thăng. Kh-35E dùng để tiêu diệt chiến hạm nổi có lượng giãn nước đến 5.000 tấn và tàu vận tải biển.
Kh-35E (3M-24E) có thể sử dụng trong thời tiết tốt và phức tạp, ban ngày và ban đêm, khi có sự đối kháng hỏa lực và vô tuyến điện tử của đối phương. Nhờ có kích thước nhỏ, bay ở độ cao cực nhỏ và sử dụng thuật toán dẫn đặc biệt nên bảo đảm độ bí mật tối đa cho hoạt động của đầu tự dẫn trên tên lửa, vì thế tên lửa có độ bộc lộ rất thấp.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!