Tên lửa phòng không bắn được cả... xe tăng của Thụy Sĩ

Đức Anh |

ADATS là hệ thống tên lửa tích hợp độc đáo, nó vừa làm nhiệm vụ chống tăng trên chiến trường, vừa có khả năng phòng không tầm ngắn.

Theo Military Today, ADATS là một trong những hệ thống tên lửa di động đầu tiên trên thế giới được thiết kế để tấn công cả máy bay và xe tăng. Nhà thầu chính của dự án là công ty Oerlikon Aerospace, Thụy Sĩ hợp tác cùng với Martin Marietta (nay là tập đoàn Lockheed Martin), Mỹ.

Sự phát triển của ADATS diễn ra khá tình cờ, trong những năm đầu thập niên 1980, quân đội Mỹ yêu cầu một hệ thống vũ khí tầm ngắn nhằm thay thế cho pháo phòng không tự hành M167 Vulcan và tên lửa phòng không tầm thấp MIM-72.

Ở thời điểm đó, ADATS cạnh tranh cùng với một biến thể của hệ thống phòng không tầm thấp Crotale của Pháp và Raiper của Anh. Cuối cùng ADATS được tuyên bố giành chiến thắng trong tháng 10/1987.

Ý tưởng hay...


Sự kết hợp giữa phòng không và chống tăng trên cùng một hệ thống có vẻ là giải pháp khả thi. Ảnh: Military-today.

Sự kết hợp giữa phòng không và chống tăng trên cùng một hệ thống có vẻ là giải pháp khả thi. Ảnh: Military-today.

Giải pháp thiết kế “2 trong 1” của ADATS có vẻ rất khả thi. Hệ thống này đảm đương được 2 nhiệm vụ cùng lúc. Tổ hợp sử dụng khung gầm xe thiết giáp chở quân M113. Tháp pháo bố trí 2 cụm phóng với 4 tên lửa/cụm, giữa 2 cụm phóng bố trí thiết bị tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu FLIR.

Radar băng tần X được lắp đặt phía sau tháp pháo, có phạm vi phát hiện máy bay khoảng 25 km. Hệ thống cảm biến còn có máy đo xa laser, hệ thống nhận dạng bạn/thù (IFF). Tháp pháo có thể xoay 360 độ trong vòng 6 giây.

Tên lửa của ADATS là loại nhiên liệu rắn có tầm bắn tối đa 10 km, trần bay 7 km, mang theo đầu đạn 12,5 kg HE với khả năng xuyên 900 mm giáp đồng nhất (RHA). Để tăng hiệu quả chống máy bay, người ta bổ sung thêm chức năng phân mảnh vào vỏ tên lửa khi nổ.

Đạn tên lửa được lắp sẵn bên trong ống phóng kiêm container bảo quản. Một xe tiếp đạn đi kèm sẽ thay thế các ống phóng nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Kíp vận hành hệ thống gồm 3 người, khoang chiến đấu được bọc giáp nhôm hỗn hợp 5083 có khả năng chống đạn vũ khí cá nhân cũng như đạn 12,7 mm ở vòng cung phía trước và được bảo vệ khỏi tác nhân xạ, sinh, hóa học (NBC).

... sản phẩm dở


Hiệu suất chiến đấu của hệ thống vũ khí 2 trong 1 này rất thấp. Ảnh: Military-today.

Hiệu suất chiến đấu của hệ thống vũ khí "2 trong 1" này rất thấp. Ảnh: Military-today.

ADATS sử dụng công nghệ dẫn đường khá bất thường đối với một tổ hợp phòng không. Tên lửa được dẫn hướng đến mục tiêu bằng laser bán chủ động thay vì hồng ngoại hay radar.

Ưu điểm của công nghệ này là độ chính xác rất cao, nó không kích hoạt máy thu cảnh báo radar trên máy bay cũng như miễn nhiễm với các biện pháp tác chiến điện tử.

Tuy nhiên nó cũng tồn tại không ít nhược điểm, việc chỉ thị mục tiêu di chuyển trên không ở tốc độ cao bằng laser là rất khó khăn.

Mặt khác, sự phát triển của các hệ thống cảnh báo và đối phó laser có thể làm “mù” thiết bị tìm kiếm mục tiêu, đầu đạn nổ lõm đa mục đích của tên lửa cho hiệu suất không cao trong thực tế.

Bên cạnh đó, việc kết hợp tính năng phòng không và chống tăng trên cùng một tổ hợp khiến chúng trở nên mâu thuẫn lẫn nhau.

Thông thường, bên tấn công thường sử dụng kết hợp cả không kích lẫn tấn công trên bộ bằng xe thiết giáp. Khi đó, người điều khiển sẽ bị giằng xé giữa mục tiêu trên không và trên mặt đất.

Ngoài ra, sự kết hợp “2 trong 1” còn làm cho quá trình đào tạo trở nên rất phức tạp, kíp vận hành ADATS khó lòng thuần thục cả hai nhiệm vụ cùng lúc.

Quá trình thử nghiệm ADATS cho kết quả rất thấp. Thời gian phát sinh lỗi trong quá trình hoạt động chỉ 9 giờ so với yêu cầu 60 giờ. Khả năng sẵn sàng tham chiến chỉ 39% trong khi tối thiểu phải là 71%. Thời gian cần thiết để bảo trì tới 1,5 giờ trong khi chỉ được phép 0,62 giờ.

Hệ thống điều khiển hỏa lực hoạt động kém trong điều kiện khắc nghiệt nhưng lại có chi phí khá cao. Đơn giá mỗi tổ hợp ADATS khoảng 16,6 triệu USD, mỗi quả tên lửa có giá tới 150.000 USD.

Quân đội Mỹ quyết định hủy kế hoạch mua 387 hệ thống ADATS vào năm 1991.

Nhà sản xuất Oerlikon đã chi tới 1 tỷ Frank Thụy Sĩ (1,02 tỷ USD) vào chương trình. Trong khi đó họ chỉ bán được 48 hệ thống (36 cho Canada và 12 cho Thái Lan). ADATS là một chương trình thất bại ở cả góc độ kỹ thuật lẫn thương mại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại