Nhắc tới Israel, khó có thể phủ nhận những thành tựu trong khoa học quân sự và hiệu năng thực hiện họ đã đạt được. Điều này có được vì từ khi lập quốc tới nay, Israel gần như luôn trong tình trạng chiến tranh và khí tài quân sự được nhập khẩu, cũng như tự phát triển đều phải đáp ứng tối ưu cho mục đích phòng thủ hoặc răn đe đối phương.
Ngoài các dòng vũ khí thông thường, để đối phó với nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa đạn đạo từ các nước thù địch, Israel cũng đã phát triển cho mình hệ thống tên lửa đạn đạo nội địa làm cán cân răn đe với tên gọi Jericho (tên một thành phố cổ trong Kinh thánh).
Điểm nhấn của hệ thống tên lửa đạn đạo này chính là từ năm 2008 đã có thông tin về việc Israel đã phát triển thành công Jerricho 3 với tầm bắn đạt hơn 5.000km (đạt tiêu chuẩn của ICBM) có thể mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân.
Đây cũng là bước tiến dài trong lĩnh vực tên lửa đạn đạo của Israel khi Jericho 2 chỉ là IRBM với tầm bắn đạt không quá 1.500km và là nắm đấm thép răn đe của Israel đối với các quốc gia thù địch.
Vậy sức mạnh thực sự của Jericho 3 là gì?
Một trong những dự án vũ khí “kín tiếng” nhất thế giới
Hệ thống tên lửa đạn đạo Jericho của Israel bắt đầu phát triển từ năm 1963 theo hợp đồng hợp tác với hãng chế tạo Pháp Dassault. Nền tảng của hệ thống này là các tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn đặt trên xe phóng di động có khả năng cơ động cao. Từ nền tảng này, các dòng tên lửa đạn đạo Jericho 1 với tầm bắn 500km được ra mắt năm 1973 và Jericho 2 ra mắt năm 1977.
Tuy nhiên, đó là tất cả những thông tin công khai về hệ thống tên lửa đạn đạo của Israel. Các thông tin khác về thông số, đặc điểm kỹ thuật và các vụ phóng thử hầu hết được giữ bí mật và chỉ được khai thác một phần nhỏ qua các dự án hợp tác với nước ngoài như ở dự án phát triển tên lửa đạn đạo RSA của Nam Phi dựa trên nền tảng của Jericho 2.
Thông tin về quá trình phát triển Jericho 3 chính thức xuất hiện từ năm 2004, khi có báo cáo đệ trình lên Quốc hội Mỹ về việc Israel đang âm thầm phát triển dòng tên lửa đạn đạo mới có khả năng mang đầu đạn nặng tới 1 tấn và tầm bắn vượt ra ngoài khu vực Trung Đông. Tên lửa mới của Israle sử dụng nhiên liệu rắn có sơ tốc cao đảm bảo để xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa trong khu vực.
Điều này đã được “hiện thực hóa” vào ngày 17/1/2008, khi Israel tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo mới được cho là Jericho 3 từ một bệ phóng ngầm. Từ thời điểm đó, Jericho 3 liên tục được nâng cấp và sau vụ thử tiến hành năm 2013, tầm bắn của dòng tên lửa đạn đạo này của Israel được nhiều chuyên gia nhận định đã vượt quá ngưỡng 5.000km hay đạt chuẩn ICBM.
Vài nét về ICBM đầu tiên ở Trung Đông
Từ các thông tin và hình ảnh của các vụ phóng thử ICBM Jericho 3, các chuyên gia nhận định, tên lửa đạn đạo này có kết cấu 3 tầng sử dụng nhiên liệu rắn và có khả năng mang được đầu đạn nặng từ 1.000 tới 1.300kg. Với thông số này, Jericho 3 có thể mang được đầu đạn hạt nhân đơn khối có sức công phá 1 Megatone hoặc 2-3 đầu đạn có khả năng tự phân tách MIRV. Tuy nhiên, không rõ Israel đã làm được chủ được công nghệ MIRV hay chỉ là các đầu đạn cỡ nhỏ lắp ghép.
Jericho 3 có chiều dài thân khoảng 15,5-16m, đường kính thân đạt 1,56m và nặng khoảng 29 tấn. Có thể giống như tên lửa đẩy mang vệ tinh Shavit, cung cấp động lực chính cho Jericho 3 là tầng đẩy đầu tiên, các tầng còn lại chủ yếu giúp tên lửa cơ động và đạt độ cao cần thiết để giải phóng đầu đạn.
Với tỷ lệ tương quan giữa trọng lượng và hình dáng, Jericho 3 có tầm bắn đạt từ 4.800km tới 6.500km tùy thuộc vào khối lượng đầu đạn mang theo. Nhiều chuyên gia nhận định, ICBM của Israel như truyền thống sẽ dùng hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp với hiệu chính pha giữa, nhưng do không có thông tin cụ thể nên CEP của ICBM này không được xác định.
Từ năm 2008 tới nay đã có 4 vụ phóng thử ICBM Jericho 3 được ghi nhận vào tháng 1-2008, 2-2008, một vụ trong năm 2011 và gần đây nhất là đầu năm 2013. Do đang tiếp tục được phát triển, Israel không triển khai dòng ICBM này trên quy mô lớn.
Đầu đạn hạt nhân phân hạch là gì?
Đầu đạn hạt nhân phân hạch đơn giản là tạo năng lượng từ vụ nổ của quá trình phản ứng phân hạch hạt nhân (còn gọi là phân rã hạt nhân – các đồng vị phóng xạ có tỷ khối lớn phân rã thành các đồng vị khác có tỷ khối nhỏ hơn và giải phóng năng lượng). Khi chạm điểm tới hạn của vật liệu hạt nhân, khối đầu đạn sẽ tự kích hoạt phản ứng dây chuyền gia tăng theo tốc độ của hàm mũ, giải thoát khối năng lượng khổng lồ.
Chính vì điều này, kết cấu của bom hạt nhân phân hạch thường có kết cấu 2 hoặc nhiều khối vật chất phóng xạ (có thể là Uranium hoặc Plutonium) với tổng khối lượng của các khối đạt điểm tới ngưỡng xảy ra phản ứng. Khi được kích hoạt, các khối vật chất hạt nhân sẽ được ép chặt vào nhau nhờ tác động lực thông qua khối thuốc phóng hoặc phương thức kết hợp khác giúp tạo ra phản ứng phân hạch (trạng thái siêu tới hạn).
Khó khăn chủ yếu trong việc thiết kế tất cả các vũ khí hạt nhân là đảm bảo các vật chất phóng xạ được dùng không tự hủy trước khi được sử dụng.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!