Tên lửa hành trình đối đất đã ra đời như thế nào?

Dương Phạm |

(Soha.vn) - Mỹ chính là nước đầu tiên sáng tạo ra tên lửa hành trình tấn công mặt đất vào thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ I.

Ngày nay, tên lửa hành trình đối đất là một trong những hệ thống vũ khí tinh vi và đáng sợ nhất trong biên chế của những quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh, giữ vai trò cực kỳ quan trọng cả về mặt chiến thuật lẫn chiến lược. Tuy nhiên để đạt tới những thành công ngày hôm nay, tên lửa hành trình cũng đã phải trải qua giai đoạn phát triển ban đầu đầy gian khó. Loạt bài "THUỞ SƠ KHAI CỦA TÊN LỬA HÀNH TRÌNH ĐỐI ĐẤT" hy vọng sẽ cung cấp cho độc giả cái nhìn tổng quát về thời kỳ đầu phát triển của loại vũ khí được mệnh danh là "Sứ giả chiến tranh" này.

Tên lửa hành trình (Cruise Missile): theo cách hiểu tương đối chính là một loại máy bay không người lái được điều khiển tự động, chúng được thiết kế để sử dụng một lần với nhiệm vụ mang theo một khối lượng vật liệu nổ đến mục tiêu. Khác với tên lửa đạn đạo có động cơ hoạt động bùng phát ở chu kỳ đầu để tạo lực đẩy và phần lớn thời gian hoạt động tên lửa đạn đạo bay theo quán tính thì tên lửa hành trình có động cơ duy trì lực đẩy trên phần lớn thời gian bay và dùng lực nâng của cánh như các máy bay thông thường.

Có hai dòng tên lửa hành trình chính và chúng có hướng phát triển tương đối khác nhau:

* Nhóm tên lửa hành trình chống tàu (với các đại diện như Uran, Exocet, Harpoon…)

Tên lửa Kh-35 Uran

Tên lửa Kh-35 Uran

Đặc trưng của nhóm tên lửa hành trình này là:

+ Phần lớn thời gian bay trên mặt biển bằng phẳng nên việc thay đổi độ cao theo địa hình là không cần thiết.

+ Mục tiêu thường là các chiến hạm có hệ thống phòng không cực mạnh cùng các hệ thống gây nhiễu tối tân nhất đặt trên một phạm vi nhỏ để tự vệ.

+ Mục tiêu thường di chuyển liên tục và khó phát hiện từ xa nên cần có radar chủ động để bám mục tiêu ở giai đoạn cuối.

Hướng phát triển của nhóm tên lửa hành trình này là:

+ Tăng cường khả năng bay thấp sát mặt biển để tránh bị phát hiện. Nếu như các tên lửa thế hệ đầu bay ở độ cao 200-300m so mới mặt biển, giai đoạn cuối mới sà thấp bay cách mặt biển tầm 20-30m thì các tên lửa hiện đại ngày nay chỉ bay cách mặt biển 5-7m.

+ Tốc độ càng nhanh càng tốt để thời gian phản ứng của đối phương là ngắn nhất và khả năng bị bắn hạ là thấp nhất. Nếu như các thế hệ đầu của dòng tên lửa này thường bay tốc độ dưới âm thì các loại mới nhất thường bay với tốc độ Mach 2 trở lên.

* Nhóm tên lửa hành trình chống mục tiêu mặt đất (với các đại diện như BMG-109 Tomahawk, Kh-55 Granat…)

Tên lửa BMG-109 Tomahawk

Tên lửa BMG-109 Tomahawk

Đặc trưng của nhóm tên lửa hành trình này là :

+ Tầm bắn xa và đầu đạn lớn.

+ Cần luồn lách sâu vào lãnh thổ đối phương để diệt mục tiêu nên cần bay bám sát địa hình để giảm thiểu khả năng bị phát hiện từ xa.

+ Các mục tiêu thường cố định nên hệ dẫn đường giai đoạn cuối cùng thường không cần khả năng bám đuổi

Hướng phát triển của nhóm tên lửa hành trình này là:

+ Tăng cường khả năng bay bám địa hình: nếu như các thế hệ đầu thường bay vượt siêu âm ở độ cao lớn thì ngày ngay chúng thường bay hạ âm bám sát địa hình.

+ Ngày càng thu nhỏ kích thước do khả năng đánh chính xác ngày càng cao.

1. Những thiết kế tên lửa hành trình đối đất đầu tiên

1.1. Curtiss/Sperry Aerial Torpedo - 1915

Thông số kỹ thuật

• Sải cánh: 7,6m.

• Chiều dài: 4,6m.

• Tổng trọng lượng: 680 kg

• Đầu đạn: 450 kg HE

• Động cơ: Curtiss OX-5 công suất 100 mã lực (74 kW)

• Tốc độ tối đa: 145 km/h

• Tầm bắn: 80 km

Vào năm 1915, Hải quân Mỹ phê duyệt kế hoạch và bắt đầu đầu tư vào dự án "Aerial Torpedo." Dự án này bao gồm hai giai đoạn:

• Giai đoạn 1: phát triển một máy bay không người lái được ổn định tự động bằng con quay hồi chuyển và có mang theo thuốc nổ, bay theo khoảng cách định sẵn.

• Giai đoạn 2: thêm khả năng điều khiển vô tuyến để có thể điều khiển từ một máy bay khác.

Hải quân Mỹ dự định sử dụng loại vũ khí này để tấn công các căn cứ tầu ngầm U-boat và các nhà máy sản xuất vũ khí của Đức từ khoảng cách trên 150 km. Các cuộc thử nghiệm bắt đầu vào năm 1916 sử dụng loại máy bay Curtiss N-9 với phi công ngồi trong để đảm nhiệm thao tác cất cánh và vào tháng 11 năm đó, kết quả mà cuộc thử nghiệm thu được là sai số khoảng 3,2 km khi máy bay được phóng đi ở cự ly khoảng 50 km.

Nhóm thử nghiệm tiếp tục đặt mua thêm 6 khung máy bay Curtiss vào tháng 10/1917, đây là các tên lửa hành trình đầu tiên được thiết kế có mục đích từ đầu (chứ không phải cải tiến từ máy bay có người lái). Những tên lửa hành trình này có trọng lượng 680 kg; tầm bắn tối đa 80 km, tốc độ 145 km/h và mang theo đầu đạn nặng 450 kg.

Sau nhiều lần thất bại và liên tục cải tiến, ngày 6/3/1918, một máy bay Curtiss/Sperry Aerial Torpedo được phóng thành công, bay qua quãng đường 900m như đã định trước và đâm xuống đúng khu vực quy định tại Copiague, Long Island. Sau cuộc thử nghiệm này, chương trình không được tiếp tục do Thế chiến thứ nhất đã kết thúc nên ngân sách nghiên cứu bị cắt giảm. Tuy nhiên những thành công và kinh nghiệm của dự án là tiền đề quan trọng cho các loại tên lửa hành trình sau này.

1.2 Kettering “Bug” Aerial Torpedo - 1918

Thông số kỹ thuật

• Sải cánh: 4,6m.

• Chiều dài: 3,8m.

• Chiều cao: 2,3m

• Tổng trọng lượng: 240 kg

• Đầu đạn: 80 kg HE

• Động cơ: V-4 De Palma công suất 40 mã lực (30 kW)

• Tốc độ tối đa: 195 km/h

• Tầm bắn: 120 km

Tướng George O.Squire, chỉ huy lực lượng Army’s Signal Corps của Mỹ năm 1917 sau khi chứng kiến một vụ thử nghiệm thành công của Curtiss/Sperry Aerial Torpedo tại cuộc trình diễn của Hải quân đã rất ấn tượng và đã bí mật ra lệnh cho Không quân Mỹ nỗ lực chế tạo loại vũ khí tương tự.

Tháng 1/1918, Không quân Mỹ đã ký hợp đồng với Charles "Boss" Kettering và Dayton Wright Airplane Company để phát triển và sản xuất 25 quả Liberty Eagle Aerial Torpedoes, hay còn gọi là "Kettering Bug".

Bug là loại máy bay cánh quạt 2 tầng cánh không người lái với 1 động cơ đốt trong và được thiết kế để cất cánh từ một chiếc xe goòng chạy trên đường ray dài. Tọa độ mục tiêu được ấn định trước khi phóng. Khoảng cách đến mục tiêu được xác định thông qua việc đếm số vòng quay của động cơ. Khi đạt đến một số vòng quay định trước, hệ thống điều khiển sẽ đóng mạch điện để tắt động cơ. Các cánh sẽ tự động rụng và “Bug” sẽ rơi xuống mục tiêu với đầu nổ 80 kg của nó.

Với kích thước bằng một nửa so với đàn anh Curtiss/Sperry Aerial Torpedo, Bug mặc dù mang theo đầu đạn nhỏ hơn nhưng lại sử dụng một khung thân máy bay rẻ tiền hơn rất nhiều. Cuộc thử nghiệm thành công đầu tiên của Bug diễn ra tại Dayton và sau 1 giờ bay nó rơi xuống một trang trại gần Yellow Springs, bang Ohio.

Mặc dù Bug đã được thử nghiệm thành công nhưng Thế chiến thứ nhất đã kết thúc trước khi nó được đưa vào sử dụng. Việc thử nghiệm vẫn được tiếp tục tiến hành đến tận năm 1920 mới kết thúc do thiếu kinh phí hoạt động.

(Còn tiếp)

Sức mạnh tên lửa hành trình Tomahawk

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại