Tên lửa đạn đạo liên lục địa thường chỉ mang tính chất răn đe và tạo lợi thế chiến lược. Khả năng sử dụng vào thực chiến của loại vũ khí xuyên lục địa này khá thấp. Cuối những năm 1970, Trung Quốc bắt đầu tìm cách phát triển các loại tên lửa đạn đạo chiến thuật SRBM bởi đây mới chính là vũ khí được sử dụng nếu có một cuộc xung đột xảy ra.
Trong chiến tranh Yom Kippur năm 1973, quân đội Ai Cập đã bắn một số tên lửa Scud chống lại Israel. Chiến tranh Iran-Iraq, xung đột Afghanistan-Pakistan tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud đã được sử dụng khá rộng rải tạo lợi thế chiến thuật khá lớn.
Những kinh nghiệm chiến trường thế giới đã tiếp thêm động lực cho Trung Quốc. Chương trình phát triển tên lửa đạn đạo chiến thuật được chỉ định là DF-11, biến thể xuất khẩu có tên gọi M-11, NATO định danh CSS-7. DF-11 được phát triển bởi tập đoàn không gian Sanjiang thuộc tổng công ty công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc.
Quá trình phát triển DF-11 diễn ra khá thuận lợi, tên lửa được phát triển dựa trên tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud của Liên Xô. Tên lửa hoàn thành phát triển kỹ thuật vào năm 1987, thử nghiệm đầu tiên thực hiện thành công vào năm 1990.
DF-11 là một tên lửa nhiên liệu rắn 1 giai đoạn, tên lửa có tầm bắn 300km, mang theo đầu đạn nặng 500kg. Tên lửa được đặt trên khung gầm xe chuyên dụng WS-2400 8x8 bánh. Xe vận chuyển này được cho là phát triển dựa trên xe chuyên dụng MAZ-543 của Nga với sự trợ giúp của Belarus.
Biến thể xuất khẩu M-11 được hạ tầm bắn xuống còn 280km, mang theo đầu đạn nặng 300kg để phù hợp với Quy chế cấm xuất khẩu và phổ biến công nghệ tên lửa (MTCR) có tầm bắn trên 300km và đầu đạn nặng 500kg.
DF-11 đã bổ sung vào kho tên lửa của quân đội Trung Quốc một vũ khí cấp chiến dịch-chiến thuật khá hiệu quả. Biến thể cải tiến DF-11A được triển khai vào năm 1993 dưới sự tài trợ của quân đội Trung Quốc. Tên lửa được nâng tầm bắn lên khoảng 500km. Cải thiện độ chính xác của tên lửa bằng cơ chế dẫn đường kết hợp quán tính và GPS.
Thử nghiệm đầu tiên của DF-11A diễn ra thành công vào ngày 06/10/1997. Tuy nhiên lần thử nghiệm thứ 2 diễn ra sau vài ngày lại không thành công. Tên lửa bị mất kiểm soát ngay sau khi rời bệ phóng và rơi xuống đất. Nguyên nhân của tai nạn được cho là do lỗi của hệ thống kiểm soát trên tên lửa. Sự cố này khiến chương trình DF-11A bị hoãn lại đến năm 1998 mới tiếp tục được thử nghiệm.
DF-11 tiêu chuẩn có chiều dài 7,5 mét, đường kính 0,8 mét, trọng lượng phóng 3,8 tấn, DF-11A có chiều dài 8,5 mét, đường kính 0,85 mét, trọng lượng phóng 4,2 tấn. Tên lửa có thể mang theo đầu đạn chất nổ mạnh HE nặng từ 500-800kg hoặc đầu đạn hạt nhân chiến thuật có đương lượng nổ từ 2-20kT nhưng nhiều khả năng Trung Quốc chưa làm chủ được công nghệ chế tạo loại đầu đạn hạt nhân siêu nhỏ này.
Tên lửa được trang bị công nghệ dẫn hướng hiện đại kết hợp giữa dẫn hướng quán tính và GPS nên có độ chính xác tương đối cao. Bán kính lệch mục tiêu CEP của DF-11 khoảng 500-600 mét, với DF-11A chỉ số CEP chỉ còn khoảng 200 mét.
DF-11A được đưa vào biên chế với một lữ đoàn tên lửa chiến thuật ở quân khu Nam Kinh. DF-11A được triển khai hoạt động trong lực lượng lục quân như một vũ khí tầm xa cấp chiến dịch-chiến thuật. Nó đảm đương các hoạt động tác chiến trên 50km ngoài tầm của pháo binh và dưới 600km của tên lửa chiến lược.
Báo cáo của Lầu Năm Góc trước Quốc hội Mỹ năm 2007 cho biết, có khoảng 575-626 tên lửa DF-11 cùng khoảng 110-130 bệ phóng được triển khai dọc theo eo biển Đài Loan. DF-11 được coi là một trong những vũ khí chủ lực trong trường hợp Trung Quốc mở chiến dịch tấn công vào Đài Loan.
Những tên lửa đạn đạo chiến thuật kiểu DF-11 không chỉ là mối đe dọa đối với Đài Loan mà còn cả đối với những quốc gia khác trong đó có Việt Nam. Nếu xảy ra một cuộc xung đột quân sự DF-11 có thể là một trong những vũ khí được sử dụng đầu tiên để tạo lợi thế áp đảo về chiến thuật từ đó nắm lợi thế chiến lược.
Với độ chính xác cao, DF-11/11A có thể tấn công các mục tiêu quan trọng như, căn cứ tên lửa, trung tâm chỉ huy, kho tàng quan trọng, sân bay làm tê liệt khả năng chiến đấu của đối phương. Ngoại trừ Nhật Bản có hệ thống đánh chặn chuyên dụng, các nước còn lại trong khu vực đều không có khả năng đánh chặn tên lửa tầm xa.
Biến thể xuất khẩu M-11 đã được xuất khẩu cho Pakistan vào năm 1992. Mỹ cho rằng Trung Quốc đã vi phạm Quy chế MTCR nên đã ra sắc lệnh cấm bán các linh kiện điện tử công nghệ cao cho Trung Quốc. Bắc Kinh cũng bị cấm phóng các vệ tinh nhân tạo do Mỹ chế tạo cho các khách hàng nước ngoài. Lệnh cấm này được dỡ bỏ vào năm 1994.
Trên cơ sở của M-11, Pakistan đã phát triển thành Shaheen-I và Shaheen-II với tầm bắn được nâng lên từ 600-700km. Một số công nghệ của M-11 cũng được cho là đã xuất khẩu cho Iran để nước này phát triển các tên lửa đạn đạo của họ.