Tên lửa đánh Không quân hay Không quân hải quân Mỹ dễ hơn?

Đại tá Trần Danh Bảng - Bình Nguyên |

Chúng tôi gặp nguyên Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt, Tiểu đoàn 72, tên lửa phòng không Hải Phòng tại nhà riêng, Phường Bình Hàn, Thành phố Hải Dương.

Trong Chiến dịch Điên Biên Phủ trên không, Tiểu đoàn của ông được lệnh hành quân gấp lên chi viện cho lực lượng phòng không Hà Nội giữa lúc cuộc đánh trả đợt Tập kích đường không của Không quân chiến lược Mỹ tháng 12-1972 đang diễn ra ác liệt.

Cựu Tiểu đoàn trưởng kỳ cựu Nguyễn Văn Chắt đã trả lời phỏng vấn của chúng tôi xung quanh chiến công “Đặc biệt xuất sắc” của Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285 (Đoàn tên lửa Nam Triệu) trong những ngày tháng sôi động, cam go ấy.


Cựu Tiểu đoàn trưởng kỳ cựu Nguyễn Văn Chắt.

Cựu Tiểu đoàn trưởng kỳ cựu Nguyễn Văn Chắt.

PV: Giữa lúc các lực lượng phòng không Hà Nội đang chống trả quyết liệt không quân Mỹ, khi được lệnh cơ động gấp lên “chia lửa” cho Hà Nội, tâm trạng cán bộ chiến sĩ của tiểu đoàn 72 như thế nào, thưa ông?

Nguyên Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt: Tuy ở hai sư đoàn khác nhau, nhưng chúng tôi vừa chiến đấu tại duyên hải, vẫn theo dõi từng giờ tin chiến thắng từ Hà Nội, trái tim của cả nước.

Được tin trên Hà Nội các tiểu đoàn tên lửa đánh thắng ròn rã, bắn rơi nhiều máy bay B52 trong nhiễu dày đặc, khiến chúng tôi thêm tự tin.

Bất ngờ được tin cơ động đường dài lên Hà Nội chiến đấu, chúng tôi họp gấp chỉ huy, xuống phân đội nhanh chóng động viên bộ đội, xây dựng quyết tâm, theo khẩu hiệu “Đi nhanh, đến đủ, trụ vững, đánh thắng, đơn vị an toàn”.

Lúc này cơ động an toàn được đặt lên hàng đầu. Chúng tôi triển khai theo hai hướng hành quân.

Bộ phận nhẹ, gồm Sở chỉ huy, thông tin tiếp sức, radar P-12, chiến cần, trận địa giả, các xe phục vụ do đồng chí Phạm Quang Tuyến chỉ huy, hành quân theo đường Thủy Nguyên - Phà Đụn - Đường 18 - Bắc Ninh, tới Yên Phong về trận địa Đại Chu.

Bộ phận nặng gồm các bệ phóng, xe điều khiển, xe anten (gồm các “thuyền”) xe đạn, bộ nguồn, chia điện, xe đạn…hành quân theo Phà Kiền - Đường 5 - Cầu Phú Lương…Cầu Đuống, ngược về Từ Sơn - Yên Phong, vào Đại Chu. Bộ phận này do Tiểu đoàn trưởng chỉ huy.

Nhờ bộ phận tiền trạm đi trước chuẩn bị tốt, hàng chục xe máy các loại của tiểu đoàn luôn đạt yêu cầu kỹ thuật cơ động, nên khi hành quân qua nhiều cầu, phà xe xích, bệ phóng, xe điều khiển đều an toàn.

Tinh thần bộ đội được nâng cao, mỗi khi nhân dân hai bên đường động viên cổ vũ và ngành giao thông luôn bảo đảm ưu tiên cho tên lửa.Các phân đội đều phấn khích, quyết tâm triển khai nhanh, để vào chiến đấu ngay.

Thế là sau hai ngày, ba đêm, toàn bộ tiểu đoàn đã có mặt tại trận địa có sẵn Đại Chu.Tới nơi, dân quân cả huyện ra hỗ trợ, chúng tôi nhanh chóng lắp đặt khí tài, làm tham số kỹ thuật, chỉnh máy móc sao cho đạt yêu cầu cao nhất.

Đích thân tôi đi kiểm tra các hệ và báo cáo lên sư đoàn Phòng Không Hà Nội, xin lệnh đồng ý cho Tiểu đoàn chiến đấu. Đó là ngày 26 tháng 12 năm ấy.

PV: Được biết, đơn vị ngay từ khi phát sóng đã bắt được rất nhiều máy bay chiến thuật và đã bắn rơi 1 chiếc F4 ngày đầu tiên.

Nguyên Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt: Đúng thế, ngay chiều 26-12-1972, địch huy động khoảng 60 máy bay phản lực các loại đánh vào vòng trong và phía trước để dọn đường cho B-52 vào rải thảm Hà Nội.

Cấp trên chỉ thị Tiểu đoàn 72 đánh tốp F-4 khi chúng đang lượn vòng tìm trận địa của ta để cắt bom.

Kíp 1 của chúng tôi đã phát huy cao cách đánh máy bay chiến thuật trong nhiễu, nên đã hạ 1 chiêc F-4. Phải nói thêm là kíp chiến đấu của tiểu đoàn 72 rất mạnh. Chúng tôi được cọ sát trong chiến đấu chủ yếu với không quân của hải quân sừng sỏ Mỹ.

Đặc điểm máy bay của hải quân là bay chiếc lẻ, đánh trộm, thoát nhanh. Chúng lợi dụng địa vật, lao vào ở độ cao thấp. Nhưng chúng không nhanh bằng trắc thủ tên lửa Hải Phòng.

Đã đánh thắng F4 bằng kinh nghiệm đánh bọn A6A, F8U, không người lái… Do vậy, chúng tôi tin tưởng sẽ đánh tốt trên bầu trời Hà Nội khi đối mặt với các máy bay của Không quân và Không quân chiến lược Mỹ.

Tuy vậy, khi được trên phổ biến, chúng tôi đã dành đạn để đánh đối tượng chủ yếu là B52.

Ngay sau khi bắn rơi F4, trận địa Đại Chu bị các tốp cường kích bâu vào đánh phá.Nhưng chúng tôi đã quen với chiến thuật “bâu” đánh của chúng. Trước đó chúng tôi cho nổ trận địa giả đồng thời với những trái đạn đã phóng.

Quả nhiên, chúng lao vào đánh các ụ đất và khu vực nổ giả, nghi binh, nên trận địa chính an toàn. Hai loạt bom đã phá mất của dân 1 sào lúa.

Sáng ngày 27 tháng 12, kíp trắc thủ 2 được cử vào trực chiến. Đó là trắc thủ phương vị Trương Đăng Khoa, trắc thủ góc tà Nguyễn Đức Chiêu, trắc thủ cự ly Nguyễn Văn Tuyền. Sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Dựng vẫn ở vị trí cũ.

Tranh thủ thời gian, chúng tôi luyện các bài bắn B52 theo cả phương pháp bắn 3 điểm theo dải nhiễu, và vượt nửa góc (thấy mục tiêu).

PV: Ông có thể kể ngắn gọn về trận đánh ”Đặc biệt xuất sắc” của tiểu đoàn 72 đã diễn ra như thế nào? Có phải hướng đó là “góc cấm bắn”?

Nguyên Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt: Phải nói luôn, chúng tôi phát hiện ra tốp B52 ở phía nam Hà Nội, nhưng trận địa của tiểu đoàn 72 đặt ở sườn đông thành phố, nên phương vị dẫn bắn không phạm góc cấm bắn như ai đó nói.


Hồ Hữu Tiêp, nơi ghi dấu và lưu giữ xác chiếc B-52 do Tiểu đoàn 72 bắn rơi tại chỗ.

Hồ Hữu Tiêp, nơi ghi dấu và lưu giữ xác chiếc B-52 do Tiểu đoàn 72 bắn rơi tại chỗ.

Đêm 27-12-1972, Mỹ cho 36 máy bay B52 và 85 máy bay phản lực vào đánh hủy diệt Hà Nội. Bắn B52 theo phương pháp nào là hợp lý?

Chỉ câu hỏi vậy thôi mà tôi và anh em phải nhiều đêm mất ngủ. Khi phát hiện chính xác dải nhiễu, đánh theo phương pháp 3 điểm, liệu có chắc ăn. Còn bắn theo phương pháp T, các trắc thủ của tôi có phát hiện, có bám sát tốt?

Dẫu là kíp 2 tham gia trực trận này, anh hiểu rõ từng người, họ vốn là các sinh viên kiến thức về hình học không gian. Dựng, sĩ quan điều khiển vốn là sinh viên, Dựng và anh đã nhiều lần “đồ giải”, đưa ra các tình huống B-52 vào.

Theo các phương pháp mà cấp trên dày công tập huấn, các anh chú trọng phân tích tính chất mục tiêu, tốc độ và đường bay cụ thể. Đặc biệt đưa ra nhiều phán đoán về cự ly B52 để phát sóng, bắt chuẩn, nhìn thấy!

23h ngày 27-12-1972, là ngày thứ 10 của chiến dịch 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”, tiểu đoàn tên lửa 72 vào cấp 1, lệnh đánh địch từ hướng Đông Nam vào khu vực Văn Điển, Giáp Bát. Tôi cho mở đài 1, đài 2.

Có mục tiêu! Sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Dựng phán đoán tốp B52 đang ở cự ly XX độ cao 11.000m, đưa cánh sóng về phương vị đài 1 cung cấp. Đài 2 thu được tín hiệu là một dải nhiễu sáng mịn, ổn định.

Phân tích rất nhanh, khi nhiễu máy bay chiến thuật vừa chuyển hướng, “một khoảnh khắc vàng” hiếm có xuất hiện, tôi tự tin hô:

"Cự ly 30, phát sóng. Từ trước đó, tôi đã dự liệu, nếu ở độ cao tương đối ổn định, B52 rất dễ bộc lộ trong thời  điểm mà tốp hộ tống quay ra. Dù còn nhiễu nặng, nhưng nó sẽ lộ mặt ở khoảng  cự ly này".

Đúng thế! Rất mừng lúc này các thành phần chiến đấu đều nhìn thấy mục tiêu, thao tác rất chuẩn và ăn nhịp. Tôi ra lệnh đánh địch bằng phương pháp T, chế độ giãn cách 6 giây. Rất nhanh, sĩ quan và trắc thủ đã làm các động tác rất đúng, dứt khoát.

Trắc thủ cự ly và trắc thủ phương vị chuyển hoàn toàn sang chế độ bám sát tự động, trắc thủ tà bám sát bằng tay. Hai trái đạn bay lên, vào “cửa sóng chờ”, có tín hiệu đạn điều khiển.

Khoảng cách địch-ta ngắn dần, tất cả lặng người theo dõi, ở cự ly ngoài 20km, hai đạn gặp B52 và nổ tung, hất mục tiêu, bùng lên đám cháy rất lớn.

Như các bạn thấy đấy, từ khi phát sóng, phóng đạn đến cự ly đạn gặp mục tiêu chỉ tính bằng vài giây. Chứng minh tài nghệ của anh em trắc thủ và Sĩ quan điều khiển của 72 chúng tôi, rất bình tính, rất đĩnh đạc, quyết đoán!

Cả chiếc máy bay B-52 này rơi xuống quận Ba Đình, một phần xác phơi mình trên đường Hoàng Hoa Thám, cạnh vườn Bách Thảo. Phần khác rơi xuống Hồ Hữu Tiệp, 2 động cơ rơi xuống nhà dân ở tổ 51 Ngọc Hà.

Lúc đó vừa 23h3 phút đêm 27-12-1972. Điểm đặc biệt, chiếc B-52 này còn nguyên bom đạn chưa kịp ném vào mục tiêu.

Chiến công bắn rơi tại chỗ máy bay B-52 của địch là chiếc B-52 duy nhất trong tổng số 16 chiếc rơi tại chỗ còn nguyên bom đạn. Nó rơi xuống đường phố thủ đô Hà Nội gần khu vực cơ quan Trung ương của ta làm việc nhất.

Ta bắt sống 4 phi công trong 6 thành viên của kíp lái B-52 còn sống, 2 tên đã chết.

Sáng hôm sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến tận nơi B52 rơi để thị sát. Sau khi tận mắt chứng kiến, Đại Tướng khen ngợi: “Đây là trận đánh thắng B52 thật đặc biệt xuất sắc mà Tiểu đoàn 72 – Trung đoàn 285 đã thực hiện được”.

Mỗi khi trở về Hà Nội, cứ nghĩ đến những tấn bom còn nguyên trong lòng chiếc B52 đó văng ra, nhưng không nổ, lại liên tưởng đến vệt bom Khâm Thiên mà tự hào về các chiến sĩ tên lửa của chúng ta, tôi cũng có phần trong chiến công đó.

PV: Xin chúc mừng ông vừa được nhà nước Phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và xin cảm ơn câu chuyện rất ý nghĩa ông vừa kể!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại