Trao đổi với Thời báo Hoàn Cầu, Wang Ya'nan, biên tập Tạp chí "Aerospace Knowledge" nhận định cuộc thử nghiệm tên lửa đánh chặn của Ấn Độ hôm Chủ nhật đã đánh chặn các mục tiêu ngoài tầng khí quyển nhằm mục đích “răn đe chiến lược” nhiều hơn, vì những công nghệ này sẽ khiến đối phương cảm thấy sức mạnh tấn công từ phía những tên lửa của họ bị giảm xuống.
Trong cuộc thử nghiệm ngày 27/4, tên lửa đánh chặn (Prithvi Defence Vehicle - PDV) được đặt trên bệ phóng số IV của bãi phóng thử tên lửa tích hợp trên Đảo Wheeler. Trong khi đó, tên lửa mục tiêu giả định 2 tầng được phóng lên từ một chiếc tàu hải quân, hoạt động cách đó hơn 2.000km vào lúc 9h07. Sau khi bắt được tín hiệu từ radar, lúc 9h10, tên lửa đánh chặn đã được kích hoạt và lao về phía mục tiêu. Ông Ravi Kumar Gupta, phát ngôn viên Cơ quan nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) cho hay vụ phóng thử đã diễn ra thành công.
Trong một tuyên bố sau vụ phóng thử, DRDO cho biết: "Nhiệm vụ của tên lửa đánh chặn PDV là tiêu diệt các mục tiêu ở khu vực ngoài tầng khí quyển với độ cao hơn 120km”.
Trong khi có một số chuyên gia quân sự của Trung Quốc nhất trí rằng Ấn Độ đã đạt được tiến bộ trong công nghệ đánh chặn tên lửa, thì những chuyên gia khác lại tỏ ra nghi ngờ về ý nghĩa của đợt phóng thử nghiệm nói trên. Một chuyên gia tên lửa giấu tên của Trung Quốc nhận định “Thật khó để kết luận liệu rằng công nghệ đánh chặn tên lửa của Ấn Độ đã đạt được một cấp độ nhất định hay chưa, vì chính Ấn Độ cũng tự mình phóng đi tên lửa mục tiêu, do đó thời gian phóng và dữ liệu đạn đạo đã được cung cấp sẵn”. Chuyên gia này cho rằng Trung Quốc đã phát triển được những khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tương đối hoàn chỉnh dựa trên hệ thống S-300 của Nga. Hệ thống này của Trung Quốc đã sẵn sàng tác chiến, tuy nhiên hiện nay Ấn Độ lại mới chỉ trong giai đoạn thử nghiệm hệ thống tương đương.
Song Zhongping, một cựu giảng viên về công nghệ tên lửa và hiện nay là nhà bình luận về các vấn đề quân sự tại Bắc Kinh cho rằng “tên lửa đánh chặn mới của Ấn Độ chỉ tương đương với cấp độ các tên lửa từ những năm 1990 của Trung Quốc”. Theo Song Zhongping, tên lửa mục tiêu trong đợt thử nghiệm trên là không tiên tiến và thiếu những công nghệ lẩn trốn hiệu quả, khiến nó trở nên dễ dàng hơn cho tên lửa đánh chặn trong việc tấn công mục tiêu.
Một chuyên gia khác còn nhận định trong một trận chiến thực tế, thậm chí tên lửa đánh chặn tiên tiến nhất của Mỹ như Patriot còn gặp khó khăn trong việc đánh chặn các tên lửa của Trung Quốc. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng thừa nhận rằng công nghệ chống tên lửa của Trung Quốc vẫn còn thua kém Mỹ từ 15-20 năm về mặt thời gian ứng phó, độ chính xác tấn công mục tiêu và công nghệ thông tin toàn diện.
Ấn Độ thử nghiệm hệ thống đánh chặn tên lửa PDV ngày 27/4/2014 (Nguồn: Times of India)