Hwasong-6 - (Hỏa tinh 6 - Scud-C) là loại tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn, nhiên liệu lỏng, một giai đoạn do Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sản xuất, nó là biến thể nâng cấp từ Hwasong-5 - phiên bản R-17 Elbrus (Scud) của Liên Xô.
Triều Tiên bắt đầu cải tiến nhằm nâng tầm bắn của tên lửa Hwasong-5 vào năm 1988. Với vài thay đổi nhỏ, đến năm 1989 công việc đã hoàn thành, dẫn đến một loại tên lửa mới ra đời được định danh là Hwasong-6.
Hwasong-6 đã bắn thử nghiệm vào tháng 6/1990, nhờ thu được kết quả tốt, nó chính thức đi vào sản xuất hàng loạt trong năm 1991.
Do trang bị hệ thống dẫn đường tiên tiến đi kèm động cơ hiệu suất cao mà sai số vòng tròn xác suất (CEP - Circular Error Probability) của Hỏa tinh 6 rút xuống chỉ còn 50 m, trong khi tầm bắn tăng vọt lên 700 km (so với 300 km và CEP 500 m - 900 m của Scud-A/B).
Tên lửa đạn đạo Hwasong-6 trong một cuộc duyệt binh của Triều Tiên
Kích thước của Hwasong-6 không có nhiều khác biệt so với các phiên bản cũ: chiều dài 11,25 m; đường kính thân 0,88 m; trọng lượng phóng 6.400 kg với đầu đạn nặng 800 kg (đầu nổ mạnh hoặc sinh - hóa học).
Do gặp phải những khó khăn trong việc nhập khẩu xe bệ phóng (TEL) MAZ-543 mà Triều Tiên đã quyết định tự chế tạo phương tiện vận chuyển nội địa.
Ước tính đến năm 1999, Triều Tiên đã cho xuất xưởng tổng cộng 600 - 1.000 quả Hwasong-6, trong đó một nửa trang bị cho quân đội nước này, 25 quả mang ra thử nghiệm hoặc tập trận, số còn lại xuất khẩu sang các quốc gia châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh.
Hiện tại tên lửa Hwasong-6 đã được sản xuất tại Iran theo dây chuyền chuyển giao công nghệ với tên định danh Shahab-2, và cả tại Syria với sự trợ giúp về kỹ thuật của Trung Quốc.
Tên lửa đạn đạo Hwasong-6 của Việt Nam, ảnh chụp màn hình chương trình Truyền hình Quân đội nhân dân
Căn cứ theo báo cáo của SIPRI, Hwasong-6 chính là tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa nhất và độ chính xác cao nhất trong biên chế Binh chủng Pháo binh - Quân đội Nhân dân Việt Nam (bên cạnh số Scud-B được Liên Xô viện trợ từ năm 1981).
Những quả tên lửa trên nhiều khả năng được Triều Tiên thanh toán theo hình thức hàng đổi hàng, sau khi nước này nhập khẩu gạo của Việt Nam.