Một hệ thống tên lửa bờ biển cơ động siêu hiện đại nữa của Nga là Kalibr-M (ký hiệu xuất khẩu là Club-M). Hệ thống dùng để phòng thủ chống hạm và tăng cường bảo vệ các mục tiêu ven biển, tiêu diệt các loại mục tiêu tĩnh và ít cơ động trên mặt đất bất kể ngày đêm và thời tiết.
Xe bệ phóng Kalibr-M / Club-M mang 4-6 ống phóng chứa tên lửa.
Kalibr-M (Club-M) được hãng Morinformsystema-Agat chế tạo trên cơ sở hệ thống tên lửa Kalibr (Club) do Công ty OKB Novator phát triển vào đầu thập niên 1990.
Ngoài các biến thể đầu tiên là Kalibr-NKE (Club-N) trang bị cho tàu nổi và Kalibr-PLE (Club-S) trang bị cho tàu ngầm các loại và Kalibr-A (Club-A) trang bị cho máy bay, Morinformsystema-Agat tiếp tục phát triển thêm các biến thể Club-U (thiết kế module) dành cho tàu nổi, Club-K bố trí trong container triển khai trên trận địa bờ biển, tàu hỏa, xe tải hay tàu biển.
Club-M (Xe bệ phóng Kalibr-M / Club-M).
Mới đây, các công ty Morinformsystema-Agat, NPP radar-MMS và Ilyushin đã ký hợp đồng chế tạo biến thể Club lắp trên máy bay vận tải Il-76, có thể phóng các tên lửa của Club-K và dự kiến phóng thử lần đầu vào cuối năm 2011-năm 2012.
Hệ thống tên lửa bờ biển đa năng Kalibr-M/Club-M bao gồm: 1 xe bệ phóng; 3 xe tiếp đạn; các tên lửa hành trình 3M-54E, 3M-54E1 và 3M-14 trong các ống phóng; 1 xe bảo đảm kỹ thuật; 1 xe thông tin và điều khiển; các thiết bị bảo đảm và cất giữ tên lửa.
Được trang bị tên lửa chống hạm siêu âm, bay bám mặt biển 3M-54E, tầm bắn 220 km, tên lửa chống hạm dưới âm, bay bám mặt biển 3M-54E1, tầm bắn 300 km (có khả năng làm tê liệt, thậm chí đánh chìm tàu sân bay) và tên lửa hành trình dưới âm, tấn công mặt đất chính xác cao 3M-14E, tầm bắn 275 km; với 1 hệ thống điều khiển duy nhất nên Kalibr-M (Club-M) có tính linh hoạt, hiệu quả cực kỳ cao và tính vạn năng trong sử dụng, kể cả ở chiến trường hoàn toàn trên bộ.
Vì thế, Kalibr-M (Club-M) cho phép xây dựng hệ thống phòng thủ vạn năng, đồng thời có thể sử dụng như hệ thống tấn công mặt đất ở chiến trường trên bộ thuần tuý.
Các tên lửa hành trình chống hạm siêu âm 3M-54E (trên) và 3M-54E1 Club.
3M-54E (SS-N-27 Sizzler) mang phần chiến đấu 200 kg, dùng để tiêu diệt tàu nổi các loại (tàu tuần dương, khu trục, đổ bộ, vận tải, tàu tên lửa cỡ nhỏ…) đơn lẻ hay trong đội hình tốp. Phần lớn đường bay, tên lửa bay với tốc độ dưới âm, khi cách mục tiêu 20 km, tên lửa đột ngột tăng tốc lên tốc độ khủng khiếp 2,9M khiến phòng không tàu địch cực kỳ khó chặn đánh. Biến thể 3М54E1 có phần chiến đấu nặng gấp đôi (400 kg) và tầm bắn xa hơn (300 km).
Tên lửa tấn công mặt đất 3M-14E.
Tên lửa tấn công mặt đất 3M-14E bay bám địa hình, sử dụng hệ dẫn vệ tinh GLONASS hay GPS chính xác cao và đầu tự dẫn radar chủ động, dùng để tiêu diệt các mục tiêu quân sự, hành chính, kinh tế cố định như hạ tầng công nghiệp, trung tâm phát thanh-truyền hình, các sở chỉ huy, sân bay... trên lãnh thổ đối phương.
Vũ khí chiến lược rẻ tiền Club-K
Một bước phát triển có tính cách mạng trong lĩnh vực tên lửa đối hạm và của họ tên lửa Club là hệ thống tên lửa Club-K với các tên lửa được bố trí trong một container tiêu chuẩn và cơ chế tự hoạt phóng tên lửa. Điều đó làm thay đổi tận gốc chiến thuật và chiến lược sử dụng tên lửa.
Club-K ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu trên tàu chở container.
Club-K do Tập đoàn Morinformsystema-Agat phát triển, là hệ thống tên lửa lắp trong containter tàu biển và dùng để tiêu diệt nhiều loại mục tiêu mặt nước và mặt đất. Club-K có thể bố trí trên bờ, tàu biển, tàu hỏa và ô tô tải.
Club-K bề ngoài trông giống như một container chở hàng tàu biển tiêu chuẩn loại 20 ft (6 m) hay 40 ft (12 m). Nhờ cách ngụy trang đó, nên hầu như không thể phát hiện Club-K cho đến khi nó được kích hoạt. Đây chính là điểm khác biệt lớn nhất và đặc sắc của Club-K.
Club-K.
Club-K gồm một bệ phóng nâng với 4 tên lửa hành trình chống hạm Kh-35UE (hoặc các tên lửa Club là 3M-54KE, 3M-54KE1 và 3М-14KE) giấu kín trong container chở hàng tiêu chuẩn với kíp chiến đấu 2 người điều khiển hệ thống làm nhiệm vụ liên lạc vệ tinh và dẫn tên lửa vào mục tiêu.
Tùy chủng loại, tên lửa có tầm bắn từ 12,5-300 km, độ cao bay tiếp cận mục tiêu từ 5-10 m, trọng lượng phần chiến đấu 200-450 kg.
Hệ thống Club-K bao gồm: module phóng vạn năng USM, module điều khiển chiến đấu MBU và module cấp nguồn và bảo đảm sinh hoạt MEZh. Mỗi module được bố trí gọn trong một container tàu biển tiêu chuẩn.
Module USM chứa 4 tên lửa hành trình, trước khi phóng tên lửa được dựng thẳng đứng.
Club-K có thể phối hợp hoạt động với hệ thống định vị vệ tinh GPS và GLONASS, sau này có thể tương thích với hệ thống Beidou-2 của Trung Quốc và Galileo của châu Âu.
Module chỉ huy chiến đấu MBU của Club-K.
Club-K là vũ khí dùng để trang bị cho các tàu dân sự được động viên trong thời kỳ nguy cơ.
Khi xảy ra xâm lược, quốc gia duyên hải có thể nhanh chóng có được một hạm đội nhỏ để chiến đấu chống lực lượng tấn công đường biển của kẻ thù tiềm tàng.
Club-K tại triển lãm MMVS-2011.
Các container này được bố trí trên bờ biển và bảo vệ bờ biển chống các tàu đổ bộ đang lại gần, có nghĩa đây là vũ khí phòng thủ rất hiệu quả, hơn nữa giá lại rất rẻ - chỉ gần 15 triệu USD cho một hệ thống cơ bản (3 container, 4 tên lửa).
Số tiền đó nhỏ hơn hàng chục lần giá một khinh hạm hay corvette thường dùng để phòng thủ đường bờ biển.
Vì thế, các nhà thiết kế Nga gọi Club-K là “vũ khí chiến lược rẻ tiền”.
Club-K có khả năng thay thế cả các tàu chiến lẫn máy bay hải quân. Đối với những nước không giàu có với đường bờ biển dài thì đây là giải pháp lý tưởng thay thế cho việc mua sắm các vũ khí đắt tiền.
Ác mộng ám ảnh
Sự phổ biến của các tên lửa chống hạm Club, Yakhont, BrahMos, DF-21 và ngư lôi Shkval làm cho Mỹ và phương Tây rất đau đầu nghĩ kế đối phó. Theo các chuyên gia Mỹ, tên lửa Club, Yakhont, BrahMos đang làm thay đổi tư duy trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa cho hạm tàu.
Các tên lửa chống hạm SS-N-27 Sizzler (Club) khiến họ sợ hãi bởi vũ khí khủng khiếp này có tầm bắn xa, tốc độ siêu âm, thủ đoạn cơ động và tấn công tinh quái. Ấn Độ, Trung Quốc, Algeria hiện đã có tên lửa Club, còn Việt Nam, Syria, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Iran cũng đã mua hoặc muốn mua các tên lửa này.
Các chuyên gia quân sự Mỹ không tin chắc các tàu chiến Mỹ có khả năng đánh chặn tên lửa chống hạm Club. Phó đô đốc Hải quân Mỹ Tim Keating từng tuyên bố, Mỹ không có khả năng đối phó với các tên lửa như vậy. Vì vậy, trong nhiều năm nay, hạm đội Mỹ ráo riết chuẩn bị đối phó với tên lửa Club. Mỹ đã phát triển và mua sắm bia bay siêu âm, bay bám mặt biển GQM-163A Coyote SSST để kiểm tra khả năng chống tên lửa siêu âm Club của các hệ thống phòng không hạm tàu Mỹ.
Club-K trà trộn trong hàng ngàn container tàu biển.
Hệ thống tên lửa trong container Club-K cũng khiến giới quân sự phương Tây thực sự kinh hoàng. Họ cho rằng, Club-K có thể thay đổi hoàn toàn các nguyên tắc tiến hành chiến tranh hiện đại và làm rung chuyển các nền tảng của thương mại quốc tế. Họ đặt biệt danh cho Club-K là “chiếc hộp Pandora”, “sát thủ tàu sân bay” vì mối nguy hiểm chết người trong vẻ ngoài vô hại của nó.
Đặc điểm chủ yếu và đặc sắc nhất ở đây là toàn hệ thống có dạng 3 container tàu biển tiêu chuẩn 20 hay 40 ft, có thể bố trí trên mặt đất, xe tải, toa xe hỏa, các tàu biển, được ngụy trang tuyệt vời, có thể bất thần tấn công mà không hề có dấu hiệu báo trước nào. Vì thế, các tàu chiến đối phương chỉ còn biết trông cậy vào hệ thống phòng không của bản thân.
Bất cứ hệ thống trinh sát đường không và trinh sát kỹ thuật dù tinh vi đến đâu cũng bó tay, không thể phát hiện ra Cub-K trong hàng trăm, hàng ngàn, hàng trăm ngàn container rải khắp các hải cảng, nhà ga hay chuyên chở trên vô số tàu biển, tàu hỏa, xe tải chở container.
Tên lửa đối hạm Kh35E (trên, ktrv)và Kh-35UE tại triển lãm MMVS-2011.
Đối phương sẽ phải trinh sát kỹ càng hơn khi lên kế hoạch tấn công. Theo quy luật, khi tấn công, đối phương trước hết chế áp các phương tiện phòng không, sau đó mới đánh tan tành hệ thống phòng thủ bờ biển. Nhưng ở đây bên tấn công chẳng thể làm gì được khi hàng trăm, thậm chí hàng ngàn và thậm chí hàng chục ngàn mục tiêu giả (các container bình thường vốn được coi là “hồng cầu của thương mại thế giới”).
Điều đó sẽ buộc các tàu sân bay phải giữ mình xa bờ hơn, nên hạn chế được tầm hoạt động của máy bay từ tàu sân bay, hoặc khi chiến dịch đổ bộ xảy ra thì một phần các container có thể mở nắp và tiễn đưa các tàu đổ bộ xuống đáy biển cùng với binh lính cùng vũ khí trang bị, tổn thất sẽ vô cùng lớn. Ba là nó cho phép giữ ở gần bờ hơn các phương tiện sát thương quan trọng nhất và lực lượng dự bị. Bởi lẽ các tàu sân bay đã đuổi ra xa thì khả năng tác động đối với bờ biển sẽ giảm mạnh.
Club-K tại triển lãm MMVS-2011.
Thậm chí có ý kiến khẳng định rằng, nếu như vào năm 2003, Iraq có các Club-K thì Mỹ không thể tiến vào vịnh Persique được vì bất kỳ tàu hàng dân sự nào trong vùng vịnh cũng tiềm ẩn mối đe dọa đối với các tàu quân sự và hàng hóa.
Chính vì vậy, “sát thủ giấu mặt” Club-K có thể tạo ra tiềm lực nguy hiểm cho hải quân các quốc gia đối địch với phương Tây và cơ hội phổ biến tên lửa hành trình chưa từng có. Các chuyên gia Lầu Năm góc rất lo sợ khi Nga công khai chào bán hệ thống Club-K cho tất cả các nước đang có nguy cơ bị Mỹ tấn công. Họ cho rằng, Club-K có thể gây mất ổn định tình hình trên thế giới nếu được trang bị cho Venezuela và Iran.
Sự phổ biến của các vũ khí như Club-K cũng có thể làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột quân sự bất ngờ trên các vùng biển tranh chấp.