Tên lửa Agni-V và kịch bản chiến tranh hạt nhân Trung - Ấn

Hải Đăng |

(Soha.vn) - Chuyên gia Mỹ cho rằng vụ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo Agni-V của Ấn Độ vẫn chưa thể thay đổi sự tương quan giữa New Delhi với đối thủ Trung Quốc.

Ấn Độ đã thử nghiệm thành công loại tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Agni-V vào ngày 15/9. Theo lý thuyết, Agni-V có thể vươn tới các mục tiêu trên lãnh thổ Trung Quốc, tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán rằng sự kiện này vẫn chưa thể làm thay đổi đáng kể mối quan hệ đối xứng giữa quốc gia này với đối thủ hạt nhân Trung Quốc.

Thông cáo của Cơ quan phát triển và nghiên cứu quốc phòng Ấn Độ (DRDO), tên lửa Agni-V được phóng đi từ đảo Wheeler của Ấn Độ vào sáng ngày 15/9 (theo giờ địa phương), "bay theo một quỹ đạo định sẵn và đã chạm tới mục tiêu với độ chính xác như dự kiến". Đây là vụ phóng thử nghiệm thứ 2 đối với loại tên lửa nhiên liệu rắn này. Tên lửa Agni-V được phóng thử thành công lần đầu tiên vào tháng 4/2012.

Tên lửa Agni V rời bệ phóng ngày 15/9
Tên lửa Agni V rời bệ phóng ngày 15/9

Agni-V có tầm bắn gần 5.000 km, gần đạt tầm bắn của một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) - loại vũ khí mà hiện tại chỉ có Trung Quốc, Pháp, Anh và Mỹ phát triển thành công.

Bộ trưởng Quốc phòng A.K.Atony khen ngợi các nhà khoa học DRDO rằng "họ đã khiến quốc gia tự hào" và Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Shiv Shankar Menon cho rằng cuộc thử nghiệm đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tiến trình phát triển các loại tên lửa tầm xa của New Delhi.

Tuy nhiên, theo Christopher Clary, cựu giám đốc phụ trách các vấn đề Nam Á tại văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, sự kiện này có thể sẽ không thay đổi tình trạng các mối quan hệ chiến lược hiện tại giữa New Delhi và hai đối thủ hạt nhân hàng đầu là Pakistan và Trung Quốc.

"Sự hiện hữu của tên lửa Agni-V không làm thay đổi yêu cầu trang bị vũ khí của bất cứ đối thủ tiềm năng nào với Ấn Độ: Trung Quốc đã có tên lửa tầm xa và Pakistan hoàn toàn có thể đe dọa các trung tâm thương mại Ấn Độ với các hệ thống vũ khí hiện có", Clary nhận định trong một email.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni-V trong một cuộc diễu binh của Ấn Độ
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni-V trong một cuộc diễu binh của Ấn Độ

Thế nhưng, cũng theo Clary, tên lửa Agni-V đã nâng cao mức độ tin cậy trong khả năng răn đe hạt nhân của New Delhi với Bắc Kinh, bởi nó mang lại cho Ấn Độ khả năng đe dọa các thành phố lớn của Trung Quốc.

"Trong một thời gian dài, các nhà hoạch định chiến lược Ấn Độ đã vạch ra những đề án ngông cuồng để có thể tấn công bằng vũ khí hạt nhân vào trung tâm kinh tế và chính trị của Trung Quốc ở phía Đông hoặc ở Tây Tạng trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân" - Clary nhận định.

Hiện tại, tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân có tầm bắn xa nhất trong quân đội Ấn Độ là Agni-III, với tầm bắn 3.500 km.

Trong khi đó, mối quan hệ hạt nhân giữa New Delhi và Bắc Kinh đôi lúc được coi là sự ganh đua một chiều.

"Bắc Kinh sẽ không "hạ cố" thừa nhận mối quan hệ răn đe lẫn nhau với Ấn Độ" - Michael Krepon, đồng sáng lập Trung tâm Stimson (một tổ chức nghiên cứu an ninh toàn cầu phi lợi nhuận và phi đảng phái ở thủ đô Washington) nhận định.

Ấn Độ và Trung Quốc đã có một cuộc chiến tranh chớp nhoáng vào năm 1962 và đã có một số tranh chấp ở khu vực biên giới.

"Tên lửa Agni-V sẽ không ngăn cản được các phương tiện tuần tra của Trung Quốc xâm phạm Đường kiểm soát Thực sự (Line of Actual Control - LAC) phân chia khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước" - Krepon dự đoán.

Trước đó, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều từng tuyên bố thi hành chính sách "Không sử dụng trước" (No First Use) đối với vũ khí hạt nhân.

Theo tờ Times of India, sau cuộc thử nghiệm tên lửa Agni-V ngày 15/9, Ấn Độ dự kiến bước phát triển tiếp theo sẽ là nghiên cứu chế tạo một phiên bản tên lửa nhỏ hơn để có thể phóng từ bệ phóng trên xe tải.

Theo một quan chức cấp cao giấu tên của Ấn Độ, phiên bản mới này có thể sẽ được đưa vào thử nghiệm trong đầu năm sau. Sau đó, chỉ cần trải qua 3-4 cuộc thử nghiệm nữa trước khi loại tên lửa nhiên liệu rắn này được đưa vào sản xuất hàng loạt.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại