Tàu cánh ngầm là một con tàu được trang bị cánh giống như những chiếc lá lắp trên các giằng phía dưới thân. Khi tàu tăng tốc, các cánh ngầm tạo ra lực nâng thân tàu lên khỏi mặt nước, có tác dụng giảm bớt rất nhiều lực cản nhằm đẩy tốc độ lên cao.
Tàu tên lửa cánh ngầm Dự án 1240 Sarancha của Liên Xô
Trong cùng chủng loại, nổi tiếng nhất chính là Dự án 1240 Sarancha của Liên Xô - Chiếc tàu tên lửa cánh ngầm lớn nhất và nhanh nhất thế giới, khi có thể đạt tốc độ 58 hải lý/h (107 km/h) bất chấp lượng giãn nước đầy tải lên tới 320 tấn.
Nếu xét về sức mạnh thì Sarancha luôn vững chắc ở ngôi vị số 1, nhưng vì quá phức tạp nên đã dẫn đến việc chỉ có duy nhất một chiếc được hoàn thành, khiến cho nó bị đánh giá là kém thành công hơn đối thủ bên kia chiến tuyến là lớp tàu Pegasus của Hải quân Mỹ.
Tàu tên lửa cánh ngầm lớp Pegasus
Pegasus là lớp tàu tên lửa cánh ngầm (PHM) được thiết kế cho Hải quân Mỹ để hoạt động trong vùng Biển Bắc và Biển Baltic, như lực lượng chủ công của NATO nhằm chống lại số lượng lớn các tàu tấn công nhanh lớp Osa và Komar của khối quân sự Warsaw.
Yêu cầu chế tạo một lớp tàu như vậy được đặt ra từ cuối thập niên 1960, dẫn tới kết luận sử dụng kết cấu cánh ngầm sẽ là tối ưu.
Vào năm 1970, Đô đốc Elmo Zumwalt - Tư lệnh Tác chiến của Hải quân Mỹ muốn tăng số lượng tàu mặt nước trong khi vẫn phải đảm bảo chi phí hợp lý, do vậy ông đã hậu thuẫn mạnh mẽ cho chương trình Pegasus và đề xuất nó như một tiêu chuẩn của khối NATO.
Hai nguyên mẫu đầu tiên đã được chế tạo trong năm 1972. Ngoài Mỹ, Hải quân Đức, Italia cũng ký nghị định thư để tham gia dự án, còn Hải quân Anh và Canada đóng vai trò quan sát viên. Dự kiến sẽ có 30 chiếc được đóng cho Hải quân Mỹ, 10 dành cho Đức và 4 cho Italia.
Con tàu giống như đang đứng trên mặt nước nhờ một đôi cà kheo khổng lồ
Tàu tên lửa Pegasus có lượng giãn nước đầy tải 237,2 tấn; chiều dài 40 m; chiều rộng 8,5 m; thủy thủ đoàn 21 người.
Ở chế độ chạy thường, 2 động cơ diesel tăng áp MTU của Mercedes-Benz có tổng công suất 1.600 mã lực (1.193 kW) kết hợp với hệ thống đẩy phản lực nước cho tốc độ tối đa chỉ 12 hải lý/h (22 km/h).
Còn khi hoạt động với cánh ngầm, tàu sử dụng động cơ turbine khí General Electric LM2500 công suất 18.000 mã lực (13.423 kW), giúp tăng tốc độ lớn nhất lên tới 48 hải lý/h (89 km/h).
Vũ khí trang bị của lớp PHM này gồm 8 tên lửa hành trình chống hạm RGM-84 Harpoon có tầm bắn 124 km bố trí trong 2 cụm 4 ống phóng, ngoài ra tàu còn có 1 pháo bắn nhanh OTO Melara Mk 75 cỡ 76,2 mm.
Trên chiếc PHM-1, radar điều khiển hỏa lực là loại Mk 94 Mod 1, trong khi ở 5 chiếc còn lại là radar Mk 92 Mod 1.
Biên đội tàu PHM của Hải quân Mỹ
Mặc dù là một thiết kế tốt, nhưng sau khi Đô đốc Zumwalt về hưu, Hải quân Mỹ đã dồn phần lớn ngân sách cho việc đóng những tàu chiến lớn hơn. Do vậy dự án Pegasus bị chấm dứt khi mới có 6 chiếc được hoàn thành trong giai đoạn 1973 - 1982.
Thời gian hoạt động của 6 chiếc PHM trong Hải quân Mỹ cũng khá ngắn, chỉ từ 1977 - 1993, do chúng chủ yếu được sử dụng cho nhiệm vụ tuần tra ven bờ, không phù hợp với thiết kế ban đầu là tàu tấn công nhanh vốn có chi phí hoạt động lớn.
Sau khi bị loại biên, 5 chiếc đầu tiên của lớp hiện đã bị dỡ bỏ, chỉ còn duy nhất chiếc PHM-6 Gemini được hoán cải thành du thuyền là vẫn còn có mặt trên đại dương.