Tàu tên lửa cao tốc Molniya Việt Nam - Nhỏ mà có võ

Quyết Thắng |

(Soha.vn) - Việt Nam chuẩn bị đưa vào biên chế thêm hai tàu Molniya số hiệu HQ-377, HQ-378 để cùng với HQ-375 và HQ-376 tạo thành “bầy sói dũng mãnh” trên biển Đông.

Nhỏ nhưng nhanh và đầy sức mạnh

Trong thời gian sắp tới, sức mạnh Hải quân Việt Nam sẽ được gia tăng đáng kể bằng việc đưa vào biên chế một số lượng lớn tàu tên lửa Molniya thuộc dự án 12418. Molniya không phải là tàu chiến lớn, thậm chí thế giới còn xếp loại tàu này vào hạng “missile boat” nghĩa là xuồng tên lửa. Vậy tại sao Việt Nam không đầu tư phát triển tàu chiến cỡ lớn như Gepard 3.9 mà lại tập trung vào Molniya?

Trước hết phải nói rằng Molniya khá nhỏ bé, tàu có lượng giãn nước toàn tải chỉ 550 tấn; dài 56,1m; rộng 10,2m; mới nước (toàn tải) 2,14m, vận tốc tối đa 38 hải lý/giờ; thủy thủ đoàn 44 người nhưng do Hải quân Việt Nam hiện tại được xây dựng theo hướng hoạt động ven bờ, chú trọng bảo vệ lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế vì vậy tầm hoạt động 1.650 hải lý là đủ để Molniya đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Mặc dù kích cỡ khiêm tốn nhưng Molniya lại được trang bị hệ thống vũ khí khá mạnh, tương đương các chiến hạm lớn, trong đó đáng kể nhất là 16 tên lửa hành trình chống tàu Kh-35 Uran-E được bố trí ở 4 bệ phóng KT-184 2 bên sườn tàu. Đây là loại tên lửa đối hạm hiện đại có khả năng tàng hình, bay cực thấp, chỉ cách mặt biển 3-5m và đủ sức đánh chìm chiến hạm có lượng giãn nước lên tới 5.000 tấn. Ngoài tên lửa Uran-E, Molniya còn có 1 pháo hạm tự động AK-176M cỡ nòng 76,2mm, 2 pháo phòng không cao tốc AK-630M và 12 tên lửa đối không tầm thấp Igla-1M.

Cận cảnh vũ khí trang bị trên tàu Molniya

Cận cảnh vũ khí trang bị trên tàu Molniya

Về thiết bị điện tử, tàu được trang bị hệ thống radar mạng pha 3 chiều Pozitiv-ME1 trinh sát mục tiêu trên không và trên biển. Radar có một số tính năng gồm: phát hiện mục tiêu có diện tích phản xạ radar 1m2 bay ở độ cao 1 km từ cự ly 110 km; phát hiện tên lửa chống tàu có diện tích phản xạ radar 0,03m2 bay độ cao 15m từ cự ly 15 km; theo dõi 15 mục tiêu và khóa 3-5 mục tiêu cùng lúc. Ngoài ra, tàu còn có radar hỏa lực Garpun-Bal dẫn bắn cho tên lửa đối hạm và radar MR-123 để điều khiển các loại pháo.

Có thể nói rằng Molniya là loại tàu chiến "nhỏ mà có võ". Chính đặc điểm này đã khiến Việt Nam nhanh chóng lựa chọn Molniya làm lực lượng xung kích chính trên biển Đông bởi nó phù hợp với nghệ thuật quân sự Việt Nam: “lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều”, “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”. Khi đối đầu với những tàu chiến lớn, "bầy sói" Molniya với sự linh hoạt cùng hỏa lực mạnh của mình sẽ nhanh chóng giành thế chủ động.

Tàu Molnyia HQ-376 tuần tra trên biển

Tàu Molniya HQ-376 tuần tra trên biển

Cơ hội vàng cho nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam

Không chỉ phù hợp với quan điểm tác chiến mà Molniya còn giúp chúng ta đẩy mạnh phát triển nền công nghiệp quốc phòng. Bằng phương thức mua giấy phép để đóng trong nước, đây là cơ hội vàng để ngành đóng tàu quân sự Việt Nam tiếp cận đến trình độ hiện đại.

Sẽ có nhận xét cho rằng chúng ta chỉ sản xuất được "phần xác" của tàu còn "phần hồn" là hệ thống thông tin chỉ huy, hệ thống vũ khí vẫn phải đi mua khiến việc đóng tàu trong nước không mấy hiệu quả. Điều đó không hoàn toàn sai nhưng phải lưu ý là từ lắp ráp chúng ta có thể tiến tới nội địa hóa từng phần. Ngoài ra, trong xu thế toàn cầu hóa và chuyên môn hóa của nền công nghiệp thế giới hiện nay, việc tích hợp các thành phần riêng lẻ từ các quốc gia khác nhau thành một sản phẩm của mình là việc hết sức bình thường. Việc vũ khí Mỹ sử dụng linh kiện Trung Quốc, vũ khí Nga dùng thiết bị của Tây Âu, tàu chiến Ấn Độ dùng động cơ Nhật Bản… đã trở nên rất phổ biến.

Một điểm đáng lưu ý nữa là loại tên lửa Kh-35 Uran trang bị cho Molniya cũng là vũ khí chủ lực trên nhiều chiến hạm khác của Hải quân Việt Nam và sắp tới cũng sẽ được chế tạo trong nước. Điều này sẽ giúp ta tự chủ việc cung cấp, lắp đặt; đồng bộ trong bảo dưỡng kỹ thuật.

Với những lý do trên, rõ ràng việc lựa chọn Molniya là quyết định sáng suốt của Việt Nam khi vừa nâng cao năng lực tác chiến của Hải quân vừa thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp quốc phòng.

Việc tự chế tạo các tàu chiến hiện đại như Molnyia là cơ hội vàng để nâng cao trình độ nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam

Việc tự chế tạo các tàu chiến hiện đại như Molniya là cơ hội vàng để nâng cao trình độ ngành đóng tàu quân sự nói riêng và nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam nói chung

Sói biển đã thành bầy

Với tổng số 8 tàu chiến nằm trong kế hoạch đưa vào trang bị, Molniya Việt Nam sẽ trở thành “bầy sói dũng mãnh” trên biển Đông. Kể từ khi 2 chiếc tàu tên lửa thuộc dự án 12418 đóng tại Nga được bàn giao cho Hải quân nhân dân Việt Nam trong năm 2007 (2 tàu mang số hiệu HQ-375 và HQ-376) đến thời điểm 2 tàu đầu tiên đóng tại Việt Nam bắn nghiệm thu vào tháng 4/2014 tại Cam Ranh là đã mất tới 7 năm nhưng dự kiến cuối năm 2015 thì 4 chiếc Molniya cuối cùng đóng tại Việt Nam sẽ được hoàn thành.

Rõ ràng sau khoảng thời gian 7 năm sử dụng và đánh giá hiệu quả của các tàu HQ-375, HQ-376, Việt Nam đã nhận thấy những tính năng tuyệt vời của Molniya và quyết định gấp rút hoàn thành dự án.

Tính đến thời điểm hiện tại, với tổng số 4 chiếc Molniya gồm HQ-375, HQ-376, HQ-377 và HQ-378, có thể coi như “sói biển" Molniya đã thành bầy và sức mạnh của chúng sẽ giúp Hải quân Việt Nam có thể giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Molniya do Việt Nam đóng bắn nghiệm thu tên lửa

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại