Tuần báo Kinh doanh Pháp hôm 3/10 cho biết tập đoàn MBDA tại Pháp đang có kế hoạch tham gia cung cấp tên lửa phòng không trên hạm VL Mica và tên lửa chống tàu tiên tiến Exocet Block 3 cho 2 tàu hộ tống tàng hình SIGMA 9814 mà nhà máy đóng tàu DSNS của Hà Lan chế tạo cho Việt Nam.
Thỏa thuận tương lai này được MBDA đánh giá rất cao trong việc giúp họ tiến sâu hơn vào thị trường mua sắm các thiết bị quân sự tại Việt Nam trong thời gian tới.
Ngoài Việt Nam, tập đoàn MBDA sẽ cung cấp hệ thống tên lửa VL Mica và Exocet Block 3 cho 6 tàu hộ tống lớp Gowind mới cho Hải quân Malaysia, thỏa thuận này nước tính gần 140 triệu USD.
Exocet là tên lửa hành trình chống tàu mặt nước tốc độ cận âm được thiết kế để chống tàu nhỏ và vừa (như tàu tên lửa, tàu khu trục, tàu hộ tống..). Trong thực tế, nó còn được sử dụng và chứng tỏ hiệu quả chống tàu lớn như tàu sân bay khi phóng với số lượng lớn.
Tên lửa có khối lượng 670 kg, dài 4,7 m, đường kính 35 mm, khối lượng đầu chiến đấu 165 kg, vận tốc hành trình cận âm 315 m/s, sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính trong giai đoạn hành trình và radar chủ động trong giai đoạn cuối. Để vượt qua hệ thống phòng thủ của đối phương, ở giai đoạn cuối, tên lửa hạ xuống độ cao cực thấp ở 1-2 m so với mặt biển. Do ảnh hưởng của đường chân trời radar, tên lửa chỉ có thể được phát hiện với khoảng cách nhỏ hơn 6.000 m. Điều này khiến cho đối phương có rất ít thời gian để kích hoạt hệ thống phòng thủ tầm gần (CIWS).
Phiên bản Exocet MM40 phóng từ mặt đất hoặc tàu mặt nước bao gồm - Block1, Block2 và Block3. Trong đó, Exocet Block 3 ra đời đã khắc phục một số nhược điểm của Block 2 như tầm bắn quá ngắn.
Block 3 bắt đầu được sản xuất vào năm 2008, tàu chiến đầu tiên trang bị Block 3 được đưa vào biên chế Hải quân Pháp năm 2010. Hiện nay, Block3 đã nhận được đơn đặt hàng của các nước Hy Lạp, UAE, Peru, Qatar, Oman, Indonesia và Morocco.
Sau khi được nâng cấp, tên lửa Exocet Block 3 mới có tầm bắn gấp đôi (180 km) so với phiên bản Block 2. Cùng với đó, Exocet Block 3 cũng linh hoạt hơn trong việc chọn chế độ bay và quỹ đạo tấn công để nâng cao khả năng đánh trúng mục tiêu. Ngoài ra, Exocet phiên bản mới cũng có khả năng tấn công các mục tiêu hoạt động ở vùng biển gần bờ theo tọa độ được nạp trước.
Trong khi đó, biến thể hệ thống tên lửa MICA cho hải quân (VL MICA) với thiết kế module nhỏ gọn, có khả năng tấn công các tấn công tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu trên không. Đạn tên lửa của hệ thống sử dụng 2 đầu dò "tinh vi" là radar xung doppler hoặc đầu dò hồng ngoại thụ động (IR&RF). Tên lửa hoạt động theo nguyên lý "bắn và quên", sử dụng hệ dẫn đường quán tính trong giai đoạn giữa và liên tục cập nhật vị trí mục tiêu trong quá trình bay, tạo ra khả năng tấn công linh hoạt với hiệu suất cao.
Hệ thống có tầm xa tấn công 25km, tuy không lớn bằng một số hệ thống phòng không trên hạm như Shtil-1 (120km) của Nga, nhưng bù lại là khả năng đánh chặn vượt trội đối với các mục tiêu tên lửa, bom thông minh... và bảo vệ cho đội hình tàu chiến trước các mối đe dọa trên không.
Như vậy, theo các thông tin được tiết lộ gần đây, có thể khái quát cấu hình của SIGMA Việt Nam như sau: Tàu SIGMA 9814 dành cho Việt Nam sẽ có chiều dài 98 m, rộng 14m, được trang bị hệ thống ống phóng thẳng đứng (VLS) cho tên lửa phòng không MBDA MICA, trang bị pháo hạm Oto Melara 76mm và tên lửa chống tàu mặt nước Exocet Block 3.
Ngoài ra, tàu còn trang bị hệ thống quản lý chiến đấu hiện đại TACTICOS cùng hệ thống radar tìm kiếm mục tiêu SMART-S MK2 và hệ thống điều khiển hỏa lực STING EO MK2 do hãng Thales phát triển. Đây đều là những hệ thống điện tử thuộc hàng tiên tiến nhất của châu Âu.