Nhật Bản - đảo quốc ở Thái Bình Dương với 6.852 hòn đảo lớn nhỏ, là láng giềng có vùng biển tiếp giáp với Trung Quốc, Triều Tiên và Nga - những quốc gia có hạm đội tàu ngầm hùng hậu. Thực tế khách quan đó khiến Nhật Bản phải đánh giá thấu đáo sự thông suốt trên con đường hàng hải của mình trong trường hợp xảy ra xung đột trên biển.
Không như Mỹ, Nhật Bản cảm thấy chưa cần thiết cũng như chưa đủ khả năng triển khai sức mạnh quân sự thông qua các tàu sân bay cỡ lớn. Thay vào đó, họ quyết định thiết kế những tàu sân bay trực thăng vừa có khả năng tìm diệt tàu ngầm vừa có thể hỗ trợ các hoạt động khác trong hạm đội, đó là lý do để tàu sân bay lớp Hyuga ra đời.
Tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga
Người Nhật bắt đầu đặt ky đóng chiếc tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga đầu tiên mang số hiệu DDH-181 tại xưởng đóng tàu Yokohama năm 2006, con tàu được chính thức vào biên chế năm 2009. Trong khi đó, chiếc thứ hai JDS Ise (DDH-182) được đưa vào biên chế tháng 3 năm 2011.
Tàu sân bay trực thăng Hyuga lấy lại tên gọi của thiết giáp hạm chuyển đổi thành tàu sân bay của Hải quân đế chế Nhật thời chiến tranh thế giới thứ 2. Về phân cấp thì Hyuga thuộc dạng tàu sân bay hạng nhẹ (mặc dù người Nhật gọi nó là “Khu trục hạm mang trực thăng”) với khả năng đảm bảo hoạt động cho máy bay trực thăng, máy bay cánh cố định không thể hoạt động trên Hyuga vì tàu không có máy phóng hay đường cất cánh nhảy cầu kiểu “ski-jump”.
Tuy vậy, không loại trừ khả năng các máy bay cánh bằng với cơ chế cất hạ cánh thẳng đứng như F-35B hay Harrier có thể hoạt động trên Hyuga. Tiếc rằng chúng không hoặc chưa có trong biên chế Hải quân Nhật để có thể kiểm nghiệm phán đoán này vì boong tàu Hyuga chỉ cần một chút tùy chỉnh để tiếp nhận những loại máy bay trên.
Trực thăng săn ngầm SH-60 là “hỏa lực” chính của tàu sân bay Hyuga
Nhiệm vụ chính của tàu sân bay lớp Hyuga là tác chiến tiêu diệt tàu ngầm. Trong hạm đội Hải quân Nhật, tàu sân bay lớp Hyuga đóng vai trò kỳ hạm, đảm nhận trách nhiệm chỉ huy chung toàn lực lượng. Hyuga có kích thước: dài 197m, rộng 33m, mớn nước 7m, lượng giãn nước tiêu chuẩn 14.000 tấn, đầy tải 19.000 tấn, là lớp tàu lớn thứ hai của Hải quân Nhật sau Chiến tranh thế giới thứ 2 (chỉ đứng sau tàu sân bay trực thăng Izumo DDH-183 mới đóng).
Hyuga có thể mang theo 11 trực thăng hải quân loại SH-60K Seahawk hoặc MH-47 Chinook với 4 chiếc hoạt động đồng thời trên đường băng. Trong khoang tàu là đầy đủ các thiết bị bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa máy bay với hai thang máy vận chuyển trực thăng lên xuống đường băng, thủy thủ đoàn của tàu gồm 360 người (371 người trên DDH-182 Ise). Nhật tuyên bố hiến pháp của họ không cho phép gây chiến tranh nên tàu sân bay lớp Hyuga về mặt lý thuyết do chỉ mang được trực thăng nên không phải loại tàu sân bay tấn công.
Khoang chứa máy bay trên tàu sân bay Hyuga
Hệ thống vũ khí trên tàu lớp Hyuga cũng đơn thuần chỉ là các hệ thống phòng vệ bao gồm 2 pháo phòng không tầm cực gần Phalanx cỡ 20mm, 2 bệ phóng ngư lôi 3 nòng hạng nhẹ cỡ 324mm “Hunter-Killer” và hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) 16 ống Mk-41 dùng để bắn tên lửa phòng không RIM-162 Evolved Sea Sparrow ESSM, tên lửa đối hạm hoặc tên lửa chống tàu ngầm RUM-139 ASROC.
Thiết bị tác chiến điện tử được tích hợp trên tàu sân bay lớp Hyuga là cực kỳ hiện đại, trong đó có thể kể đến hệ thống radar cảnh báo FCS-3 AAW, một biên bản rút gọn của hệ thống radar mảng pha Aegis nổi tiếng của Mỹ, hệ thống dò tìm tàu ngầm OQQ-21, hệ thống “bắt” tên lửa bay thấp OPS-20C.
Vị trí pháo bắn nhanh Phalanx và bệ phóng tên lửa Mk-41 trên tàu Hyuga
Hệ thống động lực trên tàu lớp Hyuga gồm 4 động cơ turbine khí General Electric LM2500 công suất 25.000 mã lực mỗi động cơ, đảm bảo cho tàu di chuyển với tốc độ tối đa lên tới 30 hải lý/giờ.
Có thể nói tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga cấu thành một bộ phận rất quan trọng trong tác chiến của Hải quân Nhật, chúng vừa là sát thủ khiến tàu ngầm đối phương phải lo sợ vừa chỉ huy chung các loại tàu chiến đấu khác. Hơn nữa, mặc dù không có khả năng thả các phương tiện đổ bộ nhưng chúng ta biết rằng tàu Hyuga không chỉ có thể mang mỗi 360 người thủy thủ đoàn mà còn mang thêm được lực lượng lính thủy đánh bộ khi cần, điều này không được công bố chẳng qua vì các lý do chính trị.
Hyuga song hành cùng tàu sân bay Nimitz trong một cuộc diễn tập hỗn hợp Mỹ - Nhật
Tàu sân bay trực thăng Hyuga DDH-181
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA