Tạp chí Diplomat (Nhật Bản) đăng bài viết bình luận về thông tin Nga đóng tàu sân bay mới.
Dưới đây là nội dung bài viết:
Nga tuyên bố đóng siêu tàu sân bay
Nga đang trong quá trình đóng tàu sân bay mới – đó là tuyên bố của Đô đốc Viktor Chirkov, Tư lệnh Hải quân Nga trước truyền thông.
Hôm thứ Hai (2/3), hãng thông tấn ITAR-TASS đưa tin, Hải quân Nga sẽ “tiếp nhận một tàu sân bay mới đầy hứa hẹn”.
Thêm vào đó, Đô đốc Chirkov còn thông báo rằng, Hải quân Nga có thể sẽ nhận thêm 50 tàu chiến các loại.
Hải quân Nga hiện đang vận hành tàu sân bay duy nhất, chiếc Đô đốc Kuznetsov. Con tàu được đưa vào hoạt động từ năm 1991 sau khi được Liên Xô hạ thủy vào cuối những năm 1980.
“Hải quân Nga sẽ có một tàu sân bay. Các công ty nghiên cứu đang xúc tiến việc này và nghiêm túc tiến hành theo đúng yêu cầu của Tư lệnh hải quân” – ông Chirkov cho biết trong chuyến thăm tới nhà máy cung cấp động cơ diesel cho Hải quân Nga gần Moscow.
Mô hình tàu sân bay do Trung tâm thiết kế Krylov giới thiệu.
Theo ITAR-TASS, trước đó, các phương tiện truyền thông Nga đưa tin, Trung tâm nghiên cứu Krylov đang phát triển một lớp tàu sân bay mới cho Hải quân Nga, được cho là có khả năng triển khai 100 máy bay chiến đấu.
Trong khi đó, các tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz của Mỹ chỉ có thể mang khoảng 90 máy bay.
Đáng chú ý, mẫu tàu sân bay mới sẽ sử dụng hệ thống máy phóng để triển khai máy bay chiến đấu, thay vì boong phóng kiểu nhảy cầu như ở hầu hết các thiết kế tàu sân bay thời Liên Xô.
Thêm vào đó, thân tàu được thiết kế để giảm 20% sức cản so với các tàu sân bay trước đó của Nga. Điều này về lý thuyết giúp tăng tốc độ tối đa của tàu.
Câu nói “các công ty nghiên cứu đang xúc tiến việc này” của ông Chirkov là dấu hiệu duy nhất cho thấy con tàu mà ông Chirkov đề cập tới và con tàu được truyền thông Nga đưa tin tháng trước là một tàu.
Trung tâm nghiên cứu Krylov, một cơ sở nghiên cứu nhà nước, được đề cập là nơi phát triển ý tưởng cho mẫu tàu sân bay mới này.
Tuy nhiên, ông Chirkov không nói rõ tàu sân bay mới sẽ có những khả năng lớn tới mức nào.
Đề cập tới kế hoạch tăng cường 50 tàu cho Hải quân Nga, ông Chirkov lưu ý rằng, trọng tâm sẽ là “các chiến hạm mặt nước đa nhiệm thế hệ mới” cùng “các tàu ngầm hạt nhân đa nhiệm và chiến lược”.
“Với các tàu ngầm hạt nhân và tàu mặt nước, Hải quân Nga có thể đáp ứng các yêu cầu để hoàn thành nhiệm vụ từ các vị trí đóng quân xa xôi khác nhau” – ông Chirkov nói.
Theo tờ The Moscow Times, trong năm 2015, Hải quân Nga sẽ bổ sung các khinh hạm và tàu tuần tra mới.
Chương trình đóng tàu của Hải quân Nga đã được lên kế hoạch cho tới năm 2050.
Hiện tại Hải quân Nga chỉ có 1 tàu sân bay là chiếc Đô đốc Kuznetsov.
Nga có cần thêm tàu sân bay?
Mặc dù thời gian gần đây, Nga liên tục công bố những kế hoạch tham vọng để tăng cường sức mạnh hải quân nhưng vẫn có lý do để hoài nghi những tuyên bố của ông Chirkov và những thông tin về tàu sân bay mới mà truyền thông Nga đưa ra.
Đó là tình hình toàn diện của nền kinh tế Nga và lịch sử ngành công nghiệp thiếu năng lực chế tạo các phương tiện hải quân phức tạp với tốc độ nhanh, nhất là tàu sân bay.
Trong một bài viết do Reuters đăng tải, chuyên gia David Axe từng đề cập rằng, Nga “đã thất bại trong việc duy trì các cơ sở đóng tàu đắt đỏ và những kỹ năng dễ bị tàn lụi của công nhân”.
Vì vậy, dù các nhà nghiên cứu trong nước có thể tạo ra một bản thiết kế đầy hứa hẹn cho tàu sân bay mới thì việc xây dựng một con tàu thực sự vẫn là viễn cảnh xa xôi.
Thêm vào đó, quân đội Nga không được “xông xênh” về ngân sách và thoải mái về chiến lược như các nhà hoạch định quốc phòng Mỹ.
Xét tới các cuộc khủng hoảng hiện nay ở Đông Âu, Trung Đông, cùng mối quan hệ lạnh dần với phương Tây và Mỹ, chi tiêu quốc phòng trong ngắn hạn của Nga sẽ chủ yếu hướng tới mục tiêu duy trì trạng thái sẵn sàng cho các hệ thống vũ khí hiện hành.
Bên cạnh đó, các quan chức Nga thường xuyên nêu ra những kế hoạch tham vọng để mở rộng sự phát triển của quân đội Nga, như những tuyên bố gần đây rằng Nga sẽ xây tới 10 sân bay ở Bắc Cực vào năm 2016.
Tuyên bố về tàu sân bay mới có thể cũng chỉ là một trong những tuyên bố như vậy.
Cuối cùng, thậm chí giả sử rằng Nga tập hợp toàn bộ nguồn nhân lực và năng lực công nghiệp để chế tạo tàu sân bay mới như đã nói thì đối với Hải quân Nga, thêm một tàu sân bay mới có phải là một sự khôn ngoan hay không lại rất đáng nghi ngờ.
Các tàu sân bay giữ một vai trò nhất định trong chiến lược hải quân (mà vai trò này có thể đã trở nên lỗi thời vì sự tinh vi của các loại vũ khí chống tàu hiện nay).
Kuznetsov, tàu sân bay độc nhất của Nga sau Chiến tranh Lạnh, đã được triển khai 5 lần nhưng các đợt triển khai chưa từng kéo dài hơn 6 tháng.
Khi được triển khai, con tàu như một công cụ để phô trương thanh thế, nhằm thể hiện sự hỗ trợ của Nga đối với những đồng minh then chốt.
Chiếc tàu sân bay thứ 2, với chi phí có thể lên tới hàng tỷ USD, sẽ không mấy hữu dụng theo hướng sử dụng chiến lược.
Đầu tư cho năng lực chiến tranh mạng sẽ mang lại hiệu quả chi phí cao hơn đối với Nga.