Tàu sân bay nội địa Ấn Độ chỉ là hổ giấy?

Hải Đăng |

(Soha.vn) - Thời báo Hoàn Cầu trích dẫn bài viết “Tàu sân bay nội địa Ấn Độ chỉ là hổ giấy?” của tác giả Zhang Yingchun đã được truyền thông Hongkong phản ánh trước đó.

Theo bài viết, ngày 12/8 vừa qua, Ấn Độ đã cho hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này. Hải quân Ấn Độ gọi đây là “ngày lịch sử” bởi nó đánh dấu việc Ấn Độ đã trở thành quốc gia thứ 5 trên thế giới tự chế tạo và sản xuất tàu sân bay nội địa, sau Mỹ, Nga, Pháp và Anh.

Tuy nhiên, sự vui mừng không kéo dài được bao lâu, sáng ngày 14/8, chiếc tàu ngầm INS Sindhurakshak thuộc lớp Kilo của Hải quân Ấn Độ đã gặp sự cố phát nổ rồi chìm tại hải cảng Mumbai, khiến 18 thủy thủ thiệt mạng. Điều này đã phần nào bộc lộ được sự yếu kém của Hải quân Ấn Độ.

Tàu sân bay INS Vikrant của Ấn Độ trong buổi lễ hạ thủy hôm 12/8
Tàu sân bay INS Vikrant của Ấn Độ trong buổi lễ hạ thủy hôm 12/8

Về phần Vikrant, bài viết nhận định, con tàu có kết cấu phức tạp, hạ thủy chậm hơn 4 năm so với kế hoạch ban đầu, và chi phí cho con tàu này đã tăng từ 500 triệu USD lên tới hơn 50 tỷ USD. Máy bay được trang bị đầy đủ trên con tàu sau khi hoàn thành, được kỳ vọng sẽ tăng khả năng tấn công của Hải quân Ấn Độ và khả năng phòng thủ tại các khu vực xung quanh, giúp duy trì ưu thế của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương.

Tuy nhiên, theo tờ Defense News của Mỹ và một số nguồn tin hải quân của Ấn Độ, Vikrant trên thực tế mới chỉ hoàn thành 30%, việc triển khai con tàu này có thể bị đẩy lùi đến năm 2020.

Bài viết đặt câu hỏi, trong quá khứ, Ấn Độ luôn phụ thuộc vào nước ngoài, liệu với tàu sân bay Vikrant, Ấn Độ có đủ khả năng độc lập để xây dựng một đội quân viễn chinh hay không?

Điều này vẫn chưa thể khẳng định. Vikrant được Ấn Độ tuyên bố là tàu nội địa nhưng trên thực tế, nó chỉ được đóng tại xưởng đóng tàu của Ấn Độ và dùng công nghệ của nước này, trong khi đó, bản thiết kế của Vikrant dựa theo thiết kế của Pháp, tàu được trang bị các máy bay do Nga sản xuất, sử dụng động cơ Mỹ.

Tàu sân bay nội địa Ấn Độ chỉ là hổ giấy?
 

Vikrant mới chỉ hoàn thiện phần thân ban đầu, phần cấu trúc đuôi, kiến trúc thượng tầng chưa được hoàn thành, các thành phần cốt lõi vẫn chưa được lắp đặt, điều này có nghĩa là thời gian con tàu đi vào phục vụ sẽ phụ thuộc cả vào những nhà cung cấp nước ngoài, Ấn Độ phần lớn đã không thể “tự chủ để đưa ra quyết định” trong vấn đề này.

Bài viết nhận định, trong những năm gần đây, với việc thông qua kế hoạch mua sắm nhiều vũ khí lớn, Ấn Độ đang cố gắng xây dựng lực lượng hải quân đứng thứ 2 thế giới. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm từ năm 2011 đến hiện tại, Ấn Độ là nước nhập khẩu nhiều vũ khí nhất trên thế giới.

Các nhà phân tích tin rằng, mặc dù việc mua sắm các thiết bị quân sự và nguồn lực sẵn có có thể nhanh chóng nâng cao trình độ công nghệ vũ khí và thiết bị quân sự nhưng cũng sẽ dẫn tới sự chậm phát triển của ngành công nghiệp quân sự trong nước. Sự phát triển của ngành công nghiệp Ấn Độ đầy tham vọng nhưng các doanh nghiệp quân sự lại hoạt động không mấy hiệu quả.

Bài viết cho rằng, để thực sự trở thành một cường quốc hàng hải, Ấn Độ vẫn còn một chặng đường rất dài ở phía trước. Theo các nhà phân tích, lợi thế của Ấn Độ nằm ở Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác, trong khi Nga không phải đối thủ mà là một thị trường xuất khẩu vũ khí lớn, cơ chế hạn chế xuất khẩu vũ khí cho Ấn Độ cũng ‘dễ thở’ hơn nhiều so với Trung Quốc.

Trong những năm 50 của thế kỷ trước, Ấn Độ có 1 tàu sân bay, đến những năm 1980 và 1990, số tàu sân bay của Ấn Độ tăng lên 2 chiếc. Với tàu sân bay nội địa đầu tiên Vikrant, Ấn Độ đang tiến sát hơn tới mục tiêu sở hữu 3 tàu sân bay. Tuy nhiên, Ấn Độ là một nước đang phát triển, khả năng hoạt động và sức mạnh kinh tế còn hạn chế nên khả năng thiết kế độc lập còn thiếu hụt nghiêm trọng.

Trong khi đó, bài viết kết luận, Trung Quốc đang dần từng bước chậm nhưng chắc chắn trong việc phát triển công nghệ tàu sân bay nội địa, tốc độ phát triển chắc chắn vững chắc hơn Ấn Độ.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại