Hoạt động “dương oai diễu võ” của tàu Liêu Ninh diễn ra trong bối cảnh tranh chấp hàng hải giữa Trung Quốc và các nước láng giềng đang leo thang vì kế hoạch thành lập một vùng phòng không của Trung Quốc ở không phận trên quần đảo tranh chấp với Nhật Bản.
Tàu sân bay Liêu Ninh được Trung Quốc mua lại từ Ukraine và được nâng cấp để trở thành tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Con tàu này đã tiến hành hơn 100 nhiệm vụ và thử nghiệm kể từ khi nó bắt đầu được đưa vào biên chế của Lực lượng Hải quân Trung Quốc hồi năm ngoái. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tàu sân bay của Trung Quốc được phái ra Biển Đông.
Mặc dù tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc có công nghệ thua xa các tàu sân bay của Mỹ nhưng con tàu này là đại diện cho tham vọng tiến ra ngoài khơi xa của Hải quân Trung Quốc và là trọng tâm trong chiến dịch khuấy động lòng yêu nước ở nước này.
Tàu Liêu Ninh đã rời cảng từ thành phố phía bắc Qingdao cùng với hai tàu khu trục lớn và hai tàu khu trục nhỏ khác, Hải quân Trung Quốc cho biết trên trang tin tức chính thức của lực lượng này.
Khi ở Biển Đông, tàu sân bay Liêu Ninh sẽ thực hiện “các cuộc tập trận quân sự, các cuộc thử nghiệm và nghiên cứu khoa học”, tin tức của Hải quân Trung Quốc cho biết.
"Đây là lần đầu tiên kể từ khi gia nhập vào Lực lượng Hải quân, tàu sân bay Liên Ninh thực hiện các cuộc diễn tập dài kỳ ngoài khơi xa”, Hải quân Trung Quốc cho biết thêm.
Tuy nhiên, Trung Quốc không cho biết chính xác chiếc tàu sân bay của họ sẽ diễn tập các bài tập gì mà chỉ nhấn mạnh rằng những cuộc tập trận trước đó của chiếc tàu chiến khổng lồ này liên quan đến hoạt động cho máy bay cất cánh, hạ cánh đã diễn ra suôn sẻ và nó đã đặt nền móng cho các cuộc tập trận, thử nghiệm trong tương lai.
Trước đó, hầu hết các cuộc tập trận của tàu sân bay Liêu Ninh đều diễn ra ở biển Hoàng Hải.
Việc Trung Quốc cử tàu sân bay ra Biển Đông tập trận diễn ra trong bối cảnh nước này đang gây căng thẳng trong khu vực vì kế hoạch lập vùng phòng không trên biển Hoa Đông, trong đó bao gồm khu vực không phận trên quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản.
Bước đi trên của Trung Quốc đã vấp phải phản ứng gay gắt của Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc. Bản thân Tokyo và Washington đã tuyên bố không thừa nhận vùng phòng không của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với một loạt các nước láng giềng gồm Malaysia, Brunei, Philippines, Việt Nam và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông và điều này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của các nước có tranh chấp cũng như của cộng đồng quốc tế.
Các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông đã trở thành một trong những điểm nóng bỏng nhất trong khu vực. Tình hình càng bị đẩy lên cao khi Trung Quốc ra sức củng cố sức mạnh quân sự trong khi Mỹ tích cực thúc đẩy thực hiện chiến lược chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á, với việc dồn binh lực hùng mạnh nhất đến khu vực này.
Trong bối cảnh nhạy cảm như vậy, cuộc tập trận của tàu sân bay Trung Quốc ở Biển Đông đương nhiên sẽ làm dấy lên những hoài nghi. Hải quân Trung Quốc đã nhanh chóng có hành động trấn an, khẳng định rằng, nhiệm vụ của tàu sân bay của họ ở Biển Đông mang tính định kỳ và rằng tàu Liêu Ninh vẫn còn đang trong giai đoạn thử nghiệm.
"Chuyến đi thử nghiệm đến Biển Đông này là một phần của kế hoạch thử nghiệm và huấn luyện thông thường cho tàu sân bay Liêu Ninh”, Hải quân Trung Quốc cho hay.
Dù thế nào, việc tàu sân bay Trung Quốc “dương oai diễu võ” ở Biển Đông chắc chắn sẽ bị các nước láng giềng xung quanh giám sát, theo dõi một cách chặt chẽ. Người ta tin rằng, đây tiếp tục là một hành động để Trung Quốc tiến thêm nữa trong tham vọng độc chiếm Biển Đông.